| Hotline: 0983.970.780

Nga chở máu đến biên giới Ukraine

Thứ Bảy 29/01/2022 , 11:00 (GMT+7)

Các quan chức Mỹ cho biết, việc quân đội Nga vận chuyển máu đến sát biên giới Ukraine để sẵn sàng cho hoạt động cấp cứu binh sỹ bị thương là diễn biến mới nhất.

Trả lời hãng tin Reuters, giới chức Mỹ cho rằng, những chỉ số cụ thể - như nguồn cung cấp máu chi viện cho chiến trường là rất quan trọng trong việc định liệu Moscow có sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công Ukraine hay không.

Việc tiết lộ nguồn cung cấp máu này cũng phản ánh thêm một bối cảnh khác khiến cho những cảnh báo của Mỹ rằng “Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới vào Ukraine” khi nước này tập trung hơn 100.000 quân ở gần biên giới của mình ngày càng có lý.

Những cảnh báo này bao gồm cả dự đoán của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhận xét của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng Nga có thể phát động một cuộc tấn công mới vào Ukraine chỉ sau "một thông báo rất ngắn".

Lầu Năm Góc trước đó đã thừa nhận việc triển khai hoạt động "hỗ trợ y tế" là một phần trong kế hoạch quân sự của Nga, điều mà các chuyên gia cho là rất quan trọng để xác định mức độ sẵn sàng của quân đội Nga.

Ben Hodges, cựu tướng quân đội Mỹ hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Phân tích Chính sách Châu Âu cho biết: “Không có gì đảm bảo là sẽ có một cuộc tấn công, nhưng bạn sẽ không thể thực hiện một cuộc tấn công nếu bạn không có gì trong tay”.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng cũng không đưa ra bình luận nào về chuyển động cung cấp máu của Nga nhưng tiếp tục đưa ra các cảnh báo công khai lặp đi lặp lại của Mỹ về sự sẵn sàng của quân đội Nga. Lầu Năm Góc thì từ chối thảo luận về các đánh giá tình báo về sự di chuyển của hoạt động cung cấp máu của Nga đến gần Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hiện vẫn giữ im lặng trước những đồn đoán từ phương Tây về khả năng động binh cao của nước này nhắm vào quốc gia láng giềng Ukraine. Các quan chức Nga đã nhiều lần phủ nhận kế hoạch động binh, tuy nhiên Moscow nói rằng họ cảm thấy “bị đe dọa” bởi mối quan hệ ngày càng được củng cố giữa Kiev với phương Tây.

Cách đây 8 năm, quân đội Nga đã đánh chiếm bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho các lực lượng ly khai nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ miền đông Ukraine.

Trước đó vào tháng 12 năm ngoái các yêu sách về an ninh của Nga được đưa ra, bao gồm việc chấm dứt mở rộng sự hiện diện của NATO tại Ukraine, đồng thời ngăn cản Ukraine gia nhập khối quân sự này và kêu gọi liên minh quân sự này rút bớt lực lượng cũng như vũ khí ra khỏi các nước Đông Âu vốn được thiết lập kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Vào cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladirmir Putin cho biết, Mỹ và NATO đã không giải quyết các yêu cầu an ninh chính đáng của Moscow khi họ đang ở trong tình thế bị đe dọa và Nga luôn sẵn sàng để đàm phán.

Trong khi đó, Nhà Trắng dẫn lời ông Biden nói rằng “ông sẽ không điều quân đội Mỹ hoặc đồng minh đến chiến đấu với Nga ở Ukraine nhưng đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một cuộc điện đàm hôm thứ Năm rằng Washington và các đồng minh sẵn sàng đáp trả một cách dứt khoát một khi Nga tấn công quốc gia thuộc Liên Xô cũ”.

Kể từ khi căng thẳng giữa Moscow và Kiev nóng lên, Mỹ và các đồng minh liên tục tuyên bố, Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nếu nước này tấn công Ukraine.

Các nước phương Tây đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế kể từ khi quân đội Nga đánh chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Tuy nhiên những động thái như vậy đã “ảnh hưởng rất ít đến chính sách của Nga”, với việc Moscow - nhà cung cấp năng lượng chính của châu Âu, tính toán rằng phương Tây sẽ phải dừng những bước đi “đủ nghiêm trọng” để can thiệp vào hoạt động xuất khẩu khí đốt.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết, ông sẽ điều động quân đội Mỹ tới các nước Đông Âu và NATO "trong thời gian sớm nhất”. Theo đó, Lầu Năm Góc đã bố trí khoảng 8.500 binh lính luôn ở trong tình trạng sẵn sàng triển khai tới châu Âu trong bối cảnh quân đội Nga đang tăng cường gần biên giới Ukraine.

Trước đó, hôm 27/1, Washington đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tổ chức một cuộc họp về hành động "gây hấn" của Nga đối với Ukraine vào tuần tới nhằm gây thêm áp lực đối với Moscow. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định nước này không muốn xảy ra chiến tranh với Ukraine.

Theo thông báo của Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Vladirmir Putin trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 28/1 cho biết: Các phản ứng của Mỹ và NATO không tính đến các mối quan ngại cơ bản của Nga, bao gồm việc ngăn chặn sự bành trướng của NATO và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công đến gần biên giới Nga. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Nga “im hơi lặng tiếng” suốt một tháng qua khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp, ông Putin cáo buộc Mỹ vẫn "phớt lờ" những mối quan ngại chính của Nga và không giải thích được làm thế nào để đảm bảo an ninh ở châu Âu mà không ảnh hưởng tới những lo ngại về quốc phòng của các nước khác.

(Reuters; AFP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.