| Hotline: 0983.970.780

Nghề cắt mướn

Thứ Ba 12/03/2013 , 14:54 (GMT+7)

Bình Định đang vào kỳ thu hoạch. Đây cũng chính là mùa "làm ăn” của phụ nữ vùng thuần nông. Họ lập thành từng nhóm, tụ tập trên những con đường quê đợi người đến thuê cắt mướn.

Vụ lúa ĐX 2012-2013 ở Bình Định đang vào kỳ thu hoạch. Đây cũng chính là mùa "làm ăn” của phụ nữ vùng thuần nông. Họ lập thành từng nhóm, tụ tập trên những con đường quê đợi người đến thuê cắt mướn.


Thời điểm thu hoạch đại trà, lực lượng cắt mướn luôn thiếu.

Trên những con đường bên cánh đồng lúa chín rộ lúc nào cũng đông nghịt người, chủ yếu là phụ nữ. Họ đứng thành từng nhóm, chuyện trò râm ran. Nhìn bó đòn gánh và những chiếc lưỡi hái được bó lại để bên cạnh, ai cũng nhận ra đây là lực lượng chuyên cắt mướn. Trời nắng lên, các chủ ruộng ra đồng. Sau những cuộc “giao dịch” chóng vánh, giá cả được thỏa thuận, thế là những thợ cắt xắn ống quần kéo nhau xuống đồng.

Đứng chờ chủ ruộng đến thuê việc tại cánh đồng Kim Châu thuộc phường Bình Định (TX An Nhơn), chị Nguyễn Thị Là (45 tuổi), chủ một nhóm thợ cắt ở xã Phước Thắng (Tuy Phước) cho biết: “Đồng ruộng ở Tuy Phước chủ yếu SX 2 vụ/năm, lúa chỉ mới vào chắc. Trong thời gian này, tụi tui tranh thủ đi về các vùng SX lúa 3 vụ/năm đã chín rộ để cắt mướn. Từ khi lao động các vùng nông thôn đổ dồn vào làm việc tại các khu công nghiệp, đến mùa thu hoạch lúa, đâu đâu cũng cần thợ cắt. Nhờ đó tụi tui có cơ hội kiếm tiền”.

Theo chị Là, họ làm lâu thành quen, nghiễm nhiên trở thành thợ cắt chuyên nghiệp. Các nhóm thợ cũng được gắn kết lâu dài. Trước khi vào vụ, mỗi nhóm thợ cử người đi thăm đồng. Sau khi nắm bắt được những vùng ruộng đã chín rộ, họ kéo nhau đến. Công việc của họ là cắt lúa, bó lại gánh lên các đường bê tông cho vào máy phun. Sau khi lúa hạt đã được cho hết vào bao để chủ ruộng chở về nhà là họ xong việc, đi cắt đám ruộng khác.

Chị Lê Thị Hoa (42 tuổi) thuộc nhóm thợ cắt ở xã Phước Hưng (Tuy Phước) cho biết thêm: “Giá khoán cắt 1 sào ruộng trong vụ ĐX này là từ 200.000 - 300.000 đ. Ruộng khô, lúa đứng, gần bờ giá rẻ hơn. Ruộng xa, lúa ngã, giá đắt hơn. Nhóm thợ 5 người cắt ròng rã 1 ngày cũng được 7 - 8 sào. Bây giờ đang khan công cắt nên các chủ ruộng cho thợ ăn nửa buổi, ăn trưa tại ruộng. Trước đây, mỗi sáng đi tụi tui phải dỡ cơm trưa theo”.

“Gặt bằng máy gặt đập liên hợp thì sẽ giảm đi mức thất thoát lúa, thế nhưng đồng ruộng của chúng tôi manh mún quá, không tiện áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, đành chịu cảnh thuê công đắt lại bị hao hụt sản phẩm” - Nông dân Lê Văn Chung

Các địa phương ở những vùng thuần nông là những nơi “sản sinh” ra nhiều thợ cắt mướn nhất, có xã có đến hàng trăm người làm nghề này. Bây giờ, để tạo công việc liên hoàn, các nhóm thợ trong cùng một địa phương đều trang bị điện thoại di động. Họ thường xuyên liên lạc với nhau để hỗ trợ công việc. Nhóm này đã cắt xong nhưng chưa có máy suốt, họ liền nổ xe máy chạy tới cánh đồng khác hỗ trợ cho nhóm kia bó lúa chuyển lên bờ. Họ hỗ trợ nhau từng công đoạn việc theo kiểu “chạy sô”. Với phương thức này, suốt cả ngày các thợ cắt không bao giờ rỗi việc, thu nhập được tăng cao hơn và các chủ ruộng cũng rút ngắn được thời gian lúa nằm ngoài đồng.

Chị Nguyễn Thị Phương (48 tuổi) ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước), tâm sự: “Trong thời gian ruộng nhà chưa thu hoạch, tui “kéo” ông chồng vào nhóm cắt luôn để được 2 xuất công. Vào thời điểm cắt rộ, “chạy sô” nhiều, sau 1 ngày làm việc, các nhóm cắt liên kết tập trung lại, tính đầu sào chia đều tiền công. Hôm nào khá mỗi người cũng kiếm được 250.000 - 300.000 đ. Mùa cắt kéo dài khoảng 1 tháng, khoản thu từ công việc cắt mướn của vợ chồng tui cao hơn nhiều so với thu nhập từ mấy đám ruộng nhà”.


Những lao động cắt mướn đợi chủ ruộng đến thuê việc

Bước vào thu hoạch trà lúa đầu của vụ ĐX năm nay, trên địa bàn Bình Định do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên xuất hiện nhiều cơn mưa, hầu hết các đám ruộng đã chín đều ngã rạp. Chủ ruộng thất thoát năng suất đã đành, các thợ cắt nhận làm những đám ruộng này cũng phải vật vã lắm mới lấy được đồng tiền làm mướn.

“Gặp cánh đồng ruộng lún, lúa ngã, tụi tui phải ngâm chân cả ngày dưới bùn, nhiều khi nứt nẻ cả gót chân nhưng vì cuộc sống phải ráng bám việc. Năm nào cũng vậy, tiền kiếm được trong công việc cắt mướn tui luôn để dành gửi vô cho thằng con đang học đại hoc ở TP.HCM”.

Tuy nhiên, do muốn nhanh xong việc ở đám ruộng này để “chạy sô” sang làm đám ruộng khác nên các thợ cắt luôn làm vội làm vàng, gây thất thoát sản lượng cho các chủ ruộng. Anh Lê Văn Chung, chủ của hơn 1 ha ruộng ở phường Bình Định, TX An Nhơn cho biết: “Cả ruộng giao quyền và ruộng thuê, hai vợ chồng tui làm đến hơn 1 ha. Do vậy, trong khâu thu hoạch tui hoàn toàn phải thuê lực lượng cắt mướn. Họ làm thì nhanh thật, nhưng trong công đoạn bó lúa gánh lên bờ họ làm không quá nặng tay khiến lúa rụng rất nhiều. Mà những hạt lúa rụng toàn là hạt chắc, nhìn thấy mà xót cả ruột”.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.