| Hotline: 0983.970.780

Nắng nóng gay gắt, hàng chục ha tôm nuôi bị bệnh

Chủ Nhật 07/04/2024 , 13:37 (GMT+7)

Hiện, thời tiết tại Phú Yên nắng nóng, nhiệt độ cao làm thay đổi yếu tố thủy lý, thủy hóa, sức đề kháng thủy sản nuôi suy giảm, dễ phát sinh dịch bệnh.

Vùng nuôi tôm nước lợ hạ lưu sông Bàn Thạch, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Vùng nuôi tôm nước lợ hạ lưu sông Bàn Thạch, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Thiệt hại vì tôm chết

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, từ đầu năm đến nay, bệnh trên tôm nuôi nước lợ xảy ra rải rác tại một số vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, diện tích tôm nuôi bị bệnh khoảng 11,5ha, tập trung chủ yếu tại vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch, thị xã Đông Hòa. Trong đó, 10ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp và cơ quan tạo máu, 1,5ha bị bệnh cơ quan biểu mô.

Anh Phan Văn Trung, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (thị xã Đông Hòa) cho biết, thời gian qua thời tiết trên địa bàn phức tạp, nắng mưa thất thường, cũng có lúc xảy ra sương mù rất bất lợi cho tôm nước lợ sinh trưởng và phát triển. Từ đó, tôm nuôi xảy ra dịch bệnh rải rác.

Thời gian qua, thời tiết phức tạp nên việc nuôi tôm của bà con khó khăn. Ảnh: KS.

Thời gian qua, thời tiết phức tạp nên việc nuôi tôm của bà con khó khăn. Ảnh: KS.

Như gia đình anh Trung đầu vụ thả nuôi 1 triệu con giống trên tổng diện tích khoảng 2ha ao đất. Tuy nhiên, sau 1 tháng tôm nuôi có hiện tượng chậm lớn, ít ăn và rớt đáy. Sau đó, gia đình kiểm tra tất cả các ao đều bị chết sạch, gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng.

Tại vùng nuôi ở xã Hòa Tâm (thị xã Đông Hòa), nhiều người cũng thiệt hại do tôm thẻ chân trắng bị chết.

Anh Lê Nhật Tân, ở thôn Phước Long, xã Hòa Tâm cho biết, gia đình vừa thiệt hại 50 vạn con giống, với giá mua 1,2 triệu đồng/vạn. Theo anh Lê Nhật Tân, không biết do thời tiết hay con giống, nguồn nước mà tôm thả hơn 10 ngày đã bị nổi trắng, chết hàng loạt. Trước khi xả bỏ, gia đình đã dùng thuốc diệt khuẩn (chlorine, formol) để khử trùng, hạn chế lây nhiễm ra môi trường và vùng nuôi.

Ông Châu Thiên Việt, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Đông Hòa cho biết, toàn thị xã thả nuôi gần 200ha. Đến nay, hơn 11ha tôm bị dịch bệnh. Khi xảy ra, Trạm phối hợp phòng Kinh tế thị xã Đông Hòa hướng dẫn bà con xử lý, đồng thời cấp thuốc và cấp hỗ trợ 950 kg hóa chất cho các hộ nuôi tiêu độc, khử trùng, xử lý ao nuôi.

Kiểm tra tôm nuôi ở vùng nuôi thị xã Đông Hòa. Ảnh: KS.

Kiểm tra tôm nuôi ở vùng nuôi thị xã Đông Hòa. Ảnh: KS.

Người nuôi tôm lưu ý

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, vùng nuôi ngày càng ô nhiễm, mầm bệnh tồn tại, lưu hành tại các vùng nuôi, trong khi hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, khó kiểm soát môi trường, mầm bệnh.

Bên cạnh đó ý thức một bộ phận không nhỏ người nuôi chưa cao, chưa bảo vệ môi trường nuôi, không báo cáo cho cơ quan quản lý để xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra theo quy định.

Trong khi đó, hiện nay và thời gian tới, thời tiết trên địa bàn tỉnh dự báo sẽ xuất hiện nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao làm thay đổi yếu tố thủy lý, thủy hóa khiến sức khỏe, sức đề kháng của thủy sản nuôi suy giảm, rất dễ phát sinh bệnh.

Trước tình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo, người nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra thông số môi trường nuôi, đồng thời cần điều chỉnh các yếu tố môi trường nuôi trong ngưỡng thích hợp, không để biến động mạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi.

Người nuôi có thể tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi bằng cách định kỳ bổ sung vitamine, khoáng chất vào thức ăn nhằm hạn chế bệnh phát sinh; cũng như quản lý thức ăn tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường nuôi.

Con giống thả nuôi là một yếu tốt rất quan trọng, Do đó, người nuôi phải lựa chọn con giống có chất lượng, được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm và kiểm dịch theo đúng quy định.

Trong quá trình nuôi hạn chế việc thay, cấp nước vào ao nuôi trong thời điểm vùng nuôi đang có dịch bệnh xảy ra, chỉ thực hiện trong trường hợp cấp thiết. Nước cấp phải được xử lý mầm bệnh trước khi cấp vào ao nuôi.

Khi xảy ra sự cố do môi trường, dịch bệnh phải kịp thời thu hoạch tôm nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, kịp thời báo cáo cho thú y xã và UBND cấp xã hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y để hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Người nuôi không tự chữa trị, chỉ thực hiện điều trị đối với những bệnh đã xác định được tác nhân và có thể điều trị được; không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, để thả nuôi tôm hiệu quả, người nuôi phải xử lý nước ao nuôi, nước thải và khử trùng các dụng cụ, ao bể, nền đáy, diệt giáp xác bằng các loại hóa chất được phép sử dụng, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất