Cây thiêng làng Ghè
Là tôi đang nhắc đến cây đa ở làng Ghè thuộc xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, cây đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhân là “Cây Di sản Việt Nam”.
Một chiều cuối năm, tôi vi vu ngược đường 19, một mạch thẳng hướng huyện Đức Cơ - huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, giáp biên với Vương quốc Campuchia.
Tây Nguyên mùa này… lạ lắm: Chỉ có nắng, gió, và hơi se lạnh. Rời đường 19 ở trung tâm huyện, tôi rẽ vào một con đường nhánh. Từ đây là bạt ngàn cao su, những vườn cao su của Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn biên giới. Mùa này, cao su đang độ thay lá, thẳng tắp những hàng cao su trút lá, vươn mình trên bầu trời xanh biêng biếc, ngọn ngả về cùng một hướng theo cơn gió miên man của mùa khô Tây Nguyên. Kia rồi: Tấm biển chỉ đường: “Cây Di sản Việt Nam, địa chỉ: Làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai”.
Tôi đã từng thấy rất nhiều cây đa, nhưng lần này, tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ kỳ vỹ của cây đa này. Ngay bên cạnh làng Ghè, cây đa sừng sững cao dễ đến gần 50m, thân và rễ tua tủa rộng khoảng 20m, che bóng cả một khu vực rộng độ chừng 500m2.
Già Puih Ố sinh năm 1957, già làng của làng Ghè - cũng là một trong những người minh triết nhất của làng, kể: “Không biết cây đa này có từ lúc nào, khi còn nhỏ, nhìn thấy cây đa, tôi hỏi cha mẹ, hỏi người già trong làng, cũng không ai biết!”. Cũng theo già Puih Ố thì cây đa này đã mọc ở đây từ rất nhiều thế hệ trước đó, phải có trên 200 năm tuổi rồi.
Với người Jrai ở làng Ghè này, trải qua bao nhiêu thế hệ, từ trong ý thức của mình, họ xem cây đa như là cây thiêng của làng. Do vậy, khu vực gần 500m2 quanh gốc đa luôn được giữ gìn sạch sẽ, không có những hành vi làm vấy bẩn ở đây. Ở dưới gốc đa này là một khu đất rộng và tương đối bằng phẳng, nơi đây chỉ diễn ra những hoạt động lành mạnh của làng như lễ cúng giọt nước, lễ cúng gốc đa, đó còn là nơi thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn cồng chiêng với lơi lả vòng xoang, với la đà ché rượu… Nơi đây còn là điểm đến của không ít khách du lịch đến tham quan và chụp ảnh kỷ niệm…
Hàng năm, trong dịp tổ chức lễ cúng giọt nước, đồng bào làng Ghè luôn tổ chức thêm một lễ nữa để cúng gốc đa. Nhiều người nói là cúng thần cây! “Nghe ông bà kể là cây này được một người trong làng tên là Chơng trồng để lấy bóng mát cho giọt nước của làng. Con cháu của cụ đến giờ đã đến đời thứ năm”, già Puih Ố nói.
Dịp đón Bằng công nhận “Cây Di sản Việt Nam” cho cây đa làng Ghè diễn ra vào tháng 11/2016, ông Nguyễn Điểu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nói: “Việc lựa chọn, vinh danh cây đa làng Ghè là Cây Di sản Việt Nam nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gen tiêu biểu và giới thiệu sự đa dạng của hệ thực vật Việt Nam. Đây cũng là hành động nhằm quảng bá cho du lịch và truyền thống lịch sử của địa phương. Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng”.
Những câu chuyện buôn làng
Lại nhắc đến giọt nước. Người Tây Nguyên xưa, muốn lập một ngôi làng mới, bên cạnh nhiều điều kiện khác thì việc gần một nguồn nước tốt là điều kiện bắt buộc. Làng Ghè cũng vậy: Ngay bên cạnh làng, dưới gốc đa cổ thụ là con suối Ia Ghe quanh năm nước chảy róc rách. Con suối không lớn nhưng “chưa bao giờ cạn nước. Đặc biệt là quanh năm nước cứ trong xanh mà mát lạnh”, già Puih Ố nói. Từ con suối nhỏ này, người làng đã làm nên giọt nước của làng, có lẽ là ngay từ những ngày đầu lập làng.
Với người Tây Nguyên, giọt nước là một trong những nơi linh thiêng nhất của mỗi làng. Nơi đây, cứ mỗi sáng sớm, những cô gái Tây Nguyên lại đi ra giọt nước, sau lưng là chiếc gùi đung đưa đựng những quả bầu khô. Khẽ khàng, những quả bầu khô chao nhẹ và lấy đầy nước vào trong quả bầu, lại cõng nước về nhà. Đây còn là nơi mà những trưa hè nóng bức, trẻ con ra nô đừa, rồi ngâm mình dưới làn nước mát lạnh. Đây còn là nơi mà mỗi chiều đi làm về, người dân làng Ghè dừng chân tắm rửa, rồi trò chuyện, trao đổi những kinh nghiệm đồng áng, vườn tược diễn ra trong ngày…
Tất cả những câu chuyện ấy, “Cụ Đa” đều chứng kiến, và âm thầm kể lại cho nhiều thế hệ con dân làng Ghè. Trong sâu thẳm tiềm thức của người dân làng Ghè, cây đa cổ thụ này là chứng nhân cho biết bao câu chuyện vui buồn, bao thăng trầm của làng từ hàng trăm năm nay…
Theo già làng Puih Ố thì có không ít những cặp đôi yêu nhau, đưa ra khấn với “Cụ Đa”, cầu mong cho họ được về cùng nhà với nhau, được con cháu đông đúc, được cuộc sống đủ đầy…
Làng Ghè ngày nay với 229 hộ, 955 nhân khẩu. Dọc theo con suối Ia Ghe là thung lũng với mướt xanh những khoảnh ruộng lúa nước. Quanh làng là những vườn cà phê xanh tốt. Thu nhập chính của bà con là làm lúa đủ ăn quanh năm. Cà phê cũng là nguồn thu nhập không nhỏ để nuôi con ăn học, làm nhà, mua xe hoặc dùng vào những việc quan trọng khác.
Chủ tịch UBND xã Ia Dơk, anh Rơ Lan Pêu, cho biết, tuy chưa đông, nhưng cũng có không ít khách thường xuyên đến tham quan cây đa. “Đó là những khách du lịch lên tham quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, trên đường về ghé qua cây đa trăm tuổi chụp ảnh lưu niệm, rồi tiếp tục hành trình sang làng chài trên sông PôKô huyền thoại”, anh Pêu nói.
Theo đó, từ chỗ chỉ là cây cổ thụ đẹp ở làng Ghè cũng như ở Gia Lai, cây đa này dần “nổi sóng” ở trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng, được nhiều người biết và tìm đến. Đây cũng là cây cổ thụ duy nhất ở Gia Lai tính đến thời điểm này, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây Di sản Việt Nam” từ năm 2016.
Chị Kpuih Hnok, hậu duệ đời thứ tư của cụ Chơng kể: “Khu rẫy của gia đình mình sát cây đa này. Hồi nghe tin cây được công nhận danh hiệu quý lắm, cả làng ai cũng vui, cũng tự hào”.
Theo anh Rơ Lan Pêu thì “tuy chưa thật sự xóa hết những khó khăn trong cuộc sống, nhưng hiện tại bà con cũng đã khá lên nhiều. Mong rằng có nhiều du khách biết hơn về cây đa làng Ghè và cấp trên đầu tư vào để phát triển du lịch, góp phần gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa của con người và vùng đất nơi đây”.
Còn với già Puih Ố, “giờ đã đỡ khổ hơn trước rất nhiều rồi, bà con không còn phải lo đến cái đói, cái rét như trước đây, càng không phải lo chiến tranh, súng đạn, chết chóc như mấy chục năm trước nữa. Có lẽ một phần là nhờ sự phù trợ của "Cụ Đa" đó”.
Ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai: “Huyện rất tự hào khi cây đa cổ thụ làng Ghè được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Có nhiều hoạt động quan trọng của huyện cũng đã được tổ chức dưới bóng mát của gốc cây di sản này. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử nơi đây, huyện đã có kế hoạch thu hồi có đền bù một số diện tích cà phê của đồng bào khu vực xung quanh cây di sản, nhằm mở rộng, tôn tạo thêm cho sạch đẹp hơn, trang nghiêm hơn”.