| Hotline: 0983.970.780

Vụ rừng phòng hộ Nà Mòn bị chặt phá có dấu hiệu bất thường

Thứ Hai 25/05/2020 , 08:37 (GMT+7)

Hàng trăm cây xoan trên diện tích hơn 4ha bị chặt hạ trong khoảng thời gian dài và chỉ cách trạm Kiểm lâm vài trăm mét nhưng không bị phát hiện và xử lý.

Khu vực rừng phòng hộ bị khai thác trái phép chỉ cách đường QL3, đường liên xã và trụ sở trạm Kiểm lâm Sỹ Bình vài trăm mét. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khu vực rừng phòng hộ bị khai thác trái phép chỉ cách đường QL3, đường liên xã và trụ sở trạm Kiểm lâm Sỹ Bình vài trăm mét. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nơi diễn ra tình trạng khai thác trái phép thuộc địa phận thôn Nà Mòn, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông.

Đây là khu vực rừng phòng hộ nằm trên đất an ninh quốc phòng được giao cho đơn vị quân đội K98 quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế. Vì vậy khu vực rừng này ngoài lực lượng kiểm lâm có trách nhiệm bảo vệ, thì còn có tổ bảo vệ của đơn vị quân đội và các lực lượng chức năng khác của địa phương.

Để làm rõ thông tin, phóng viên (PV) Báo NNVN đã làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Bach Thông. Cơ quan chuyên môn đã xác nhận vụ phá rừng được phát hiện vào ngày 23/4, sau khi lực lượng kiểm lâm địa bàn đi kiểm tra phát hiện số gỗ được tập kết ở khe Khuổi Tầu (thôn Nà Mòn, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông). Qua kiểm đếm ban đầu, khoảng gần 200 cây xoan đã bị chặt hạ.

Sau đó kiểm lâm đã xác minh đối tượng khai thác có tên là Bàn Văn Sơn, là người địa phương. Ngày 24/4, đã mời ông Sơn đến làm việc và người này đã khai nhận hành vi khai thác của mình.

Các đối tượng khai thác trái phép đã sử dụng khe Khuổi Tầu làm nơi tập kết gỗ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Các đối tượng khai thác trái phép đã sử dụng khe Khuổi Tầu làm nơi tập kết gỗ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo ông Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Bạch Thông thì ông Sơn cung cấp được đơn xin trồng rừng vào năm 2011 và nhận là gỗ do mình gieo trồng nên chưa thể khẳng định được đây là hành vi phá rừng phòng hộ.

Cơ quan chức năng phải chờ kết quả gửi mẫu vật đi giám định xem phải rừng trồng hay tự nhiên mới mới có kết luận được.

Mặc dù việc quy định về việc quản lý, bảo vệ và khai thác rừng phòng hộ đã có quy định rất cụ thể tại Quyết định số 17/2015 của Thủ tướng Chính phủ và việc khai thác phải được sự chấp thuận và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm Bạch Thông không cung cấp được bất cứ giấy tờ chứng minh sự hợp pháp của ông Bàn Văn Sơn liên quan trồng rừng và khai thác rừng phòng hộ Nà Mòn.

Qua xác minh thực tế của PV, số gỗ bị khai thác nằm hoàn toàn ở khu vực rừng tự nhiên, nhiều cây bụi dây leo đan xen.

Vị trí xảy khai thác trái phép nằm cách đường giao thông chính (từ đèo Giàng) đi xã Sỹ Bình khoảng 300m, cách Trạm Kiểm lâm Sỹ Bình và Trạm bảo vệ rừng thuộc đơn vị quân đội K98 hơn 500m và cách QL3 chỉ một quả đồi.

Nhưng không hiểu vì lý do gì người dân có thể khai thác trái phép hàng trăm cây gỗ xoan và diễn ra hàng tháng trời mà không bị phát hiện.

Trạm Kiểm lâm Sỹ Bình (bên trái) và Trạm bảo vệ rừng của đơn vị quân đội K98 (bên phải), cách khu vực bị khai thác trái phép hơn 500m. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trạm Kiểm lâm Sỹ Bình (bên trái) và Trạm bảo vệ rừng của đơn vị quân đội K98 (bên phải), cách khu vực bị khai thác trái phép hơn 500m. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một điểm đáng chú ý, số mẫu vật thu giữ hiện được cho vào các bao tải để ở sân của trạm Kiểm lâm Sỹ Bình vẫn còn nguyên và cán bộ hạt Kiểm lâm Bạch Thông phải thừa nhận là chưa có mẫu nào được gửi đi kiểm nghiệm loại gỗ như thông tin trước đó.

PV cũng đã đặt lịch làm việc với ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn Nguyễn Hữu Thắng vào chiều ngày 22/5 về những vấn đề liên quan tới phá rừng phòng hộ Nà Mòn.

Nhưng khi PV đến làm việc theo lịch hẹn thì ông Thắng đi vắng, không có mặt cơ quan mà không báo trước. Bộ phận chuyên môn thông tin vào buổi chiều Chi cục trưởng không có lịch đi làm việc ở đâu, còn việc đột xuất phát sinh thì không biết.

Trụ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trụ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Việc phá rừng phòng hộ ở Nà Mòn, lãnh đạo Sở NN-PTNT hoàn toàn không nắm được, cũng chưa có báo cáo nào của ngành chuyên môn.

Chỉ đến khi báo chí phản ánh thì mới biết, ngay sau đó đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phải làm rõ và báo cáo trong thời gian sớm nhất. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn.

Qua những sự việc ở trên, có thể thấy dư luận cho rằng vụ việc phá rừng ở Nà Mòn có sự bao che là có cơ sở.

Với rất nhiều điểm nghi vấn như phá rừng hàng tháng liền, trên diện tích rừng rất lớn và ở cách đường và trụ sở kiểm lâm chỉ vài trăm mét thì việc cán bộ không phát hiện ra tiếng cưa lốc cắt gỗ là khó giải thích.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.