| Hotline: 0983.970.780

Nga tấn công Ukraine ảnh hưởng thị trường toàn cầu ra sao?

Thứ Năm 24/02/2022 , 18:08 (GMT+7)

Giá dầu thô tăng 4% kéo theo giá vàng, đô la và ngũ cốc, trong khi thị trường chứng khoán thế giới chao đảo sau khi Nga phát động 'tấn công toàn diện' vào Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện trên truyền hình thông báo về một chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện trên truyền hình thông báo về một chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Ảnh: AFP

Lo ngại thị trường

Tuyên bố chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắm vào Ukraine diễn ra trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và đặc biệt thị trường nông sản thế giới diễn biến khó lường, nhiều xáo trộn giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.

Theo giới phân tích, mỗi khi thế giới có sự cố thị trường nông sản được cho là tác động chậm hơn so với các mặt hàng nóng khác như dầu mỏ, vàng và chứng khoán.

Và cuộc xung đột Nga - Ukraine lần này, được coi là một biến động lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh hoàn toàn có thể dẫn đến nhiều thay đổi, thường khiến các nhà đầu tư đổ xô trở lại trái phiếu, được coi là tài sản an toàn nhất để tránh lạm phát.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái của đồng euro/franc Thụy Sĩ vốn được coi là chỉ báo lớn nhất về rủi ro địa chính trị trong khu vực đồng euro, bởi đồng tiền Thụy Sĩ từ lâu đã được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn. Ghi nhận đến trước khi quân đội Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine, đồng franc Thụy Sỹ đã đạt mức mạnh nhất kể từ tháng 5/2015. Tiếp đến là vàng, cũng được coi là nơi trú ẩn trong các cuộc xung đột hoặc bất ổn kinh tế, hiện vẫn đang bám ở mức đỉnh trong hai tháng.

Dự báo thị trường lương thực thế giới sẽ có những biến động trong thời gian tới, sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Đồ họa: FAO.

Dự báo thị trường lương thực thế giới sẽ có những biến động trong thời gian tới, sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Đồ họa: FAO.

Nhận định về thị trường nông sản, các chuyên gia cho rằng, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy ngũ cốc ra khỏi khu vực Biển Đen đều có thể gây ra những tác động lớn đến giá cả và “đổ thêm dầu vào lửa” cho lạm phát lương thực. Đặc biệt là thế giới đang ở vào thời điểm mà tính hợp lý về giá cả hay còn gọi là khả năng chi trả vẫn đang là mối quan tâm lớn trên toàn cầu, sau những thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Dự báo, bốn quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trong khu vực chiến sự gồm: Ukraine, Nga, Kazakhstan và Romania - nằm trên hành lang vận chuyển ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen, có thể sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn ngay tức thì từ hành động quân sự của Nga cũng như các lệnh trừng phạt kinh tế...

Theo dữ liệu của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC), Ukraine được dự báo là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới trong niên vụ 2021/22 và là nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ tư thế giới, trong khi Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trước đó, một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể gây nguy hiểm cho sản lượng lúa mì xuất khẩu quan trọng của nước này. Ukraine hiện chiếm tới 12% tổng sản lượng lúa mì của thế giới và ước tính quốc gia Đông Âu còn cung cấp 16% sản lượng ngô xuất khẩu của thế giới trong năm nay.

Hoạt động sản xuất ngũ cốc của Ukraine đã bùng nổ trong thập kỷ qua. Theo báo cáo của USDA vào năm ngoái, nước này đã thu hoạch gần 33 triệu tấn lúa mì, tăng đáng kể so với một năm trước đó. Các chuyên gia thị trường cho rằng, sự gián đoạn thị trường hàng hóa nông sản sẽ xảy ra và hưởng trực tiếp đến những quốc gia nhập khẩu lúa mì của hai nước này.

Cụ thể là các bạn hàng lớn gồm khu vực Nam Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Điều đó sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra bất ổn chính trị và đảo lộn kinh tế, nếu các quốc gia nhập khẩu nông sản của Ukraine phải bỏ thêm nhiều tiền hơn để vận chuyển hàng hóa từ Mỹ về hoặc xa hơn.

Dominic Schnider, chiến lược gia tại công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Thụy Sỹ (UBS), cho biết: “Rủi ro địa chính trị đã tăng lên ở khu vực Biển Đen, và có thể ảnh hưởng đến giá lúa mì thế giới trong thời gian tới”.

Thị trường năng lượng thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu xung đột kéo dài do châu Âu hiện đang phụ thuộc vào Nga với khoảng 35% lượng khí đốt tự nhiên, chủ yếu đi qua các đường ống xuyên Belarus và Ba Lan đến Đức, nhất là hệ thống Nord Stream 1 đi thẳng đến Đức và các đường ống khác đi qua ngả Ukraine. Vào năm 2020, khối lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu đã chứng kiến sự sụt giảm sau khi các đợt ngừng hoạt động sản xuất trong bối cảnh cầu vượt cung khiến đẩy giá khí đốt lên mức cao kỷ lục.

Nhà phân tích hàng hóa của hãng SEB, Bjarne Schieldrop cho biết thị trường dầu mỏ cũng có thể bị ảnh hưởng lâu dài do hạn chế nguồn cung hoặc gián đoạn. Trong khi đó hãng JPMorgan dự báo, căng thẳng leo thang ở Đông Âu có nguy cơ làm giá dầu "tăng vọt" và lưu ý rằng việc tăng lên 150 USU/thùng sẽ làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu xuống chỉ còn 0,9% hàng năm trong nửa đầu năm 2022, trong khi lạm phát tăng hơn gấp đôi lên mức 7,2%.

Theo các tính toán của JPMorgan, trong lĩnh vực tài chính, rủi ro sẽ tập trung ở khu vực châu Âu do dính dáng nhiều đến việc làm ăn với Nga. Ngân hàng Raiffeisen Bank International của Áo vào năm ngoái thu được 39% lợi nhuận ròng từ công ty con ở Nga, trong khi các nhà đầu tư OTP của Hungary và UniCredit đạt khoảng 7% lợi nhuận hoặc Societe Generale kiếm 6% lợi nhuận ròng thông qua các hoạt động bán lẻ với ngân hàng toàn cầu Nga Rosbank.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, xét ở mức độ cho vay đối với Nga, các ngân hàng Pháp và Áo hiện là “những chủ nợ” lớn nhất trong số các ngân hàng phương Tây với lần lượt là 24,2 tỷ USD và 17,2 tỷ USD. Tiếp theo đó là các nhà cho vay Mỹ với 16 tỷ USD, Nhật Bản 9,6 tỷ USD và các ngân hàng Đức 8,8 tỷ USD...

Theo giới quan sát, trong nhiều năm qua Ukraine chủ yếu là nơi lui tới của các nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi, trong khi vị thế tổng thể của Nga trên thị trường cũng đã bị thu hẹp trong những năm gần đây trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây và căng thẳng địa chính trị. Bản mệnh đồng rúp của Nga và đồng hryvnia của Ukraine cũng bị ảnh hưởng vị thế, khiến chúng trở thành những đồng tiền của thị trường mới nổi hoạt động kém nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Sáng 23/2 (giờ địa phương, tức 10 giờ ngày 24/2 giờ Hà Nội)), Tổng thống Nga Vladimir Putin ra thông báo về một "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào phía đông Ukraine, và kêu gọi các binh sĩ quốc gia láng giềng hạ vũ khí, bất chấp sự phẫn nộ của phương Tây và lời kêu gọi của Liên Hợp quốc.

Phản ứng quốc tế

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, ông sẽ gặp các lãnh đạo nhóm G7 ngay trong ngày 25/2 và hối thúc các quốc gia sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để đáp trả "cuộc tấn công phi nghĩa và vô lý" của Nga.

Trong diễn biến liên quan, các nhà lãnh đạo liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan điểm tương tự. "Với các hành động quân sự vô cớ và phi lý, Nga đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và phá hoại sự ổn định và an ninh của châu Âu cũng như toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch, rút quân đội khỏi Ukraine và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine", Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel phát biểu trong một tuyên bố chung.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg cũng chỉ trích Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh khu vực, mạng sống của vô số người dân.

Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Nga dừng tấn công Ukraine và “chấm dứt ngay xung đột".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh đang theo dõi sát tình hình ở Ukraine và bày tỏ quan ngại “an ninh của tất cả các bên cần được tôn trọng, và ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát".

Bắc Kinh đồng thời khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào, cũng như kêu gọi tất cả các nước cùng bảo vệ an ninh năng lượng. Pháp đã triệu tập cuộc họp quốc phòng về vấn đề Ukraine.

Người dân Ukraine trú ẩn dưới đường tàu điện ngầm để rời thủ đô Kyiv hôm 24 tháng 2 năm 2022. Ảnh: AP

Người dân Ukraine trú ẩn dưới đường tàu điện ngầm để rời thủ đô Kyiv hôm 24 tháng 2 năm 2022. Ảnh: AP

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya vẫn bảo vệ quyết định mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, đồng thời khẳng định điều này nhằm bảo vệ dân thường ở các vùng ly khai, "những người trong 8 năm qua phải chống chọi với những đợt pháo kích của Ukraine".

Tiếng nổ vang khắp Ukraine

Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass và kêu gọi binh sĩ Ukraine trong khu vực hạ vũ khí, người dân Ukraine cho biết đã nghe tiếng nổ vang lên từ khắp nơi. Quan chức Ukraine cho hay ít nhất 8 người chết, 9 người bị thương trong những đợt pháo kích đầu tiên của Nga.

Các nhân chứng cho biết còi báo động không kích đã vang khắp thủ đô Kiev, trong khi phóng viên của tờ báo Anh The Guardian nói rằng loạt vụ nổ đã xuất hiện ở nhiều thành phố khác như Kharkiv, Mariupol, Dnipro, Odessa, Slavayansk và Kramatorsk.

(RT; CNN: TH)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất