| Hotline: 0983.970.780

Nếu cháu thấy nợ L như duyên nợ thì không việc gì phải đắn đo quá cả

Thứ Tư 21/12/2016 , 06:50 (GMT+7)

Cháu thấy nếp sống của người ta mà chạnh lòng cho nhà mình. Chém to kho mặn, nhà cửa bời bời, bếp núc trống trải, con nít lổng nhổng ngụp lặn dưới sông.

Cô kính mến!

Cháu gặp L trong một tình huống như anh hùng cứu mỹ nhân vậy đó cô. Trong một quán cà phê, L và một bạn nữ nữa bị một nhóm thanh niên trêu chọc. L như tiểu thư liễu yếu trong tiểu thuyết cũ, M bạn L thì giang cánh che chở cho L nhưng không thành. Ba gã con trai này cũng ngựa non háu đá thôi chứ nếu chúng là giang hồ thứ thiệt cháu cũng không thành Lục Vân Tiên thật.

Phải nói L xinh như búp bê. Cháu nam tính nên cháu vốn thích những cô gái mong manh sương khói. Ba chị em gái nhà L đều nhẹ nhàng thục nữ như vậy. Vì gốc L là dân Chợ Lách, vườn tược hoa kiểng, nhà cổ, cây cổ, rất trau chuốt và nền nếp đó cô. Còn cháu thì trai miệt biển ăn to nói lớn.

Cháu đã đi làm, L còn một năm nữa. Theo quy trình, cháu về chơi nhà L trước. Ba của L như một vị thầy giáo, nho nhã, điềm đạm, kỹ càng quá. Má của L cũng như một cô giáo, nết na, thu vén khéo. Cháu thấy nếp sống của người ta mà chạnh lòng cho nhà mình. Chém to kho mặn, nhà cửa bời bời, bếp núc trống trải, con nít lổng nhổng ngụp lặn dưới sông. Con nít đó là cháu ruột của cháu, con của anh chị hai đang sống cùng ba má cháu.

Rồi cháu cũng phải đưa L về quê. Đúng là U Minh trong mắt một cô tiểu thư như L. Kênh xáng nước đỏ, bần tràm choại dớn, chỉ thiếu khỉ nữa là đồng bộ. Biết rằng ba má cháu có anh chị hai, chúng cháu sẽ ở TP hay là về thị xã quê nhà của L nhưng cháu vẫn mất tự tin. Lục Vân Tiên mà mất tự tin thì tội nghiệp cho chàng, đúng không cô?

L không than thở gì, chỉ khóc. Cháu bắt đầu thấy cái ẻo lả của con gái miệt vườn nhiều lúc cũng khó chịu thật. Nhạy cảm, tủi thân, lo sợ… kiểu cắt thì không dám mà lao theo cuộc tình nầy thì cũng không đủ can đảm. L nói má của L với má của cháu như người của hai thế giới, sao ngồi lại với nhau được? Ba của cháu thì dân lao động cơ bắp mấy đời, cũng đâu có chi li khéo léo tăm tỉa như ba của L. Sao bây giờ mà chuyện môn đăng hộ đối lại sống dậy trong chính thế hệ của chúng cháu rõ rệt hơn hồi ba má cháu vậy cô?

Cháu có băn khoăn, liệu rồi sẽ đi tới đâu. Quê mình vẫn là chính, rể vẫn là khách nhà người ta, cháu tiến thoái lưỡng nan lắm cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Cô làm bài toán nhỏ, biết ba má cháu thuộc thế hệ sinh ra trong chiến tranh và trưởng thành ở giai đoạn chuyển tiếp. Cháu đã có cháu gọi bằng chú, những đứa cháu ngụp lặn như con nhái, con cá U Minh ấy cho cô bức tranh một miền quê hồn nhiên, lực lưỡng nhưng có thể còn hoang sơ. Trong khi đó, nhà của L ở vùng vườn cổ nổi tiếng lâu đời có nhiều người giàu và văn minh tây học. Họ sống cầu kỳ, trau chuốt, riêng nếp sống thôi cũng đáng ngưỡng mộ. Cách làm ăn của hai nhà cũng khác, có thể lấm láp sình bùn trầy trật và bên kia, có thể vững như bàn thạch từ tổ tiên ông bà để lại kinh nghiệm và cả vốn liếng.

Môn đăng hộ đối không sống lại, cũng không phải xấu. Nhưng thực ra hậu chiến đã cào bằng, ai cũng xấc bấc xang bang như nhau, tập đoàn sản xuất, cải tạo tư thương… ai cũng kiếm sống lần hồi cho đến khi đất nước thôi bị cấm vận, mở cửa. Bấy giờ nghề vườn sống lại, nhanh chóng phục hồi, dân U Minh nhà cháu vùng căn cứ địa hẩm hiu, lấy gì mà bật lên? Cũng như nhà khá giả, nát giỏ cũng còn bờ tre, dân miệt dưới tan hoang chiến địa và hậu chiến què quặt sức người, nghèo dài cực lâu là phải.

Tự cháu thấy bất an khi L tiểu thư và hay khóc lúc đặt L vào trong gia tộc U Minh của cháu. Nếu tình yêu lớn, L sẽ là ánh sáng trong gia tộc cháu: biết tổ chức cái bếp văn minh, biết nấu ăn ngon, biết trồng cây cảnh, cây vườn thổ cư… Cháu sẽ là tay làm lụng của nhà L mỗi khi có việc, sửa cái máy đuôi tôm, rào lại hàng rào, vét mương thả cá, xén cành, thay cây… Không có gì quá khác biệt ở đây ngoài cái tính mít ướt đáng lo của L. Cô ghét nhất cái tính bi lụy phụ nữ, đụng chuyện là oai oái và khóc, làm gánh nặng cho người khác chứ chẳng được tích sự gì.

Nếu chưa sâu thì dừng lại làm bạn của nhau. Nếu cháu thấy nợ L như duyên nợ thì không việc gì phải đắn đo quá cả. Khi người ta lấy chồng, mang thai và làm mẹ, người ta sẽ thay đổi. Trong mọi mặt đời sống hai chữ được và mất luôn song hành, cháu hãy tin như vậy và thong thả đi, yêu đời đi, rồi đâu sẽ vào đấy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm