| Hotline: 0983.970.780

Nghề 'ăn cơm đứng' mang trù phú cho vựa dâu tằm lớn nhất miền Bắc

Thứ Ba 31/01/2023 , 16:42 (GMT+7)

YÊN BÁI Huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện đã trở thành vựa dâu tằm lớn nhất miền Bắc. Nghề 'ăn cơm đứng’' đã mang lại sự trù phú, ấm no cho những làng quê nơi đây.

Đầu tư ít, nhưng thu nhập gấp 5 lần lúa, ngô

Sau hơn 20 năm bén rễ, sinh sôi, nghề trồng dâu nuôi tằm đã phát triển ổn định và bền vững trên đồng đất Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Xuân 2023 này, người dân ở các địa phương trong huyện lại nô nức xuống đồng để mở rộng diện tích dâu, tiếp tục cần mẫn gieo ước vọng cho những mùa dâu xanh lá, những mùa kén đong đầy. Giờ đây, cây dâu – con tằm đã và đang đóng góp tích cực vào thành quả nông thôn mới, mang lại sự phồn thịnh, trù phú cho những làng quê.

Bà Lê Thị Lụa Bí thư Đảng ủy chủ tịch UBND xã Việt Thành thăm bà con trồng dâu ở thôn Lan Đình xã Việt Thành

Bà Lê Thị Lụa (giữa), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thăm bà con trồng dâu ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ đổi thay từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng những lợi thế sẵn có. Nếu như trước kia, dọc tuyến đường nội đồng bên bờ sông Hồng của xã là những ruộng lúa, nương ngô thì giờ đây là màu xanh bạt ngàn của cánh đồng dâu, với diện tích hơn 210ha. Người dân nơi đây đã coi việc trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống, giúp xóa đói giảm nghèo, hàng trăm hộ đã vươn lên làm giàu.

Đang tất bật chăm sóc ruộng dâu, ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Lan Đình (xã Việt Thành) vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm hơn chục năm, hiện nhà tôi có 2 mẫu trồng dâu, 2 nhà nuôi tằm lớn, mỗi năm thu hoạch gần 1,5 tấn kén, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng. Việc nuôi tằm lấy kén đầu tư không nhiều nhưng thu nhập lại cao gấp 5 lần trồng lúa, ngô nên hầu hết các hộ trong thôn đều phấn khởi, đời sống bà con từ đó cũng khấm khá lên”.

Cũng như ông Hà, thấy được hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng dâu, nuôi tằm, năm 2018 gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Lê ở thôn Trúc Đình (xã Việt Thành) đã tham gia vào chuỗi liên kết của Hợp tác xã (HTX) Dâu tằm tơ Việt Thành. Chị Lê đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa và đất soi bãi sang trồng dâu, ngoài ra còn thuê thêm đất của các hộ dân trong xã, đến nay gia đình chị đã nâng diện tích trồng dâu lên hơn 1ha.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lê ở thôn Trúc Đình xã Việt Thành chia sẻ kinh nghiệm nuôi tằm

Chị Nguyễn Thị Hồng Lê (ngoài cùng bên trái) ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành chia sẻ kinh nghiệm nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Lê chia sẻ: “Các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, sát khuẩn, khử trùng để tằm sinh trưởng và cho sản lượng kén tốt. Bên cạnh đó, được đầu tư cho né gỗ ô vuông, giúp con tằm làm kén không bị kết đôi, chất lượng kén đẹp và được giá hơn. Trừ hết chi phí, trung bình 1ha trồng dâu thu về khoảng 150 triệu đồng/năm”.

Những năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh tại xã Quy Mông (huyện Trấn Yên). Chỉ tính từ năm 2020 trở lại đây, diện tích dâu của xã đã mở rộng thêm gần 50ha. Đến nay, trên địa bàn xã Quy Mông đã hình thành làng nghề trồng dâu nuôi tằm với 5 cơ sở nuôi tằm con và trên 100 hộ nuôi tằm lớn. Sản lượng kén tằm năm 2022 đạt gần 100 tấn, giá trị thu nhập hơn 13 tỷ đồng. Đặc biệt, xã đã hình thành chuỗi liên kết trồng dâu nuôi tằm giữa HTX Dâu tằm Quy Mông với các hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã, hàng năm tiêu thụ ổn định kén tằm cho nhân dân.

Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: “Thời gian qua, người dân trong xã được cán bộ khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc thâm canh cây dâu, được nhà nước hỗ trợ phân bón trả chậm, hỗ trợ kinh phí mua cây giống, né tằm, xây dựng, sửa chữa nhà tằm...

Sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ đó đã góp phần mở rộng diện tích trồng dâu trên địa bàn xã lên gần 90ha, chất lượng cây, con giống ngày càng được cải thiện. Trồng dâu nuôi tằm đã trở thành ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong năm 2023 này, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch vận động người dân mở rộng diện tích trồng dâu thêm 20ha.”

Xây dựng vùng trồng tập trung, liên kết chặt với doanh nghiệp

Đến nay, huyện Trấn Yên đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn trên 800ha với hơn 1.500 hộ dân nuôi tằm; sản lượng kén tằm toàn huyện trong năm 2022 đạt 1.168 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương khảo sát cánh đồng dâu xã Việt Thành

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương khảo sát cánh đồng dâu xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Những cánh đồng dâu màu mỡ và xanh ngát ở Trấn Yên đã trải dài khắp các vùng bờ bãi ven sông Hồng từ các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Hòa Cuông đến Y Can, Quy Mông, nay còn được mở rộng trên cả vùng đất ngay dưới chân những chân núi, ngọn đồi, dọc bãi bờ ven suối ở các xã vùng sâu, vùng cao như Việt Hồng, Hưng Khánh, Hồng Ca. Với giá kén tằm ổn định, lại được chính quyền địa phương các cấp động viên khuyến khích, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật nên người dân đã tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất gò bãi sang trồng dâu nuôi tằm.

Để người dân yên tâm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, huyện Trấn Yên đã mời một số doanh nghiệp liên kết với các hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện trong việc đầu tư nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm thông qua các tổ hợp tác và HTX.

Giữa tháng 12/2022 vừa qua, Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy, lắp đặt dây truyền để thu mua sản phẩm kén tằm và ươm se tơ tại xã Báo Đáp. Ngoài ra, Công ty đã và đang thực hiện ký liên kết với 7 dự án phát triển sản xuất trồng dâu nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng một số mô hình điểm về trồng dâu nuôi tằm kiểu mẫu tại xã Hồng Ca và Y Can, trong đó Công ty hỗ trợ về kỹ thuật, giống dâu mới được chuyển từ trong Lâm Đồng ra...

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương thăm mô hình nuôi tằm giống ở xã Việt Thành

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương thăm mô hình nuôi tằm giống ở xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái cho biết: “Công ty đã và đang tiếp tục đào tạo, giải quyết việc làm cho 80 lao động của địa phương. Với quy mô thiết kế sản xuất, Công ty có thể thu mua toàn bộ số lượng kén của các hộ nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên thông qua việc ký hợp đồng thu mua kén tằm với các HTX và thương lái theo giá thu mua ổn định. Ngoài ra, Công ty còn là đơn vị kết nối, giới thiệu các đơn vị cung ứng trứng tằm giống, vật tư nuôi tằm cho các HTX, hộ nuôi tằm trên địa bàn huyện, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tằm để nâng cao chất lượng kén.”

Thời gian qua, huyện Trấn Yên luôn chú trong việc xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nuôi tằm, qua đó phối hợp với Trung tâm Dâu tằm tơ Trung ương và dự án KOPIA thực hiện xây dựng các mô hình nuôi tằm điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến.

Người nông dân Trấn Yên sử dụng né gỗ ô vuông để hạn chế kén đôi

Nông dân Trấn Yên sử dụng né gỗ ô vuông để hạn chế kén đôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Cụ thể, năm 2021 đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 1 nhà tằm con tập trung (nhà tằm con kiểu mẫu) tại xã Việt Thành; năm 2022 thực hiện mô hình xây dựng 1 nhà nuôi tằm lớn có lắp điều hòa tại xã Quy Mông và hiện đang thực hiện mô hình nuôi tằm lớn trên khay trượt.

Bà Nguyễn Thị Huân ở thôn Thịnh Vượng, xã Quy Mông chia sẻ: “Việc áp dụng nuôi tằm bằng khay trượt dự kiến sẽ cho hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống, giúp hộ nuôi tằm không những giảm thiểu được ngày công lao động mà còn giải phóng được cường độ lao động, không phải bê nong lên xuống, đảm bảo độ thông thoáng, dễ dàng vệ sinh, hạn chế dịch bệnh giúp tằm phát triển tốt. Ngoài ra, nuôi tằm bằng khay trượt sẽ tiết kiệm được diện tích, giúp hộ nuôi tằm tăng năng suất, sản lượng trong cùng một diện tích phòng nuôi”.

Ông Trần Nhật Tân bí thư huyện ủy Trấn Yên và đoàn công tác thăm cánh đồng dâu ở xã Y Can

Ông Trần Nhật Tân (thứ 2 từ phải sang), Bí thư Huyện ủy Trấn Yên và đoàn công tác thăm cánh đồng dâu ở xã Y Can. Ảnh: Thanh Tiến.

Mục tiêu của huyện Trấn Yên trong giai đoạn tiếp theo là tập trung rà soát quỹ đất, nhất là diện tích đất soi bãi, vườn tạp và đất đồi thấp, diện tích dâu già cỗi để trồng mới và trồng thay thế. Tập trung mở rộng diện tích các xã có quỹ đất lúa nhiều nhưng kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm, nhất là các xã như Hồng Ca, Hưng Khánh, Quy Mông, Y Can, Lương Thịnh, Hòa Cuông.

Song song đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nuôi tằm, tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất. Tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng dâu nuôi tằm trên cơ sở các tổ hợp tác, HTX là đầu mối trung gian kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm kén tằm. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp vào địa bàn và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển trồng dâu nuôi tằm.

Ông Nguyễn Thành Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm: “Thời gian tới, Trấn Yên sẽ tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nhân công để thu hút các doanh nghiệp chế biến tơ, dệt lụa… Từ đó, nâng cao giá trị các sản phẩm dâu tằm của địa phương.

Ông Nguyễn Thành Lê phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của người dân xã Hồng Ca

Ông Nguyễn Thành Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của người dân xã Hồng Ca. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện đã xây dựng kế hoạch tiếp tục phấn đấu mở rộng sản xuất trồng dâu, nuôi tằm đến năm 2025 lên 1.200ha; duy trì việc liên kết các tổ sản xuất, nhóm hộ và thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình để bảo đảm sản xuất hiệu quả, phấn đấu sản lượng kén tằm hàng năm đạt trên 2.200 tấn, giá trị thu trên 300 tỷ đồng.”

Nhờ tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, đến nay, huyện Trấn Yên đã trở thành vựa dâu tằm lớn nhất miền Bắc. Nghề ‘‘ăn cơm đứng’’ đã mang lại sự trù phú cho những làng quê nơi đây. Đây là minh chứng cho chủ trương đúng và trúng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Một mùa xuân nữa đang về, những mầm non lộc biếc đang đâm trồi trên những cánh đồng dâu, hi vọng một năm mưa thuận gió hòa cho những cánh đồng dâu thêm xanh, cho những nong kén thêm đầy để cuộc sống của người dân ngày càng no đủ, hạnh phúc.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.