| Hotline: 0983.970.780

Nền tảng vững chắc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thứ Tư 10/01/2024 , 06:50 (GMT+7)

Nông dân Tiền Giang có nền tảng vững chắc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao từ các chương trình, dự án được ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật.

VnSAT giúp giảm phát thải 122.000 tấn CO2

Những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều chương trình nâng cao khoa học kỹ thuật, thay đổi nhận thức của người trồng lúa. Ngành chức năng tỉnh đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật như IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa VietGAP, GlobalGAP, lúa hữu cơ... Đặc biệt là thông qua dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT), dự án được triển khai tại 4 huyện phía tây của Tiền Giang, hàng nghìn nông hộ đã được tăng cường năng lực sản xuất.

Qua đào tạo, kết quả về tỷ lệ áp dụng 3 giảm 3 tăng chung của Tiền Giang là 94,19% về số hộ và 94,79% về diện tích; tỷ lệ áp dụng 1 phải 5 giảm là 97,91% về số hộ và 99,05% về diện tích. Ảnh: Minh Đảm.

Qua đào tạo, kết quả về tỷ lệ áp dụng 3 giảm 3 tăng chung của Tiền Giang là 94,19% về số hộ và 94,79% về diện tích; tỷ lệ áp dụng 1 phải 5 giảm là 97,91% về số hộ và 99,05% về diện tích. Ảnh: Minh Đảm.

Ngay từ những năm đầu triển khai dự án, công tác đào tạo, tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm được tập trung triển khai trên địa bàn vùng dự án. Qua công tác điều tra, giám sát, đánh giá của Ban quản lý dự án VnSAT Tiền Giang, kết quả thực hiện các mục tiêu dự án đến 30/6/2022 có nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu ban đầu.

Dự án đã thực hiện 855 lớp đào tạo 3 giảm 3 tăng và 476 lớp đào tạo 1 phải 5 giảm. Qua đào tạo, người dân trồng lúa vận dụng khá tốt các kiến thức được truyền đạt vào thực tế đồng ruộng của mình, nổi bật là nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ 150 - 200 kg/ha (năm 2015) xuống còn 80 - 100 kg/ha (năm 2021), sử dụng giống xác nhận, giống nguyên chủng.

Số liệu điều tra năm 2022, nông dân sử dụng lượng phân đạm đạt ở mức giỏi (thấp hơn 100 kg/ha) chiếm gần 90%, đạt ở mức khá chiếm hơn 10%. Nông dân đã giảm được lượng phân đạm so với trước khi được đào tạo khoảng từ 30 - 70 kg/ha.

Bên cạnh đó, về việc giảm số lần phun thuốc trừ sâu bệnh của nông dân đạt ở mức khá chiếm 79%, đạt ở mức trung trình chiếm 21%. Nông dân đã giảm được số lần phun thuốc so với trước khi được đào tạo khoảng từ 3 - 6 lần/vụ, không còn phun thuốc trừ sâu giai đoạn đầu 40 ngày sau sạ, nông dân thăm đồng thường xuyên kiểm tra mật số thiên địch và côn trùng gây hại, không còn phun thuốc định kỳ như trước đây. Nhờ vậy mà giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống đồng ruộng, môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người được bảo vệ tốt hơn.

Từ nền tảng của dự án VnSAT, nông dân Tiền Giang đang rất tự tin bước vào giai đoạn sản xuất của thời đại 4.0.

Từ nền tảng của dự án VnSAT, nông dân Tiền Giang đang rất tự tin bước vào giai đoạn sản xuất của thời đại 4.0.

Về ghi chép sổ nhật ký sản xuất, nông dân đã thay đổi rõ rệt về tư duy sản xuất, có ghi chép sổ nhật ký, tính toán chi phí đầu tư, lợi nhuận sau mỗi vụ sản xuất.

Qua đào tạo, kết quả về tỷ lệ áp dụng 3 giảm 3 tăng chung của Tiền Giang là 94,19% về số hộ và 94,79% về diện tích; tỷ lệ áp dụng 1 phải 5 giảm là 97,91% về số hộ và 99,05% về diện tích.

Nền tảng vững chắc tiến tới Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Từ nền tảng đó, nông dân Tiền Giang đang rất tự tin bước vào giai đoạn sản xuất của thời đại 4.0.

Tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy ông Nguyễn Văn Nhi, Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây hơn 1.300ha đất sản xuất lúa của xã tham gia vào dự án VnSAT. Nhờ được tập huấn, một cuộc cách mạng về giảm lượng giống, giảm số lần phun xịt, giảm phân bón và thay đổi cơ cấu giống lúa đã được nông dân thực hiện. Hiện lượng giống nông dân địa phương gieo sạ khoảng 100kg/ha, giảm 100kg so với trước. Đặc biệt, người dân đã thay đổi cơ cấu giống lúa. Vụ đông xuân 2023 - 2024, bà con địa phương xuống giống được 857ha (đạt 100%), giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 90% (trong đó, Đài Thơm 8 chiếm trên 50%, OM18 chiếm gần 40%).

Cánh đồng mơ ước của bà con Mỹ Thành Nam hướng tới sản xuất hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Cánh đồng mơ ước của bà con Mỹ Thành Nam hướng tới sản xuất hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thành Nam cho biết, Hợp tác xã liên kết với Công ty TNHH ADC, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trên diện tích 100ha lúa GlobalGAP theo phương thức đầu tư vật tư, giống đầu vào và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/kg tùy theo vụ sản xuất. Đặc biệt, vụ thu đông vừa rồi, công ty thu mua lúa OM5451 với giá 8.400 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 400 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.

Trong 100ha lúa canh tác theo quy trình GlobalGAP đã có 60ha được chứng nhận đạt chuẩn SRP (Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu). Sản xuất lúa áp dụng quy trình sinh học 100%, không sử dụng thuốc BVTV hóa học.

“Hướng sắp tới, HTX sẽ chuyển dần sang sản xuất lúa hữu cơ từ nền tảng lúa đạt chuẩn SRP khi có đặt hàng từ doanh nghiệp. Bởi mình đã có nền tảng vững chắc rồi”, Giám đốc HTX Mỹ Thành Nam nói.

Giống lúa chất lượng đạt 90% diện tích gieo sạ

Theo thống kê, tổng diện tích gieo sạ 3 vụ năm 2023 ở Tiền Giang đạttrên 128.600ha, sản lượng trên 726.600 tấn. Trong đó, cơ cấu lúa chất lượng cao (OM 6976, OM 18, OM 380, Hương Châu 6…) và lúa thơm (Nàng hoa 9, Đài thơm 8, ST24, Jasmine 85, VD20, OM 4900…) gần như ngang nhau và đạt trên 90%. Các giống lúa thường (IR 50404, MTL 110) chiếm chưa đầy 10% và có xu hướng giảm qua các mùa vụ.

Tại các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang, hàng năm, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại HK Green đã phối hợp thực hiện liên kết trên 2.500ha lúa. Tham gia cánh đồng lớn, nông dân được Công ty HK hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình, được cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, thanh toán sau thu hoạch và không tính lãi, được bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ giá đầu ra theo thị trường, đồng thời được cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, trực tiếp tư vấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, từ đó giảm chi phí sản xuất từ 15 - 20%, tăng lợi nhuận 30% so với trước kia.

Điển hình như tại HTX Tân Điền ở huyện Gò Công Đông, bà con đã tham gia chuỗi liên kết với HK Green từ 4 năm nay. Ông Võ Thanh Tâm, Giám đốc HTX cho biết, về hiệu quả khi sản xuất theo quy trình của Công ty HK Green, ông Tâm khẳng định chi phí giảm khoảng vài trăm nghìn đồng/công mỗi vụ. Một công lúa (1.000m2) chỉ tốn khoảng 700.000 đồng tiền phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh. Dù bón phân hữu cơ nhưng năng suất lúa rất đạt (hơn 6 tấn/ha), hạt lúa chắc, bóng mẩy. Nhờ đầu vào, đầu ra ổn định nên mô hình liên kết ngày càng mở rộng, từ 30ha ban đầu nay đã phát triển trên 150ha.

Hiện nay, nông dân ở các huyện, thị phía đông của tỉnh Tiền Giang thu hoạch lúa thu đông rất phấn khởi bởi năng suất đạt gần 7 tấn/ha. Không chỉ năng suất cao mà giá lúa ở mức kỷ lục. Cụ thể, lúa OM5451 có giá từ 8.300 - 8.600 đồng/kg; Đài Thơm 8; Hương Châu 6, giá trên dưới 8.600 đồng/kg; VD20, Nàng hoa 9 hơn 9.500 đồng/kg. Với mức giá này nông dân đạt mức lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Vụ lúa thu đông năm nay, nông dân tại các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công chỉ xuống giống gieo sạ hơn 10.000ha, tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi về nguồn nước. Đặc biệt các mô hình liên kết sản xuất, nông dân có lợi nhuận cao hơn 10% so với mô hình truyền thống.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất kinh doanh thương mại HK cho biết, mô hình liên kết vụ này nông dân đạt lãi từ 50 - 55% so với tổng chi phí đầu tư. “Mình liên kết với các nông dân phía đông nằm vùng có nước trong đê bao, giá vụ này quá tốt, đạt kỷ lục luôn. Tính ra giá lúa này nằm trên 9.000 đồng/kg thì ngày trước nông dân lãi 30 - 35% nay lãi 50 - 55%. Giá lúa đang lên mà giá phân mình giao ngay từ đầu vụ là mức giá ổn định, quy trình mình làm rất chuẩn”, ông Hải nói.

Nông dân Tiền Giang trúng mùa được giá vụ thu đông 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân Tiền Giang trúng mùa được giá vụ thu đông 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Hướng đến nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa - gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm khí thải nhà kính, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về xây dựng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, tỉnh Tiền Giang đăng ký tham gia với diện tích 30.000ha.

Cụ thể, vùng phía Tây là 15.000ha (huyện Cái Bè 6.500ha, huyện Cai Lậy 4.500ha, thị xã Cai Lậy và huyện Tân Phước là 2.000ha), vùng phía đông là 15.000ha (huyện Gò Công Tây 6.500ha, huyện Gò Công Đông 6.000ha, thị xã Gò Công 2.500ha).

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, mục tiêu của Đề án là hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài. Đề án hướng nông dân sản xuất lúa chú trọng đến việc sản xuất những giống lúa chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí gạo xuất khẩu. Một số giống lúa mới có triển vọng, chất lượng gạo cao đang phát triển nhanh diện tích gieo trồng như OM18, Đài Thơm 8, ST24, ST25…

Ngoài ra, đối với các giống lúa đặc sản, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các huyện phía đông, tỉnh Tiền Giang chú trọng xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Gò Công với giống lúa chủ lực là VD20, giống lúa đặc trưng được tỉnh Tiền Giang phục tráng và phát triển.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.