Sục đường vào bản
Nằm ở cực Bắc của Đồng Hỷ, Văn Hán không cao bằng Văn Lăng, không xa như Tân Long nhưng lại khó, lại khổ không hề kém một địa bàn nào của huyện. Xã Văn Hán cách huyện lỵ gần hai chục cây số, cách thành phố Thái Nguyên cũng chỉ từng ấy.
Thế mà cánh báo chí như chúng tôi giật mình vì lỡ bỏ bẵng đi một địa bàn ATK trong kháng chiến. Chỉ mươi năm trước, vào Văn Hán theo lối đi từ huyện, nếu dùng xe máy thì dân bản phải đôn thụt giảm xóc, quấn xích vào lốp. Nếu đi ô tô thì phải chọn loại đặc chủng như U oát hay Land Cruiser "gầm cao, chấm lớn", bám đường. Nếu đi theo lối Hòa Khê thì xác định sẽ phải kéo xe máy tăng bo nhiều đoạn. Đến được Văn Hán mất cả vài giờ đánh vật, mệt mỏi bời bời.
Chắc bởi đi lại khó khăn, lại khuất néo như vậy nên năm 1951, Trung ương Đảng và Chính Phủ đã chọn đình làng Vân Hán là nơi tổ chức hội nghị bàn về chính sách thuế. Hội nghị do đồng chí Trường Chinh chủ trì với hơn 400 đại biểu của các tỉnh trong toàn quốc về dự họp. Nếu có biến, hội nghị có thể sơ tán qua La Hiên hoặc chạy lên phía đèo Nhâu sang Liên Minh (Võ Nhai). Trong gần 1 tháng diễn ra hội nghị, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Văn Hán đã nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ an toàn tuyệt đối để Hội nghị diễn ra thành công.
Ông Dương Văn Lành (nguyên Bí thư huyện Đồng Hỷ) kể, lãnh đạo từ tỉnh đến huyện khi mới nhậm chức thường chọn địa bàn vùng sâu, vùng xa như Tân Long hay Văn Lăng để tạo sự quan tâm, hỗ trợ. Khi đến Văn Hán, ông Lành thắc mắc mãi một điều, khoảng cách địa lý rất gần mà sao khoảng cách kinh tế xã hội lại xa đến vậy? Tiềm năng thế mạnh của Văn Hán dưới con mắt chuyên môn của một người trưởng thành từ nghề nông nghiệp như vị Bí thư Huyện ủy đã thôi thúc ông tìm cách gỡ khó cho miền quê cách mạng. Quyết nghị đầu tiên được chọn lựa là mở đường vào Văn Hán.
Ông Vi Ngọc Thi (Bí thư Đảng ủy xã Văn Hán) kể, trong lần lãnh đạo xã đi xe máy ra huyện để thống nhất kế hoạch vận động nhân dân hiến đất làm đường về xã, tới hội trường UBND huyện thì áo quần, mặt mũi, người ngợm lấm đỏ đất bùn. Bí thư huyện hỏi, thế các đồng chí đã quyết tâm chưa? Cả ban thường vụ xã không ai bảo ai mà đồng thanh quyết tâm, nhất trí. Đường liên xã từ Khe Mo về Văn Hán dài chừng 10km được hoàn thiện cuối nhiệm kỳ 2010 - 2015 với tổng diện tích người dân hiến đất lên đến hàng chục ha.
Bí thư Thi khoe, trước kia, đi từ trung tâm huyện đến Văn Hán phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, nếu trời mưa, đường lầy lội thì Văn Hán gần như bị cô lập hoàn toàn. Hoạt động lưu thông hàng hoá cũng vì thế mà chậm, nông sản chỉ bán được với giá thấp.
Sau khi được Nhà nước quan tâm đầu tư các dự án phát triển giao thông, thủy lợi, mặc dù không có cơ chế đền bù đất để thực hiện dự án... nhưng Đảng bộ xã xác định đây là thời cơ, nếu không vận động nhân dân hiến đất đón dự án, chắc chắn Văn Hán sẽ khó bứt phá. Chính vì vậy, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong phong trào vận động người dân hiến đất mở đường.
Đường trục chính về xã như cành lớn làm mở ra, mọc ra những nhánh, những cành nhỏ về thôn bản. Khi cán bộ địa phương đến vận động gia đình hiến đất mở đường, ông Hứa Văn Lìm (xóm Thịnh Đức 1) cho biết, gần 70 năm sinh sống ở làng, chưa khi nào ông nghĩ đến việc có một ngày lại được đi trên con đường như mơ bây giờ. Vậy nên, gia đình ông đã hiến 2.000m2 đất cho mở đường mà không hề do dự.
Năm lên 9 tuổi, ông Lương Đức Bảo cùng gia đình chuyển từ tỉnh Lạng Sơn đến xóm La Đùm sinh sống. Gần 70 năm trôi qua, dân cư nơi đây đã không còn thưa thớt, con đường đất nhỏ trước nhà được thay thế bằng đường bê tông, sáng trắng, nằm len lỏi giữa màu xanh của núi rừng.
Hơn 1 năm trước, khi chính quyền đến vận động hiến đất làm đường, người cựu binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị này vui vẻ hiến gần 1.500m2 đất ruộng và bãi chè mà chẳng chút suy nghĩ thiệt hơn. Đối với ông Bảo, người lính hy sinh máu thịt để bảo vệ Tổ quốc, để gìn giữ từng “tấc đất, tấc vàng” và trên hết là vì gia đình, vì sự phát triển của quê hương. Ông Bảo phấn khới cho biết: “Cảm giác rất là sung sướng vì giờ đây con cháu có đường kiên cố đi mãi, tiến mãi”.
Qua một thập kỷ xây dựng, đường xã và liên xã của Văn Hán đã được nhựa hóa và bê tông hóa toàn bộ 65km, tất cả các đường trục xóm và liên xóm với tổng chiều dài 27km được bê tông hóa, đạt lệ 100%. Tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM như cánh đỡ đưa Văn Hán bứt tốc đến không ngờ.
Kinh tế vườn rừng là trọng tâm trong xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu
Dòng tít trên được chúng tôi chép nguyên vẹn từ tấm pa nô treo tại cổng làng Phả Lý, trung tâm xã Văn Hán. Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán dí dỏm, hữu sạ tự nhiên hương, những tiềm năng thế kỷ của Văn Hán như cô gái ngủ trong rừng sâu đã được chàng hoàng tử mang tên "giao thông" đánh thức để công chúa tỏa hương, khoe sắc. Ba tiềm năng, thế mạnh được xác định là chè, cây ăn quả và lâm nghiệp.
Về chè, bước đi đột phá trong sản xuất chè ở Văn Hán như một câu chuyện cổ tích. Những năm trước, thương lái kẹt lắm mới đến Văn Hán mua chè. Hiện Văn Hán trở thành vựa chè của Đồng Hỷ, của Thái Nguyên với diện tích xấp xỉ 1.000ha.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, từng làm Bí thư huyện Đồng Hỷ cho biết: Trong giai đoạn gần nhất, địa phương đã tháo gỡ các rào cản để người dân đầu tư thâm canh, trồng mới chè. Nhờ đó, diện tích chè ở Văn Hán tăng tới 3 - 4 lần chỉ trong 10 năm qua. Tích cực đầu tư trồng mới kèm theo giống mới, quy trình sản xuất mới đã nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm chè. Nhiều sản phẩm chè của xã đã vượt qua các thương hiệu chè đóng đinh để được vinh danh trong các cuộc thi, sản phẩm OCOP. Xã có 17 làng nghề chè truyền thống và 6 hợp tác xã chè.
Không chỉ là “thủ phủ” về diện tích và chất lượng chè của huyện Đồng Hỷ, Văn Hán còn là địa phương có diện tích rừng trồng lớn với trên 4.000ha, chủ yếu là cây keo. Phát triển kinh tế từ rừng trồng trở thành phương thức làm giàu cho người dân trong xã. Văn Hán cũng là địa phương được chọn để triển khai thực hiện chương trình trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ sản xuất rừng bền vững (FSC). Đây được xem là “tiêu chuẩn vàng” đối với gỗ được khai thác từ các khu rừng được quản lý có trách nhiệm, có ích cho xã hội, có ý thức về môi trường và hiệu quả về kinh tế.
Ngoài chè, lâm nghiệp thì cây ăn quả cũng được Văn Hán chọn là cây trồng thế mạnh trong phát triển sản xuất. Toàn xã có hơn 100ha cây ăn quả. Ông Nguyễn Đình Hùng (xóm Ấp Chè) cho biết, Hợp tác xã Bưởi Vân Hán của xã đã thực hiện theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và được cấp chứng nhận VietGAP.
Nhờ phát huy nội lực từ thế mạnh địa phương, kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên, bộ mặt nông thôn thay đổi, xã Văn Hán đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao với thu nhập bình quân năm 2021 đạt trên 45 triệu đồng/người, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 92%, xã không còn hộ nghèo, môi trường cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của Văn Hán đều đạt và vượt cao.
Trong ngày thẩm tra hồ sơ công nhân đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao cho Văn Hán, ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên hồ hởi, vui mừng và hạnh phúc. Ở một địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi sau nhưng Văn Hán đã về trước. "Anh thấy không, những nụ cười rạng rỡ, tươi rói, sự hài lòng của người dân mới thực sự tuyệt vời làm sao", ông Hưởng nói.
Ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, thổ lộ, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao được triển khai và thực hiện trên địa bàn đã phát huy cao vai trò chủ thể của người dân. Huyện sẽ chỉ đạo và hỗ trợ để Văn Hán tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới. Đặc biệt là phát triển kinh tế tập thể, tạo mô hình sản xuất hàng hóa vùng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp và hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như thu nhập cho người dân.