Cô Dạ Hương kính!
Khi cháu còn nhỏ, ba cháu cứ khăng khăng sẽ không chấp nhận nếu con gái lớn lên lại đi yêu người miền Bắc. Cháu không biết vì cớ gì mà định kiến như thế. Bác Hai của cháu đi tập kết về, bác đầu têu, nói "Bắc ranh, Trung cục, Nam khờ". Người khờ nếu gặp người quá khôn ranh thì sao có thể hạnh phúc được?
Từ bác Hai, rồi ba cháu mà hai cô của cháu làm nghề giáo phải thối thoát hai người con trai miền ngoài và rồi cơ hội không đến với hai cô nữa. Các cô hiện sống như gái ế đó cô. Người tính không bằng trời tính. Người thanh niên đang khiến cháu đinh ninh sẽ nghiêm túc cùng nhau là trai Bắc cô ơi. Anh ấy hơn cháu 8 tuổi, đang làm tiến sĩ, còn cháu thì đang theo chương trình cao học và nếu không có Covid 2 năm nay thì đã học xong rồi. Trong con mắt cháu, anh rất toàn diện cô ạ, thông minh, cần cù, điển trai, lịch thiệp. Hầu như cháu không phát hiện anh có nhược điểm gì.
Thế là đã 3 năm. Bây giờ Covid tạm lắng, cháu đã lên lại thành phố và anh ấy đang vào giai đoạn cuối của chương trình nghiên cứu. Một ngôi trường danh giá, tương lai sán lạn, vì cháu mà phải thẩn thờ với chướng ngại kỳ quặc của bác cả và ba mẹ. Việc ấy như bệnh lý hơn là có cơ sở rõ ràng về thổ nhưỡng, tính cách vùng miền, thậm chí tức cười về mặt đạo đức ấy cô.
Còn nhớ con gái của bác Hai lấy người miền Trung, vùng đất mà bác dị ứng nhất. Mẹ cháu cứ cười ngất, ghét của nào trời trao của nấy. Bác Hai càng giẫy, con gái bác càng cương, cuối cùng cũng phải chịu thua đó cô. Cháu chuẩn bị tinh thần cương, như con gái bác Hai, không lo gì, bên cháu còn có mẹ mềm mại, thương con. Nhưng vẫn cần có nghệ thuật làm dâu trong một gia đình miền ngoài, phải không cô?
Cháu biết đời riêng của cô, biết cô sống ở Hà Nội nhiều năm, nhiều nhà báo viết khen cô vợ đảm, dâu hay, cô có thể nói với cháu bí quyết là gì, được không cô?
Cháu thân mến!
Vì sao có chuyện kỳ thị vùng miền? Lịch sử Việt Nam là Nam tiến, là chia cắt (chúng ta thời Trịnh – Nguyễn tự chia cắt hơn 200 năm), ấy là cô nói thời xa xưa. Phàm là, đất nước nào cũng vậy, chia cắt thì sẽ có dấu vết của khác biệt, tổn thương. Trong khi đó, thung thổ Bắc – Nam nước nào cũng khác, Bắc giá lạnh khắc nghiệt, Nam ấm áp hào sảng.
Nhà Nguyễn mạnh lên và đã thống nhất được giang sơn nhưng chưa bao lâu thì người Pháp đã nhảy vào biến VN thành thuộc địa. Lại chia thành ba kỳ, Bắc và Trung là bảo hộ, riêng Nam kỳ thành thuộc địa theo quy chế riêng. Là thuộc địa nghĩa là bộ máy cai trị Tây hóa hơn, giáo dục và kinh tế theo mô hình Pháp hơn. Và thế là sinh ra tâm lý Nam hay hơn, con người dễ sống với nhau hơn, Bắc và Trung lạc hậu hơn, bảo thủ hơn, khắc nghiệt hơn. Rất nhiều người nhắm mắt kỳ thị cảm tính mà không đứng ở góc độ lịch sử.
Sau 1954 thì đất nước ta tiếp tục chia cắt hơn 20 năm nữa, giai đoạn này mới khốc liệt nè, miền Nam tiếp tục kinh tế thị trường, văn hóa Âu Mỹ ùa vào, miền Bắc kinh tế tập trung, văn hóa giáo dục ảnh hưởng Trung Quốc và Liên Xô trong khi phải làm hậu phương cho cuộc kháng chiến thống nhất đất nước nên phía Bắc kiệt quệ.
Đã từng đói nghèo nên con người chật vật và hay tính toán, hay so đo, hay kèn cựa, hay chấp nhặt, thế thôi. Kinh tế hiện nay đã đưa hai miền ngang nhau, số người có chí tiến thủ ở Bắc rất đông, như người yêu của cháu. Học hành, trang bị kiến thức, bằng cấp và cốt cách, đã khác xưa nhiều rồi. Vậy nên khư khư "Bắc ranh, Trung cục và Nam khờ" không còn giá trị của đánh giá ấy nữa. Ở đâu cũng có người hay và người tốt, ngược lại đầy ra những kẻ dốt, kẻ xấu, kẻ tham, kẻ vô đạo đức. Đã yêu thì không việc gì phải sợ. Cứ yêu đi rồi con đường sẽ dần rộng mở vì khi ta yêu ta hay lên, ta tử tế lên rất nhiều.
Gia tộc nào cũng dè chừng khi đón nhân tố mới và lạ, rồi dần quen, sống chung với mặt tối và mặt sáng của nhau, rồi thích nghi và nhiều kỷ niệm, nghĩa tình. Có không nghệ thuật làm dâu Bắc, cô nghĩ, nghệ thuật nằm ở tấm lòng và văn hóa ứng xử. Khi cháu có lòng, cháu sẽ vượt qua nếu bị hiểu lầm, khi cháu biết điều (trong ứng xử), cháu sẽ thuyết phục người ta rằng tôi là thế đó, tôi có tình thương, tôi có văn hóa nền của gia đình tôi, tôi là một bông hoa lạ trong vườn của nhà chồng. Chắc chắn cháu sẽ được yêu thương (dù có thể chậm). Còn người yêu cháu, hãy để tự nhiên, dâu là con rể là khách, Bắc Nam gì cũng vị thế ấy, không khác.