| Hotline: 0983.970.780

Ngang nhiên xây dựng công trình trong hành lang đê

Thứ Sáu 17/08/2018 , 07:15 (GMT+7)

Trong phạm vi hành lang đê, nhiều công trình như nhà ở, tường rào, cây cối… vẫn ngang nhiên mọc lên, nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý triệt để. 

Tình trạng này diễn ra tại cụm 6, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội).

Nằm cạnh QL32, một biệt thự 2 tầng nằm sát chân đê Ngọc Tảo, rộng hàng trăm mét vuông đang hoàn thiện. Trước căn biệt thự là 1 hồ nước đang được đổ đất, đá để san lấp, xung quanh quay bởi hàng rào tôn. Dọc hàng lang đê, phía bên trong hàng rào tôn, nhiều loại cây cây ăn quả được trồng vội. Thậm chí người ta trồng cả chuối lên mái đê. Ngoài hàng rào tôn, nhiều khu đất sát chân đê Ngọc Tảo cũng đang được đổ đất đá, san lấp.

18-40-39_nh_1
Tòa nhà đang xây dựng nằm bên cạnh đê Ngọc Tảo

Được biết, các hạng mục này nằm trong dự án điểm dịch vụ du lịch sinh thái được UBND huyện Phúc Thọ ra quyết định thu hồi và giao đất cho ông Đinh Công Dự vào năm 2008, với thời gian thuê đất 49 năm. Theo giấy phép xây dựng, thì đây là nhà đón tiếp và điều hành rộng 384m2 nằm trong dự án điểm du lịch sinh thái. Ngoài ra, còn có các hạng mục khác như nhà để xe với mặt sàn 200m2, nhà bảo vệ 20,3m2 và hệ thống hạ tầng kỹ thuật (tường rào, sân, đường bê tông, rãnh thoát nước, bể nước phòng cháy chữa cháy).

Theo thanh tra xây dựng huyện Phúc Thọ, điểm dịch vụ du lịch sinh thái đã được UBND huyện cấp giấy phép xây dựng. Thanh tra huyện còn khẳng định chắc nịch, dự án không nằm trong hành lang an toàn đê. Ông Đặng Hoàng Giang, Phó đội trưởng, thanh tra xây dựng huyện cho biết: “Công trình xây dựng từ năm 2016, sau khi có giấy phép xây dựng, chúng tôi phối hợp với Hạt quản lý đê điều Sơn Tây - Phúc Thọ kiểm tra hành lang đê, thấy không vi phạm gì”.

18-40-39_nh_2
Khoảng cách từ chân đê đến tòa nhà nhìn từ phía sau

Trái ngược với thanh tra xây dựng huyện Phúc Thọ một mực cho rằng công trình không vi phạm Luật Đê điều, thì Hạt quản lý đê điều Sơn Tây - Phúc Thọ nói, công trình đã vi phạm hành lang đê, như xây dựng hàng rào quanh chân đê, trồng cây lâu năm trong hành lang bảo vệ đê… Hạt đã lập biên bản nhiều lần, nhưng chủ đầu tư vẫn không khắc phục, trả lại hành lang bảo vệ đê.

Bà Khuất Thị Ngân, Phó hạt trưởng chia sẻ: “Công trình 1 phần nằm trong phạm vi an toàn đê rồi. Chúng tôi đã lập biên bản vi phạm, gửi các cơ quan chuyên môn, đề nghị xử lý nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không khắc phục. Một khi triển khai xây dựng các công trình trong phạm vi 25m thì vi phạm an toàn hành lang đê”.

Mặc dù khởi công xây dựng từ 2016, nhưng sau gần một năm sau chủ đầu tư mới xin được giấy phép xây dựng số 40/GPXD-UBND ngày 25/8/2017. Như vậy công trình nhà đón tiếp và điều hành đã xây dựng trái pháp luật, thi công trước khi được cấp giấy phép. Mặt khác, công trình này đã xây “vượt phép” bằng cách “cải biên” phần mái cụp xuống, biến tướng thành một tầng khá rõ ràng.

Một điều nữa, tuyến đê Ngọc Tảo là đê cấp II, chính quyền huyện Phúc Thọ thu hồi và giao đất cho chủ đầu tư khi nhiều diện tích nằm trong hành lang bảo vệ đê là sai.

18-40-39_nh_3
Đường lên đê Ngọc Tảo
18-40-39_nh_4
Chuối, cây trồng lâu năm được trồng ngay trên mái đê
18-40-39_nh_5
18-40-39_nh_51
Giấy phép xây dựng cấp cuối năm 2017, nhưng thi công từ năm 2016
18-40-39_nh_6
Tòa nhà cho phép xây 2 tầng, nhưng có cầu thang lên tầng 3
18-40-39_nh_7
Hàng rào tôn nằm trong hàng lang bảo vệ đê điều
18-40-39_nh_8
Nhiều diện tích đang được đổ đất, san lấp ngay cạnh đê
Tại điểm a, khoản 2, điều 23, Luật Đê điều ghi rõ: Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau: Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25m về phía đồng, 20m về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200m về phía biển đối với đê biển.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.