| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý giá gạo thế giới

Thứ Ba 26/07/2022 , 10:01 (GMT+7)

Trong khi giá lúa mì và ngô trên thị trường thế giới vẫn tăng, nhưng một số quốc gia châu Á lại đang phải đối mặt với một vấn đề tương phản: dư thừa gạo.

Giá gạo- mặt hàng lương thực thiết yếu của người dân châu Á không giống như giá của các mặt hàng chủ lực khác vẫn đứng ở mức thấp và bị cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Akira Kodaka

Giá gạo- mặt hàng lương thực thiết yếu của người dân châu Á không giống như giá của các mặt hàng chủ lực khác vẫn đứng ở mức thấp và bị cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Akira Kodaka

Giới chuyên gia cho rằng, nếu vấn đề không sớm được giải quyết sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu mặt hàng gạo.

Thái Lan hiện đứng đầu danh sách các quốc gia phải đối mặt với “điều không mong đợi này” do tình trạng dư thừa nguồn cung gạo, nhờ thời tiết thuận lợi ở các vùng đất trồng lúa ở châu Á. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực hiện cũng đang trong “cuộc chiến giá gạo khốc liệt”, khi phải đi tìm kiếm người mua để giải phóng các kho dự trữ. Và hiện có nhiều ý kiến trái chiều về triển vọng giá gạo khi tình trạng khủng hoảng thiếu phân bón vẫn còn là mối đe dọa.

Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết: “Vụ thu hoạch được mùa ở một số quốc gia đã cho phép các nhà xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan đang cạnh tranh nhau bằng cách chào bán gạo với giá thấp”.

Giá gạo, mặt hàng lương thực chính của châu Á không giống như giá cả của các mặt hàng chủ lực khác. Đứng ở mức 420 USD/ tấn, gạo Thái Lan loại 5% tấm phổ biến vẫn đang được giao dịch dao động trong khoảng vài điểm phần trăm so với mức đầu năm 2021 và ngay sau cuộc xung đột Nga- Ukraine hồi đầu năm nay. Cạnh tranh gay gắt về giá gạo, có nghĩa là người mua có thể sẽ chỉ phải trả giá thấp hơn nhiều so với các mặt hàng khác.

Điều nghịch lý này diễn ra khi cả giá lúa mì và ngô đều tăng hơn 40% do xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine bị ùn ứ và Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì để ưu tiên thị trường nội địa trong bối cảnh thời tiết nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất của nước này. Mặc dù các cuộc đàm phán để chấm dứt việc phong tỏa và mùa màng bội thu ở một số nơi, đã khiến giá giảm mạnh trong những tuần gần đây nhưng giá lúa mì vẫn tăng 15% so với một năm trước.

Trái ngược với lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, Ấn Độ vẫn đang cố gắng bán nhiều gạo hơn ra nước ngoài. Nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã bán trung bình 22 triệu tấn gạo hàng năm trong vài năm qua, gần bằng một nửa lượng gạo thương mại của thế giới.

Cuộc cạnh tranh về giá vốn đã rất khốc liệt. Theo các thương nhân, Ấn Độ có thể sẽ chỉ chào giá gạo ở mức 343 USD/ tấn, thấp hơn nhiều so với mức 388 USD của Pakistan và 418 USD của Việt Nam, trong khi Thái Lan đưa ra mức giá 420 USD/tấn do chi phí sản xuất cao hơn.

Ông Charoen cho biết: “Giá gạo Thái Lan cao hơn 80 USD/ tấn so với Ấn Độ và các đối thủ khác. Dự kiến Thái Lan sẽ thu hoạch vụ mùa chính vào tháng 10, khi đó khoảng 24 triệu tấn thóc sẽ được thu hoạch.

 “Sẽ là một năm thảm họa nữa vì chúng tôi không biết giá gạo sẽ giảm sâu đến mức nào. Điều đó sẽ buộc chính phủ Thái Lan phải ban hành các giải pháp can thiệp giá để hỗ trợ nông dân. Xét về mặt chính trị, chính phủ sắp phải đối mặt với một cuộc bầu cử vào năm tới, nên điều quan trọng là phải giữ cho hơn bốn triệu hộ gia đình trồng lúa được yên ổn. Và hệ quả là các nhà xuất khẩu sẽ gặp khó và làm giảm thị phần của họ trên thị trường toàn cầu”, một nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng ý rằng giá gạo sẽ ở mức thấp, và có một số lý do cho thấy sự thiếu hụt phân bón vẫn là một lý do để kỳ vọng tăng giá theo thời gian.

Ông Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản, cảnh báo rằng châu Á sẽ không thể tiếp tục lạc quan về các nguồn cung lương thực thiết yếu của mình. “Nếu giá phân bón tiếp tục tăng và nguồn cung bị gián đoạn, giá gạo có thể sẽ tăng theo giá lúa mì và ngô”, ông Shibata nói.

Theo các chuyên gia, nếu điều này xảy ra Thái Lan tiếp tục bị tổn thương nặng nề khi nông dân nước này vẫn thường dựa vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đắt tiền. Thái Lan nhập khẩu khoảng bốn triệu tấn phân bón hàng năm. Đó là điều khác biệt so với các đối thủ như Việt Nam và Ấn Độ. Việt Nam đã dành nhiều năm để phát triển các giống lúa mới và kỹ thuật trồng lúa, giúp cắt giảm chi phí sản xuất, trong khi Ấn Độ và Pakistan trồng lúa ở những vùng rộng lớn với quy mô kinh tế và giá nhân công rẻ.

Trong khi đó, năng suất lúa của Thái Lan vẫn ở mức thấp, với mỗi rai (0,16 ha) đứng ở mức 454 kg, thấp hơn nhiều so với mức 803 kg của Việt Nam. Do vậy sự gián đoạn nguồn cung phân bón có thể làm giảm năng suất của người trồng lúa Thái Lan.

Ông David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, tình trạng thiếu phân bón có thể làm giảm năng suất lúa trong khu vực và dẫn đến sự lặp lại của đợt tăng giá đột biến năm 2007-2008 sau đợt hạn hán ở Ấn Độ và đẩy giá lên 1.000 USD/ tấn. Điều này thực sự có thể gây trở ngại cho an ninh lương thực toàn cầu.

(Nikkei Asia)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm