Đảo khắp các vùng biển xứ Nghệ lúc này, dọc từ khu vực Diễn Châu, Quỳnh Lưu đến thị xã Hoàng Mai, không khí chung quá trầm lắng, chẳng còn vẻ tất bật, rộn ràng như trước kia, nay nét u sầu hiện rõ trên mặt ngư dân, những người vốn ăn sóng nói gió với niềm tin luôn phơi phới căng đầy.
Quả thực, ngư dân Nghệ An đang đứng trước tình cảnh “sóng sau đè sóng trước”. Trước là tác động nghiêm trọng đến từ đại dịch Covid-19 khiến sản phẩm khai thác được khó tiêu thụ vô tình đẩy ngư dân vào thế bị động. Nay kết hợp thêm những thách thức do với giá xăng, dầu tăng cao chót vót trong thời gian qua như thể bào mòn luôn chút niềm tin còn lay lắt.
Trên thực tế, giai đoạn gần đây những chuyến vươn khơi không lời lãi là bao, nếu không muốn nói là lỗ chỏng vó, nay chi phí đội thêm 30 - 40%, ngay đến cả những người lạc quan nhất cũng đành lắc đầu chào thua. Sự việc tiếp diễn ngày nay qua tháng khác khiến tất thảy đều căng thẳng tột độ, với đà này chẳng chóng thì chày “bán tàu” là điều khó tránh khỏi.
Nhận thấy tình hình không mấy khả quan, ông Bùi Văn Lộc, trú tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, chủ phương tiện hơn 1.000 CV đành cho tàu nằm bờ suốt 3 tháng liền. Chán ngán cảnh ăn không ngồi rồi, hoang mang khi dư nợ ngân hàng ngày một phình to, mãi đến đợt rồi mới lại huy động nhân lực dong thuyền vươn khơi trở lại.
“Chung quy mọi thứ quá khó khăn, chúng tôi gắng gượng lắm rồi. Trước ngư trường rộng, nơi đâu có cá có mực cứ ung dung đưa tàu đến đó, nay thu không bù chi nên nhiều người chẳng mặn mà, không ít trường hợp chủ động chuyển sang công việc khác cho thu nhập ổn định hơn, tới đây lao động nghề biển chắc chắn sẽ thiếu hụt trầm trọng”. Ông Lộc tâm sự.
Đưa mắt hướng về con tàu số hiệu NA 98829 TS được đóng mới cứng theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP, ông Nguyễn Văn Hòa, chủ phương tiện có giá triệu đô buồn bã cho hay: “Từ hôm ra tết đến giờ tàu chưa ra khơi được chuyến nào, chi phí quá cao đành chịu nằm bờ. Trước đây bình quân mỗi chuyến chỉ dao động loanh quanh 250 triệu đồng, nay giá nhiên liệu nhảy vọt kéo kinh phí lên mức 350 triệu đồng/chuyến, thành thử có gắng sức đến mấy cũng chẳng ăn thua”.
Theo chia sẻ của các ngư dân và chủ tàu, để vượt qua giai đoạn khốn khó này, nhất thiết cần định hướng chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, của các cấp, ngành liên quan, đan xen vào đó là những chính sách hỗ trợ thiết thực để tiếp thêm động lực, niềm tin cho bà con.
Về phía Nghệ An, ngày 9/12/2021 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND liên quan đến một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025. Lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được hỗ trợ máy thông tin tầm xa áp dụng cho tổ hợp tác sở hữu các loại tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi, định mức không quá 35.000.000 đồng/máy/tổ hợp tác).
Ngoài ra, còn được hỗ trợ chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống tời thủy lực, đối tượng áp dụng là tàu cá nghề lưới chụp có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi… Trong khi đó, thông qua chủ trương hỗ trợ kinh phí xăng dầu nhằm khai thác vùng biển xa của Trung ương, năm 2021 ngư dân Nghệ An được thụ hưởng hơn 100 tỷ đồng.
“Bám sát nội dung chỉ đạo Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Nghệ An xác định đến năm 2025 giữ ổn định sản lượng khai thác bình quân là 180.000 - 185.000 tấn/năm, tập trung tăng những loài có lợi thế, cho giá trị kinh tế cao. Cùng với đó sẽ từng bước giảm số lượng tàu thuyền, đặc biệt là những phương tiện đánh bắt ven bờ, ngược lại những tàu khai bờ sẽ được cải hoán, nâng công suất”, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh.