Quy hoạch vùng trồng dâu, chuyển đổi từ những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất bãi, đất gò vườn thấp sang trồng dâu nuôi tằm, đến nay huyện Trấn Yên (Yên Bái) có trên 800ha dâu tằm tại các xã Việt Thành, Y Can, Báo Đáp, Tân Đồng, Quy Mông… mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
So với trồng lúa nước và các loại hoa màu khác như ngô, đậu, lạc..., cây dâu tằm mang lại thu nhập cao hơn 4 - 5 lần. Hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi 100% diện tích đất canh tác sang trồng dâu nuôi tằm.
Ông Nguyễn Văn Giáp ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) cho biết: Ông là một trong những người đầu tiên đưa cây dâu vào trồng ở những chân ruộng lúa kém hiệu quả. Sau 20 năm, cây dâu tằm đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Hiện tại, cả diện tích đi thuê và của nhà, ông có hơn 1ha đất trồng dâu nuôi tằm, mỗi vụ tằm thu về cả trăm triệu đồng.
"Những năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá kén tằm xuống thấp, năm 2020 có lúc giảm chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg, một số người đã phá dâu trồng loại cây khác, tuy nhiên gia đình tôi vẫn bám trụ với cây dâu con tằm cho đến hôm nay. Với hơn 1ha dâu, mỗi tháng tôi nuôi 4 lứa tằm, mỗi lứa 6 - 7 nong tằm giống, nuôi thuận lợi mỗi lứa tôi thu về từ 80- 90kg kén. Vụ hè thu năm 2022, tôi dự tính nuôi từ 10 - 12 lứa tằm, cả vụ thu khoảng 9 tạ kén, với giá 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi còn lãi 180 - 200 triệu đồng", ông Giáp phấn khởi.
Năm nay, giá kén tằm cao, tằm nuôi ít bị bệnh nên người trồng dâu nuôi tằm rất phấn khởi. Năm ngoái, có thời điểm giá kén xuống thấp chỉ 80.000 đồng/kg. Sang vụ tằm năm nay, hiện đang là chính vụ, giá kén vẫn giữ ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Diên, thôn Bình Minh, xã Y Can chia sẻ: Từ khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, hiệu quả kinh tế mang lại cao nhất trong các loại cây trồng ở địa phương. Có lúc giá cả thị trường lên xuống nhưng nông dân vẫn không bị thua lỗ như những nghề chăn nuôi khác.
"Gia đình tôi hiện có 0,6ha đất trồng dâu nuôi tằm, năm nay đã bán được 6 lứa kén. Từ giờ đến hết vụ tôi thu thêm 3 - 4 lứa nữa, cả vụ cứ thuận lợi như thế này tôi thu khoảng 4 tạ kén, cũng được một khoản kha khá. Còn ít đất nông nghiệp đang trồng ngô, cuối năm nay tôi cũng chuyển sang trồng dâu cho tiện chăm sóc", ông Diên hồ hởi.
Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên cho biết: Huyện Trấn Yên đến nay có 13 hợp tác xã dâu tằm, xây dựng được 22 nhà nuôi tằm con tại các xã Quy Mông, Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp để cung ứng tằm giống cho người nuôi.
Năm 2022, Phòng NN-PTNT huyện xây dựng được 4 chuỗi hỗ trợ người dân nuôi tằm; thường xuyên cử cán bộ bám sát địa bàn, hỗ trợ các cơ sở cung ứng tằm giống; cải tạo, nâng cấp nhà nuôi tằm con đảm bảo tiêu chuẩn để sản xuất giống tằm cung ứng cho các hộ nuôi tằm.
Hiện nay, toàn huyện có trên 800ha đất trồng dâu, trong đó diện tích đang cho thu hái lá trên 725ha tại các xã Việt Thành, Quy Mông, Báo Đáp, Y Can… với trên 1.500 hộ tham gia nuôi tằm. Năm 2022, toàn huyện triển khai trồng mới hơn 80ha dâu non.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng kén tằm của toàn huyện đạt trên 1.100 tấn, sản lượng kén cả năm đạt khoảng 1.300 tấn, thu về hơn 10 tỷ đồng. Huyện Trấn Yên phấn đấu đến năm 2025, diện tích dâu toàn huyện đạt 1.200ha.
Để đảm bảo phát triển nghề nuôi tằm bền vững, Phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên còn triển khai một số dự án như: Hỗ trợ người dân khay nuôi tằm, giàn khay trượt...; tìm hiểu các giống tằm chất lượng tốt, sản lượng kén cao để cung cấp cho người nuôi tằm...