Mặc dùng Trung Quốc đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ ngày 1/5 đến 16/8/2022, thế nhưng tập đoàn tàu cá đánh bắt xa bờ gồm 9 chiếc của lão ngư Bùi Thanh Ninh ở phường Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định vẫn không ngừng vươn khơi bám biển tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
“Ông bà xưa đã nói ruộng năng canh, biển năng hành. Mình phải thương xuyên có mặt trên biển để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, lão ngư dày dạn kinh nghiệm Bùi Thanh Ninh chia sẻ.
Lão ngư Bùi Thanh Ninh đang sở hữu tập đoàn tàu cá đánh bắt xa bờ gồm 9 chiếc chuyên làm các nghề đánh bắt cá ngừ đại dương và lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Ngư trường tàu cá của ông Ninh thường đánh bắt là ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo kinh nghiệm của lão ngư Ninh: Những năm gần đây, năm nào Trung Quốc cũng đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông 3 tháng, chuyện đó đối với ngư dân Bình Định đã quá “lờn”. Ngư dân quan niệm cấm là chuyện của họ, nhưng biển của ta ta cứ làm chứ mình có xâm phạm đến ai đâu mà sợ.
Cũng theo lão ngư Ninh, ngư dân đi đánh bắt xa bờ bây giờ thường xuyên được ngành chức năng hướng dẫn ranh giới ngư trường, đừng đánh bắt xâm phạm vùng biển không có gì phải sợ. Tập đoàn tàu cá 9 chiếc của ông Ninh lúc nào cũng thay phiên nhau có vài 3 chiếc có mặt trên biển Đông để vừa đánh bắt vừa khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong 3 tháng đầu năm 2022, dù giá nhiên liệu và các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng cao, những chuyến biển hầu như không mang lại lợi nhuận, nhưng hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định vẫn không bỏ biển, nhờ đó sản lượng thủy sản đánh bắt đạt khá cao.
“Toàn tỉnh Bình Định hiện có khoảng 5.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, khai thác chủ yếu ở các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa với các nghề chính là nghề câu, nghề lưới vây rút chì và nghề mành chụp... Sản lượng khai thác thủy sản trong quý I/2022 ước đạt hơn 46.616 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương ước đạt 3.265 tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Để đạt được mức sản lượng nói trên là nhờ hầu hết tàu cá của ngư dân siêng năng bám biển khai thác”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.
Trước tình hình giá nhiên liệu tăng phi mã, ngư dân Bình Định thực hiện đi khai thác theo tổ đội, nhóm để giảm chi phí. Khi sản phẩm trong tổ đội đánh bắt đủ sẽ được gom hết lại cho 1-2 tàu vận chuyển về bờ bán, những tàu kia vẫn bám biển tiếp tục đánh bắt. Những tàu bán xong sản phẩm thì tiếp tục ra khơi mang theo nhiên liệu và lương thực, thực phẩm cho chuyến biển mới của mình và cho cả những tàu còn ở trên biển.
“Đi đánh bắt theo tổ, đội vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo an toàn cho các tàu cá và ngư dân. Ở trên biển, các tàu cá trong tổ, đội thường xuyên kết nối liên lạc với nhau, để nếu có tàu cá nào gặp sự cố những tàu kia lập tức tập trung lại tại tọa độ ấy để hỗ trợ. Đánh bắt theo hình thức này càng phát huy hiệu quả trong thời gian Trung Quốc đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh cá trên biển Đông”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.