Ngân hàng cho vay qua "cò" môi giới
Nhiều người dân trú tại các xã Ngọc Liệp, Đông Yên, Cấn Hữu, Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) cho biết đã phải vay tiền ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), ngân hàng TMCP phát triển Nhà TP.HCM (HD Bank) thông qua trung gian và tố cáo những người môi giới có liên quan, đặc biệt, trong số những người bị tố cáo là cán bộ ngân hàng MSB.
Theo nội dung tố cáo, sau khi thế chấp quyền sử dụng đất, hầu hết người dân không nhận được tiền (hoặc nếu có tiền thì cũng chỉ nhận được rất ít so với hợp đồng), nhưng phải gánh trên lưng một khoản nợ khồng lồ (gồm gốc, lãi, phạt chậm trả) lên tới hàng tỷ đồng.
Cụ thể, khoảng từ năm 2009 – 2011, người dân các xã trên có nhu cầu vay vốn mỗi người vài trăm triệu để mở rộng sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, trình độ hiểu biết cũng như va chạm xã hội còn hạn chế khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.
Thời điểm này, tại thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương bỗng nổi lên một người tên Nguyễn Văn Thiết vốn kinh doanh nghề làm mộc, nhưng ông Thiết “nổ” có quan hệ với cán bộ ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HD Bank). Người này giới thiệu mình có thể giúp người dân vay được tiền ngân hàng.
Như “chết đuối vớ được cọc”, biết ông Thiết có quen biết với cán bộ ngân hàng, lại cùng xuất thân là người làm nông, cùng huyện, nên nhiều người đã đến “cầu cạnh”, “nhờ vả” ông Thiết, giới thiệu để vay được tiền của ngân hàng. Tuy nhiên, ông Thiết yêu cầu mỗi người dân phải trích lại 6% trên 100 triệu đồng, thì sẽ dẫn đến tận nơi để gặp “người quen” là cán bộ ngân hàng MSB để làm thủ tục vay tiền. Hồ sơ vay tiền ông Thiết sẽ lo hết và chỉ khoảng 3 đến 5 ngày sẽ nhận được tiền chỉ cần mang sổ đỏ theo.
Do nhu cầu vay cấp thiết, nhiều người dân đã chấp nhận yêu cầu này. Sau đó, với cùng một “kịch bản”, ông Thiết đã đưa người dân có nhu cầu vay tiền ra phòng công chứng Hà Nội có địa chỉ tại A38 Hoàng Ngân, Cầu Giấy, TP Hà Nội để ký kết hồ sơ vay vốn với ngân hàng MSB và HD Bank.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Mai Văn Điện trú tại thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, là người được Tòa án triệu tập là người làm chứng trong một vụ án dân sự về tranh chấp Hợp đồng tín dụng của một người dân tại xã Đông Yên và ngân hàng MSB đang được TAND TP Hà Nội thụ lý giải quyết cho biết: “anh Thiết đứng vai trò môi giới, thông tin, đưa dân đến ngân hàng Hàng Hải (MSB) để vay vốn, tất cả tiền nong đều thông qua anh Thiết, dân chỉ đến ký tại phòng công chứng, xong ra về, vài ngày sau anh Thiết mới mang tiền về cho, người dân không được nhận tiền trực tiếp tại ngân hàng và anh ấy gửi cho tờ giấy phô tô đề Hợp đồng tín dụng”.
Cũng theo ông Điện, nhiều trường hợp người dân không nhận được tiền, có trường hợp chỉ nhận được tiền nhỏ giọt, tiền nhận được ít hơn nhiều so với số tiền mong muốn được vay, và điểm chung là đều nhận tiền thông qua ông Thiết hoặc được ông Thiết đưa ra một số địa điểm tại Hà Nội để nhận tiền nhưng hầu hết không được nhận tiền trực tiếp tại ngân hàng MSB.
Tại đây, ngoài ông Thiết, người dân còn được gặp một số người xưng là cán bộ Ngân hàng MSB như ông Ngô Song Toàn, ông Đỗ Huy Khánh và ông Nguyễn Huy Hoàng (có địa chỉ tại ngõ Thịnh Hào 2, Đống Đa, Hà Nội). Ngoài ra, còn một người phụ nữ hiện chưa rõ lai lịch tên Nguyễn Minh Điệp có địa chỉ tại đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng xuất hiện tại và hướng dẫn người dân làm thủ tục. Sau này, anh Thiết cũng đưa một số người đến gặp bà Điệp để đòi sổ đỏ.
Ngân hàng chưa giải ngân, "cán bộ ngân hàng" bỏ tiền túi ra dể tạm ứng?
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Đỗ Thị Minh, trú tại thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp cho biết: “gia đình tôi có nhu cầu vay tiền ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh, tôi nghe nhiều người nói là ông Thiết có quan hệ với cán bộ ngân hàng MSB nên đã tìm đến nhờ vả. Ông Thiết đồng ý đưa đi và dặn tôi cầm theo sổ đỏ. Sau đó, tôi về mượn sổ đỏ của bố tôi là ông Đỗ Danh Nông để đi làm thủ tục vay tiền. Đến tháng 1/2010, anh Thiết đưa chúng tôi đến phòng công chứng Hà Nội tại A38 Hoàng Ngân. Chúng tôi được hẹn đến từ sáng sớm nhưng không được vào xem với ký hợp đồng mà phải chờ tại quán cà phê bên ngoài phòng công chứng khoảng 4 - 5 tiếng đến 11h30 mới được gọi vào ký”.
Khi vào ký, chị Minh cho biết được gặp cán bộ ngân hàng MSB tên Nguyễn Huy Hoàng đưa hợp đồng cho ký và nói rằng, trên đầu hợp đồng có đề là bố ủy quyền cho con gái để vay rồi cùng với ông Thiết giục chúng tôi ký nhanh với lý do nhiều người còn đang chờ và nếu đọc thì sẽ mất thời gian “đến chiều cũng chưa xong”.
“Do lo ngại ảnh hưởng tới người khác và tin tưởng ông Thiết, tôi cùng bố mẹ ký vào những chỗ anh Hoàng chỉ. Khi ký chúng tôi phát hiện ra một số tờ giấy trắng nhưng các anh bảo cứ ký vào sau muốn vay thêm thì điền thêm vào đỡ phải đi lại mất thời gian. Ký xong anh Hoàng và anh Thiết bảo chúng tôi đi về vì bây giờ ngân hàng chưa giải ngân, khi nào giải ngân sẽ gọi ra ký tại ngân hàng và cũng không đưa trả hợp đồng cho chúng tôi”, chị Minh kể. Thế nhưng, khoảng 2 tuần sau vẫn không thấy được ngân hàng gọi ra. Chị Minh liên hệ với ông Thiết thì nhận được câu trả lời là: “đầu năm ngân hàng không giải ngân”.
Tiếp đó, chị Minh phải nói khó, năn nỉ ông Thiết, thì được ông Thiết đưa đến Ngõ Thịnh Hào 2, Đống Đa, Hà Nội để gặp ông Hoàng. “Ông Hoàng đưa cho tôi 100 triệu rồi nói rằng đầu năm ngân hàng chưa giải ngân, vì thương tôi nhà xa nên đưa tạm trước tiền khi nào ngân hàng giải ngân thì sẽ gọi ra ký tại ngân hàng. Do tin tưởng nên tôi chỉ biết nhận tiền vào không ký bất kỳ giấy tờ biên nhận tiền nào. Sau đó, tôi đưa cho ông Thiết 6 triệu đồng như đã thỏa thuận về phí môi giới”.
Đến giữa năm 2012, chị Minh mang tiền về trả nợ để lấy sổ đỏ về. Nhưng khi chị cùng bố là ông Đỗ Danh Nông ra ngân hàng MSB để làm thủ tục thì cán bộ ngân hàng trả lời là không có khoản vay nào liên quan đến sổ đỏ của nhà chị Minh trong hệ thống của ngân hàng MSB.
Ròng rã từ năm 2012, tốn biết bao công sức, tiền của, chị Minh cùng nhiều người được bố chị ủy quyền, thậm chí có những buổi đi cùng ông Thiết đến ngân hàng MSB, và phòng tài nguyên Môi trường huyện Quốc Oai để để tìm, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “không có giao dịch”.
Bất lực, chị Minh cùng gia đình phải tìm đến nhiều đơn vị truyền thông đại chúng để đăng thông tin tìm lại sổ đỏ và đăng thông tin công khai tìm sổ tại địa phương. Sau thời gian dài đăng tải tìm kiếm, không có kết quả, đến năm 2018, gia đình chị được cơ quan chức năng cấp lại Quyển sổ đỏ khác theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật.
Sổ đỏ bị doanh nghiệp "mượn" để vay ngân hàng?
Bỗng nhiên, đến năm 2021, nhiều người tự xưng là cán bộ Ngân hàng MSB đến nhà chị Minh thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo là căn nhà mà gia đình đã thế chấp trước đó. Những người này cho biết, sổ đỏ của gia đình chị đã được sử dụng để làm bảo lãnh cho Công ty Anh Chi để vay ngân hàng 1 tỷ đồng và số tiền lãi lên đến hơn 5 tỷ đồng. Hiện ngân hàng MSB không thể liên hệ được với Công ty Anh Chi nên đến yêu cầu gia đình chị bàn giao tài sản đảm bảo và bắt bố chị ký các giấy tờ nhận nợ là đã nhận tiền của Công ty Anh Chi này.
Quá bất ngờ với thông tin trên, gia đình chị Minh đã phản ứng gay gắt và yêu cầu cho xem các giấy tờ về khoản vay này vì gia đình chị không có bất cứ liên hệ gì đối với Công ty Anh Chi này. “Chị Oanh cán bộ Ngân hàng MSB nói muốn xem giấy tờ thì phải ra Ngân hàng MSB vì giấy tờ đều để tại đấy”, chị Minh cho biết.
Theo lời hẹn, ngày 29/3/2022, bố chị Minh ra Ngân hàng MSB để lấy giấy tờ, hợp đồng về nhưng cán bộ ngân hàng chỉ cho xem và chỉ được chụp lại mỗi hợp đồng thế chấp của Công ty Anh Chi và không cho xem thêm bất cứ giấy tờ nào khác. Khi bố chị Minh thắc mắc, thì được giải thích là bà May (Giám đốc Công ty Anh Chi) vay và cầm sổ đỏ rất nhiều người.
Chị Minh cũng cho biết, ngày 4/4/2022, những người này lại tiếp tục về nhà tôi để gây áp lực và chụp ảnh, đo đạc đất nhà tôi và tiếp tục bắt tôi phải ký là đã nhận khoản vay của công ty Anh Chi”.
Chị Minh bức xúc, “tại sao trong ngần đấy năm, nếu thời gian đầu không liên lạc được với Công ty kia thì sao không liên lạc với chúng tôi để tìm cách giải quyết mà đến để đến tận bây giờ, chúng tôi ròng rã ngần đấy năm đi tìm sổ đỏ nay đã được cấp lại thì đến báo nợ và bảo sổ đỏ của chúng tôi cấp sai. Khi ký hợp đồng vay thế chấp, nếu giải ngân và có khoản vay tại sao không có bất cứ cán bộ ngân hàng nào về gặp chúng tôi để kiểm tra, thẩm định tài sản thế chấp”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương Mại Anh Chi đã dừng hoạt động từ ngày 30/09/2011.
Với kịch bản tương tự, thông qua môi giới Thiết, nhiều trường hợp người dân ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với ngân hàng TMCP phát triển Nhà TP.HCM (HD Bank) tại văn phòng Công chứng Hà Nội A38 Hoàng Ngân. Báo Nông Ngiệp sẽ tiếp tục thông tin.