| Hotline: 0983.970.780

Nếp Quạ đen ở Thanh Sơn và người đàn ông ưa sưu tầm đặc sản

Thứ Năm 03/03/2022 , 09:35 (GMT+7)

Tôi đem ấn tượng về đôi bánh chưng dẻo lạ của anh Đinh Văn Dự-Khuyến nông xã Thắng Sơn tặng kể với anh Vũ Văn Hoan-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Sơn.

Nghiệp giữ giống cho muôn đời sau

Anh cười rồi bảo: “Nếp Quạ đen dùng để gói bánh chưng thì tôi thấy không có thứ nếp nào có thể sánh bằng vì đã dẻo lại có vị mát, để cả tuần mà cũng không cần luộc lại”. Tự nhận mình là một kẻ “hấp” khi toàn lẩn mẩn nghiên cứu những đặc sản trước bờ vực tuyệt chủng, anh kể, năm 2004 khi đang là Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Thanh Sơn đã xin Sở Khoa học và Công nghệ “Đề tài phục tráng, bảo tồn tập đoàn giống lúa nếp địa phương trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ”.

Những loại nếp đó còn trong trí nhớ của nhiều người già. Quạ đen có màu hạt đen như lông quạ được anh tìm thấy ở 3 xã Đông Cửu, Yên Sơn, Yên Lương, còn Quạ vàng có màu hạt vàng như màu lá gừng. Ngoài ra còn có nếp Vơi và nếp Cái hoa vàng, chúng đều được anh Hoan để tâm, khôi phục thành công. Sau đó Thanh Sơn tách thành 2 huyện Thanh Sơn và Tân Sơn. Khi lên làm Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Tân Sơn hành trang anh Hoan mang theo còn có những giống quý này, còn ở Thanh Sơn chúng chỉ tồn tại được cỡ 1-2 năm là đã mất.

Anh Vũ Văn Hoan-Nguyên Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Sơn (trái) đang kiểm tra nếp Quạ đen. Ảnh: Tư liệu của PTV.

Anh Vũ Văn Hoan-Nguyên Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Sơn (trái) đang kiểm tra nếp Quạ đen. Ảnh: Tư liệu của PTV.

“Khi quay trở lại làm Phó phòng Nông nghiệp và PTNT Thanh Sơn, tôi thấy không ai để ý các giống đặc sản địa phương, rất lãng phí nguồn tài nguyên mà nơi khác muốn cũng chẳng có. May là trước đó tôi có đem ít giống Quạ đen đưa cho ông cậu ở xã Lương Nha trồng, nếu không cũng mất, thế là đề xuất luôn với UBND huyện cho khôi phục, làm mô hình”.

Khi đang loay hoay tìm điểm để thực hiện thì tình cờ một lần anh xuống xã Thắng Sơn công tác, được anh Đinh Công Trọng-Phó Chủ tịch UBND xã kể chuyện lãnh đạo địa phương thường xuyên bị kiểm điểm vì để dân bỏ trắng vụ mùa. “Toàn bộ diện tích 86 ha vụ mùa của xã các năm 2017, 2018, 2019 đều bị bỏ hoang bởi lao động giờ chủ yếu đi làm công nhân hết. Lúc đầu doanh nghiệp còn yêu cầu tuyển người trẻ nhưng khi các khu công nghiệp mở rộng, kể cả 40-50 tuổi họ vẫn nhận.

Trong mấy năm đó chúng tôi rất trăn trở chuyện bỏ ruộng. Có nhiều ý kiến trái chiều rằng tại sao lãnh đạo xã và tổ khuyến nông không thay đổi tập quán, cách làm cho dân, không đem những giống mới hay giống đặc sản về cho dân ứng dụng. Nói thì thế nhưng khi xã chỉ đạo triển khai giống mới vào dân lại không chịu làm vì đã phải chịu thất thu nhiều năm bởi vụ mùa lắm sâu, nhiều bệnh lại hay mưa gió thất thường. Có những thời điểm lúa đã trỗ rồi còn gặp rét, không phơi màu được, gặt về trâu cũng không thèm ăn bởi đắng...”. Anh Trọng nhớ lại.

Màu sắc lạ của nếp Quạ đen. Ảnh: Tư liệu.

Màu sắc lạ của nếp Quạ đen. Ảnh: Tư liệu.

Khi biết chuyện, anh Hoan khuyên thử cấy Quạ đen-một giống nếp đặc sản của địa phương đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT phục tráng. Được lời như cởi tấm lòng, anh Trọng xuống UBND huyện làm tờ trình xin hỗ trợ mô hình rồi về họp dân, quyết định cấy thí điểm 3 ha ở khu Giai Thượng.

Mới đầu bà con không tin, giống lấy về cũng chẳng buồn ngâm khiến tổ khuyến nông cùng đoàn thanh niên, hội phụ nữ phải xúm vào vận động. Gieo cấy một cách khiên cưỡng như thế nên chăm sóc cũng lơ là, chỉ đến khi thấy lúa trỗ đẹp quá, họ mới tin. Không ngờ một đợt rét xảy ra, nhiệt độ hạ xuống 15 độ C trong vòng suốt 3 ngày khiến cho lãnh đạo xã Thắng Sơn gần như không ngủ được. Nhưng cuối cùng thì Quạ đen vẫn trụ vững, cho thu hoạch 1,3-1,5 tạ/sào.

Gần 40 năm nếp Quạ đen tuyệt chủng trong cộng đồng người Mường ở huyện Thanh Sơn, giờ đây được khôi phục, những ký ưc xưa tưởng chừng như đã mất lại hiện về. Giống chỉ hợp trồng ở vụ mùa, có thời gian sinh trưởng 142 ngày, cây cao gần ngang đầu người, năng suất đạt 160 kg/sào, xôi ăn dẻo lạ thường.

Cận cảnh hạt thóc của nếp Quạ đen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh hạt thóc của nếp Quạ đen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bệ đỡ từ truyền thuyết

Xuất xứ của cái tên gọi Quạ đen này theo truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có một nàng công chúa rất xinh đẹp được nhà vua cực kỳ yêu quý nhưng nàng không bao giờ cười nói với bất cứ ai. Đến năm 18 tuổi nhà vua kén rể quý, chỉ cần ai làm cho nàng công chúa cười thì sẽ được gả cho. Nhiều thanh niên đến làm đủ mọi cách cũng không thể làm cho nàng cười được. Một hôm có chàng trai nước da ngăm đen đến đưa ra một bông lúa vàng ánh lấp lánh tựa như ánh sáng mặt trời.

Nàng ngạc nhiên vì chưa nhìn thấy bông lúa nào đẹp đến thế liền buột miệng hỏi là giống lúa gì, chàng trai trả lời  rằng đây là giống lúa Quà Quà, được một một con chim thả trước sân nhà vào một buổi sáng sớm.  Chàng chạy ra nhìn theo thì chỉ thấy một chấm đen lấp lánh dưới nắng mùa thu, đó chính là chim quạ vua của các loài chim. Nghe xong câu chuyện nàng mỉm cười nói, vậy chàng hãy gieo trồng giống lúa quý này, đến khi thu hoạch đem dâng, nếu ngon nàng sẽ lấy làm chồng...

Cận cảnh hạt gạo của nếp Quạ đen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh hạt gạo của nếp Quạ đen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đinh Văn Xuân-một nông dân ở khu Giai Thượng bảo với tôi rằng: “Năm nay tôi đã 65 tuổi, hồi trẻ vẫn thường được ăn nếp Quạ đen, ấn tượng là nó rất ngon và dẻo. Đến quãng năm 1985, 1986 do gieo cấy không năng suất mấy, chỉ được cỡ 80 kg/sào, kinh tế lại túng nên phải chuyển sang loại lúa nếp khác, bỏ bẵng mất gần 40 năm.  

Vụ đầu tiên trồng rồi ăn lại, thấy ngon quá, bà con cứ thế truyền tai nhau săn lùng. Điểm nổi trội nhất của nếp Quạ đen là dẻo hơn tất cả những loại nếp khác, đồ xôi từ tối hôm 30 để đến tối mồng 1 ăn vẫn còn dẻo như mới. Thêm vào đó nó có thể ăn tới no mà không bị ngán, không bị nóng cổ”.

Cũng hiếm có giống nếp nào có thời gian ngâm siêu tốc như Quạ đen, chỉ 30-50 phút bằng nước lạnh rồi đồ luôn, còn ngâm lâu dễ bị nát và nhạt vì nhiệt độ hóa hồ rất thấp. Theo ông Xuân, nếp Quạ đen có một nhược điểm duy nhất là không được thơm như nếp Cái hoa vàng, tuy nhiên dùng chính nước ngâm gạo để đồ thì xôi vẫn đậm đà mùi vị.

Sau vụ mùa đầu cấy thử thấy ăn ngon quá, vụ mùa thứ hai xã Thắng Sơn cho mở rộng diện tích ra 3 khu gồm Giai Thượng, Đá Bia và Giếng Ống, tổng cộng là 20 ha. 100% đều sản xuất theo hướng hữu cơ, bón phân chuồng, không dùng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng mà áp dụng giải pháp tung vôi để diệt.

Kiểm tra sinh trưởng của nếp Quạ đen. Ảnh: Tư liệu.

Kiểm tra sinh trưởng của nếp Quạ đen. Ảnh: Tư liệu.

Lúa đang lên tốt bời bời, đúng lúc trỗ thì không ngờ gặp ngay nửa tháng  mưa dầm liên tiếp. Các giống lúa khác bông đều “chào cờ” hết, tức hạt lép nên cứ giương thẳng lên trời, mà Quạ đen bông vẫn cong mình, nặng trĩu. Khi lúa chín, được bà con gặt bằng tay thành “cum”, phơi trên gốc rạ để đảm bảo hạt khô từ từ, giữ được nguyên hương vị, đảm bảo không lẫn tạp, sạn nên không cần phải vo để hoài phí đi các vitamin quý. Vì chất lượng đặc biệt như thế nên gạo Quạ đen được bán giá tới 50.000đ/kg.

20 ha thu được cỡ 100 tấn thóc nhưng lúc tôi đến những siêu thị ở thành phố Việt Trì đã đặt mua hết, khiến cho anh Đinh Công Trọng-Phó Chủ tịch UBND xã phải vất vả lắm mới kiếm được 5 kg gạo để tặng. Anh hồ hởi bảo mục tiêu là vụ mùa này phải đưa Quạ đen vào chương trình OCOP.

Còn anh Kiều Đức Mạnh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Sơn thì ấp ủ: “Mô hình cấy nếp Quạ đen của chúng tôi có mục đích kép, vừa bảo tồn đặc sản giống địa phương, vừa tuyên truyền cho bà con ở những vùng giáp ranh khu công nghiệp không bỏ vụ vì hiệu quả kinh tế của lúa này rất vượt trội. Sắp tới, huyện sẽ nhân rộng nếp Quạ đen ra một vùng rộng cỡ 100-200 ha để xây dựng thương hiệu nên ngoài xã Thắng Sơn còn đưa giống vào trồng ở vùng Tam Cửu. Kinh nghiệm cho thấy càng trồng ở vùng núi cao thì chất lượng gạo của nó lại càng thơm ngon”...

Ngoài nếp Quạ đen, anh Hoan còn có các đề tài nghiên cứu như chuối Phấn vàng, khoai Tầng vàng, lợn rừng lai, ngô nếp bản địa…Những giống này đều mong manh, dễ mất nên anh luôn đau đáu, khi mình đã nghỉ hưu, nếu không được chính quyền địa phương quan tâm, bảo tồn và phát triển, không biết chúng sẽ còn giữ được bao lâu.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...