Tuy nhiên, cho đến thời điểm từ năm 2005 đến 2007 năng suất lạc của nước ta mới chỉ dừng lại ở mức trung bình (1,77 tấn - 1,8 tấn/ha) trong khi đó năng suất lạc của Trung Quốc đạt từ 3,04 đến 3,21 tấn/ha, ở Mỹ từ 3,21 đến 3,51 tấn/ha, Ixraen 6,7 tấn/ha. Bởi thế, việc đẩy năng suất lạc ở nước ta lên ngang tầm với các nước nói trên đang là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học.
Cùng với việc đưa các giống lạc mới năng suất cao, áp dụng công nghệ phủ nilon, trong nhiều năm qua các cơ quan khoa học NN đầu ngành như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư Quốc gia, Trung tâm NC&PT đậu đỗ và các Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm cấp tỉnh đã dày công nghiên cứu xây dựng nhiều quy trình sản xuất lạc khoa học đồng thời đầu tư kinh phí, thời gian, công sức triển khai hàng trăm mô hình trình diễn tại hầu khắp các tỉnh có diện tích lạc lớn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân nên năng suất, sản lượng lạc của nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể. Một số tỉnh như Nam Định đạt năng suất bình quân 37,7tạ/ha, Nghệ An 29 tạ/ha, Hưng Yên 27,7 tạ/ha, TP Hồ Chí Minh 28,7 tạ/ha, Trà Vinh 28,8 tạ/ha, Khánh Hoà 26 tạ/ha...
Diễn đàn khuyến nông @ công nghệ của Trung tâm KN-KN Quốc gia mới đây đã triển khai chuyên đề “Một số giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất lạc”, thông qua mô hình sản xuất lạc L23 tại xã Diễn Mỹ, Diễn Châu (Nghệ An). Giống lạc L23 được Trung tâm NC&PT đậu đỗ chọn lọc từ tập đoàn nhập nội vào năm 2001. Giống lạc L23 có thân đứng, tán gọn, chiều cao cây từ 35 đến 55 cm, chống đổ tốt, lá xanh đậm, sinh trưởng khoẻ, ra hoa kết quả tập trung, kháng được bệnh đốm nâu, đốm đen, gỉ sắt và bệnh héo xanh vi khuẩn. L23 là giống lạc chịu thâm canh cao, tiềm năng năng suất 50-55 tạ/ha, có thời gian sinh trưởng 120 ngày (vụ xuân) và 95 đến 110 ngày (vụ thu đông).
Lạc L23 có trọng lượng từ 145 đến 150gam/100 củ, tỷ lệ nhân đạt 70 -72%. Lạc L23 là giống có thể trồng trên các loại đất ruộng, đất bãi ven sông, ven biển có thành phần cơ giới thích hợp là cát pha. Mô hình lạc L23 triển khai tại Diễn Mỹ gieo vào ngày 24/02/2008 trên nền thâm canh 10 tấn phân chuồng + 900 kg NPK loại 3-9-6 + 300kg lân và 1.000kg phân vi sinh/ha. Cho đến thời điểm tổ chức hội thảo đầu bờ (31/5/2008) lạc mới được 96 ngày, khoảng 10 ngày nữa mới thu hoạch.
Theo quan sát của chúng tôi, lạc L23 tại mô hình có chiều cao khoảng 55-60cm, lá còn khá xanh. Nhổ xác suất trên ruộng được 1,3kg/m2. Mỗi gốc lạc có từ 16 đến 22 củ. Theo ông Đậu Đức Minh, Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu thì năng suất lạc tại mô hình đạt 10,4 tấn lạc tươi/ha, theo lý thuyết đạt 52 tạ lạc khô thương phẩm/ha. Đây là năm đầu tiên nông dân Diễn Mỹ làm mô hình này nên bà con đã bón thừa đạm vì thế cây lạc phân cành nhiều, năng suất củ không đạt như mong muốn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Trung tâm KN-KN Quốc gia cho biết: Mô hình lạc L23 tại Diễn Mỹ năng suất khiêm tốn cũng có thể đạt 40 tạ/ha… Mô hình này được chuyển giao rộng rãi cho bà con nông dân là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định: Diễn đàn khuyến nông @ công nghệ lấy mô hình thâm canh lạc L23 tại Diễn Mỹ là một bằng chứng sống động. Giống lạc L23 du nhập vào Nghệ An sẽ giúp bà con nông dân có thêm một sự lựa chọn mới về tiến bộ giống. Với năng suất 4 -5 tấn/ha tại mô hình tuy chưa cao bằng một số mô hình lạc đã và đang được triển khai trên địa bàn nhưng nếu mô hình này của Trung tâm NC&PT đậu đỗ được nhân ra diện rộng cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng suất và tổng sản lượng lạc cho Nghệ An.
Trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học tham gia diễn đàn, 20 đại biểu từ TT-Huế, Quảng Trị đến Bắc Giang, Nam Định và nhất là bà con nông dân đã đưa ra 60 câu hỏi xung quanh các vấn đề về giống, phân bón, kỹ thuật gieo trỉa, lên luống, phủ ni lon, vun gốc khi lạc ra hoa kết trái… cách sử dụng các chế phẩm phân vi sinh, sử dụng thốc BVTV cho các loại bệnh phổ biến trên cây lạc đã được các nhà khoa học trả lời một cách thoả đáng.