| Hotline: 0983.970.780

Nancy Wake - Nữ điệp viên 'Chuột bạch' thách thức Đức Quốc xã

Thứ Ba 16/01/2018 , 13:05 (GMT+7)

Khi phát xít Đức chiếm Pháp trong Thế chiến II, chúng phải đối mặt với một mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng. Năm 1943, mối đe dọa ấy trở nên nguy hiểm đến nỗi mật vụ Đức treo thưởng tới 5 triệu franc cho ai tiêu diệt được nó. Mối đe dọa ấy là gì? Một con “chuột bạch”.

Đó là Nancy Grace Augusta Wake, nữ điệp viên lừng lẫy của lực lượng đồng minh mang biệt danh “Chuột bạch”. Sở dĩ Nancy có biệt danh trên là bởi Đức Quốc xã dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không thể bắt được bà. Mỗi lần chúng cho rằng đã dồn bà vào chân tường thì Nancy đều trốn thoát ngoạn mục. Bà lanh lẹ, khéo léo, thoắt ẩn thoắt hiện không khác gì một con chuột bạch, theo War History Online.
 

Các vị thần dõi theo

Nancy Wake sinh ngày 30/8/1912 ở Roseneath, Wellington, New Zealand. Gia đình bà chuyển tới Sydney, Australia, sống khoảng hai năm sau đó. Cha Nancy là người Anh, mẹ bà mang hai dòng máu Anh và dân tộc Maori bản xứ. Nancy là con gái út trong gia đình 6 anh chị em.

Nancy Wake và cuốn tự truyện "Chuột bạch" của bà

Thời điểm Nancy chào đời, bà đỡ người Maori đã đặc biệt chú ý tới một nếp da trên đầu đứa trẻ. Theo bà đỡ, dân Maori gọi nếp da ấy là “kahu” và người nào sở hữu nó sẽ “luôn gặp may mắn” và được “các vị thần dõi theo”. Tuy nhiên, tuổi thơ của Nancy lại không may mắn như vậy. Cha Nancy bỏ nhà theo người phụ nữ khác khi bà chưa tròn 4 tuổi, để lại cho mẹ bà một tay với 6 đứa trẻ nheo nhóc.

Lớn lên trong nghèo khó, đến năm 16 tuổi, Nancy bỏ nhà ra đi. Công việc đầu tiên bà làm là y tá. Đời Nancy thay đổi khi một người cô ruột để lại cho Nancy 200 bảng Anh, số tiền khá lớn thời đó. Số tiền giúp Nancy đặt chân tới New York, Mỹ, rồi sau đấy là London, Anh. Tại đây, bà trở thành nhà báo.

Những năm 1930, Nancy làm việc tại Paris rồi sau đó cộng tác với báo Hearst với tư cách phóng viên châu Âu. Bà đã chứng kiến sự trỗi dậy của trùm phát xít Adolf Hitler cũng như phong trào phát xít. Năm 1933, Nancy được cử tới phỏng vấn trực tiếp Hitler. Khi đến 

Vienna, Áo, bà tận mắt nhìn thấy cảnh tượng những người đàn ông, phụ nữ Do Thái bị quân phát xít tùy hứng đánh đập dã man trên phố. Từ đây, Nancy thề sẽ làm tất cả để ngăn chặn điều này.

Năm 1937, Nancy gặp Henri Edmond Fiocca, ông chủ sản xuất công nghiệp giàu có người Pháp. Họ kết hôn vào năm 1939 và có cuộc sống hạnh phúc ở Marseille, miền nam nước Pháp, trong khi phát xít Đức xâm chiếm miền bắc. Một năm sau, bà vận dụng sự giàu có và những mối quan hệ của mình để hoạt động với tư cách người đưa tin cho kháng chiến Pháp. Bà nhận nhiệm vụ chuyển giao những thông báo quan trọng giữa các nhóm kháng chiến.

Năm 1942, phát xít Đức chiếm nửa phía nam Pháp. Khi mạng lưới kháng chiến của Nancy bị phản bội, bà buộc phải bỏ trốn nhưng chồng bà khước từ. Fiocca tin địa vị và tiền tài có thể bảo vệ ông. Nhưng ông đã sai. Gestapo (mật vụ Đức) biết những việc Nancy làm nên chúng tra tấn Fiocca để moi thông tin nhằm bắt bằng được bà. Fiocca không hé nửa lời nên chúng hành quyết ông.
 

"Chuột bạch" kỳ diệu

Nancy không biết chồng mình đã qua đời và vẫn tiếp tục làm việc cho quân kháng chiến. Năm 1943, Gestapo treo thưởng 5 triệu franc cho mạng sống của Nancy. Chúng gọi bà là “chuột bạch” vì bà có khả năng kỳ diệu là luôn đi trước chúng một bước.

Bà được Bộ Quốc phòng Anh huấn luyện các kỹ năng đặc biệt của một điệp viên, như kỹ năng sinh tồn trong tình huống nguy hiểm, giết người không gây tiếng động, kỹ năng mật mã và truyền tin vô tuyến, nhảy dù ban đêm, dùng chất nổ dẻo, sử dụng các loại súng và lựu đạn.

Bị lùng sục quá gắt gao, quân kháng chiến hiểu rõ rằng Nancy cần rời khỏi Pháp nếu muốn bảo toàn mạng sống. Nhưng khi đặt chân đến Toulouse, bà bị bắt. May mắn cho Nancy, mục sư Công giáo Ailen Hugh O’Flaherty 4 ngày sau giải thoát bà thành công nhưng việc ra khỏi nước Pháp dường như trở nên bất khả thi.

Nancy ở lại và hoạt động tích cực hơn cho phong trào kháng chiến. Bà từng chỉ huy những cuộc tấn công nhằm vào các cứ điểm của phát xít Đức, trong đó có cuộc đột kích văn phòng Gestapo ở Montlucon.

Khi Nancy biết những người đồng đội nam giới của mình không thể xuống tay giết một nữ gián điệp người Đức, bà khăng khăng nhận mình sẽ là người xuống tay dù không mong muốn. Cuối cùng, những người đàn ông trong đội đã phải khuất phục và hạ sát nữ gián điệp nọ. Trong một sứ mệnh tiền trạm, một lính phát xít Đức phát hiện ra Nancy và bà đã giết chết hắn bằng tay không trước lúc y kịp báo động.

Nancy chỉ biết chồng mình đã không còn trên cõi đời khi chiến tranh kết thúc. Bà luôn tự đổ lỗi cho mình vì cái chết của chồng. Nancy sau đó làm việc cho Cơ quan Tình báo Anh ở Paris và Prague trước khi trở về Australia vào năm 1949. Bà trở lại Anh vào năm 1951, tái hôn năm 1957 rồi về Australia vào đầu những năm 60. Khi chồng bà chết vào năm 1997, Nancy chuyển đến London.

Nancy là một trong những điệp viên lừng lẫy nhất của quân Đồng minh. Bà đã nhận nhiều huân chương từ Mỹ, Anh, Pháp, Australia và New Zealand, bao gồm Huân chương Tự do Mỹ, Huân chương George Anh và Huân chương Danh dự từ Pháp. Năm 2011, Nancy qua đời ở tuổi 98.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.