| Hotline: 0983.970.780

Ngủ gục và những dãy ghế trống

Thứ Năm 07/04/2011 , 09:42 (GMT+7)

Thực tế quan sát nhiều cuộc họp cho thấy, không ít cuộc lãnh đạo chỉ có thể có mặt một lúc, tặng hoa, phát biểu dăm câu ba điều sau đó "chạy sô" họp chỗ khác.

>> Chuyện họp từ xã lên tỉnh
>> Sống chung với.. họp

"Cháy" lãnh đạo

Vì thế nếu báo cáo toàn chuyện trên giời, dưới biển viển vông, những người tham dự đành phải nghĩ ra muôn ngàn kế giết thời gian. Từ tán gẫu, nhắn tin, đánh cờ caro, bới tóc sâu cho nhau đến ngủ gật….đủ các kiểu. Buổi họp chiều, hội nghị còn thê thảm hơn với đầy rẫy ghế trống do các đại biểu đã kịp “chuồn” mất. Thế nên nhiều cuộc họp mới quy định điểm danh sáng chưa đủ còn điểm danh chiều, điểm danh theo lịch không chắc còn điểm danh bất thình lình, điểm danh chẳng theo quy luật để cố gò sao cho các hàng ghế khỏi trống vắng một cách vô duyên.

Thống kê của văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, năm 2009 họp UBND tỉnh 282 cuộc, năm 2010 họp 249 cuộc. Hàng năm có 12 cuộc họp hàng tháng của UBND tỉnh, 52 cuộc của lãnh đạo UBND tỉnh, còn lại là họp chuyên đề do các lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách khối, lĩnh vực công việc chủ trì. Trao đổi với PV NNVN, nhiều lãnh đạo địa phương khẳng định, dẫu có bổ sung thêm mấy ông cấp phó nữa,  cũng không phân công đủ người đi dự các cuộc họp. Cuộc nào xem chừng cũng quan trọng mà nếu vắng mặt mình nhiều khi không còn tầm cỡ nữa nên đành “thân này ví xẻ làm đôi” để dự họp. Do vậy, nhiều thành phố hay tỉnh có đến 4-5 phó chủ tịch nhưng lắm lúc vẫn trong tình trạng “cháy lãnh đạo”, không đủ người để đi dự các cuộc họp triền miên sớm tối.

Cơ chế...bắt họp

Chuyện họp ở cấp cơ sở là thế, họp ở tầm cao hơn có khác? TS Tống Khiêm - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đúc kết rằng việc họp chủ yếu để xây dựng, tham gia các văn bản pháp luật là chính. Một văn bản từ thông tư, nghị định, pháp lệnh đến luật nhiều khi họp đi, họp lại đến mười lăm, hai mươi lần. Mỗi lần họp phải có đầy đủ thành phần. Nếu như quản lý nhà nước, ở từng cục, từng bộ phận có những người chuyên trách để luôn theo dõi những văn bản giấy tờ đó thì họp lần một, lần hai, lần ba, quá lắm dăm lần xong. Đằng này mỗi lần một người khác nhau, thậm chí chủ trì họp còn khác nhau, phát biểu đi phát biểu lại, luẩn quẩn trở về ban đầu.

“Chất lượng các cuộc họp góp ý các văn bản, dự án, tầm nhìn…tôi cho rằng cái đấy nhiều khi hình thức. Phải chăng những cuộc họp dạng góp ý định hướng, chương trình, dự án không nhất thiết phải mời nhiều mà mời hẹp, mời những chuyên gia am hiểu. Chuyên gia đương chức càng tốt, không thì nằm trong những tổ chức phi chính phủ thậm chí những người về hưu còn cập nhật nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Nội dung họp, bao giờ cũng có báo cáo tổng hợp để hình dung ra tổng thể. Không thể không kể đến dạng báo cáo nóng, có vấn đề xem có vướng gì trong nội bộ, cách làm việc, quan hệ làm việc, đối tác làm việc. Tại sao có những việc không chạy là do quy trình nhưng một phần nữa là do quan hệ công tác, do quy định, cuộc họp là cơ hội để giải tỏa”- ông Khiêm thẳng thắn.

Mỗi cuộc họp dù có phong bì phong bao hay ăn uống tiệc đứng, tiệc ngồi hay không, nhưng mẫu số chung là tốn kém rất nhiều kinh phí như thuê hội trường, khách sạn, in tài liệu, chi phí đi lại...Nếu cuộc họp nội dung vô bổ, ngân sách nhà nước  hay nói cách khác là đồng tiền thuế của dân đương nhiên đã bị tiêu pha một cách phung phí.

Tôi có hỏi tiến sĩ Tống Khiêm rằng, bao nhiêu phần trăm các cuộc họp ông dự là bổ ích, thiết thực? Không một phút chần chừ, ông đưa ra một định lượng là 50/50: “Họp chưa thiết thực là những dạng đơn vị phát biểu kể thành tích. Một cuộc họp mấy chục đơn vị tham gia, ông nào cũng đứng lên, dù năm phút nói về mình thì ai nghe? Cuộc họp nào liên quan đến kế hoạch dự án, phân bổ kinh phí thường rất đông nhưng sau đó lại trống bởi người ta chỉ cần biết đến kết quả. Những cuộc họp vắng thường không thiết thực như dấy một phong trào, phát động gì đó, tổng kết, thi đua khen thưởng nhiều khi chỉ cho có…Với tư cách cá nhân, hàng tuần tôi nhận không dưới bốn giấy mời, chưa bao giờ tôi đi hết mà chỉ dự khoảng 20%, còn lại bỏ hoặc phân cho cấp phó. Năm năm đầu ở vị trí Giám đốc, tôi họp cũng ghê, sau này biết thêm, không phải cuộc họp nào tôi cũng đi”.

Ông Tống Kiêm cũng trần tình, trong chín năm tại chức hiếm có một ngày trọn vẹn tám giờ vàng ngọc để làm việc chuyên môn khuyến nông của mình. Nào khách khứa, nào họp hành, nào giải quyết những sự vụ ký tá, liên hệ các địa phương…túi bụi đến nỗi lắm khi muốn họp nội bộ phải di sang chỗ khác hoặc đóng cửa để họp. “Có rất nhiều loại văn bản xin ký tá mà chỉ để đáp ứng các thủ tục của địa phương, ví dụ cơ chế, cứ thay đi, đổi lại xin ý kiến đã tốn thời gian.  Chúng tôi đào tạo gần một triệu nông dân, mỗi người trung bình từ 3-5 ngày, chỉ có quyết định ban đầu tỉnh này có bao nhiêu lớp, về sau kiểm toán nhà nước họ nói từng lớp phải có quyết định. Như vậy một triệu nông dân, cứ 30 người một lớp hỏi tốn bao nhiêu nghìn giấy quyết định, bao nhiêu nghìn chữ ký?...Giải quyết tình trạng họp triền miên theo tôi tốt nhất bây giờ phải áp dụng văn phòng điện tử, xin ý kiến, văn bản qua email, qua mạng, kết hợp cả nhắn tin điện thoại, sau đó bước thứ hai mới là đến xin dấu”.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.