| Hotline: 0983.970.780

Người cựu chiến binh quyết đòi đất cho Nhà nước

Thứ Ba 14/05/2019 , 13:10 (GMT+7)

Năm 1994, cựu chiến binh (CCB) Phùng Đức Sáu (khu 5, xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) được Lâm trường Thanh Hòa (nay là Hạt kiểm lâm Hạ Hòa) giao 24,8ha đất để trồng rừng phòng hộ và bảo vệ rừng.

Đó là khu đồi trọc, ở vị trí rất hẻo lánh, không có đường đi, chẳng ai dám nhận, nhưng ông Sáu vẫn nhận.

16-42-45_cuu_chien_binh_phung_duc_su_nguoi_quyet_tm_bo_ve_dt_di_cho_nh_nuoc
Cựu chiến binh Phùng Đức Sáu, người quyết tâm đòi lại đất cho Nhà nước

Nhận đất xong, ông bắt tay ngay vào việc trồng rừng, đồng thời bỏ tiền túi của mình ra làm 3 căn nhà cấp 3 để trông coi, làm 1km đường đi, làm đường điện, đắp một con đập, làm 3km đường biên bảo vệ rừng, đường biên có chiều rộng 5m. Để đề phòng cháy rừng, ông đã làm một đường băng cản lửa rộng 6m, dài 2km, tốn kém đến hàng trăm triệu đồng.

Hiện tại, cả 24,8ha rừng đều đã phủ kín cây và được bảo vệ nghiêm ngặt. Với thành tích đó, năm 2005 ông Phùng Đức Sáu đã được UBND tỉnh Phú Thọ tuyên dương, được cử tham dự đại hội những người trồng rừng phòng hộ giỏi toàn quốc, được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ.

Vào năm 1994, khi mới bắt đầu trồng rừng, cây chưa lớn, ông Sáu đã cho 14 hộ dân mượn mỗi hộ một ít đất để trồng xen cây ngắn ngày, cải thiện đời sống, thời hạn mượn là hết năm 1998. Đến hạn, 13 hộ dân đã trả lại đất cho ông Sáu, chỉ riêng ông Phùng Văn Hậu là nhất định không trả. Không những vậy, ông Hậu còn chặt một số cây rừng phòng hộ rồi trồng chè trên đó. Diện tích trồng chè của ông Hậu là 2.780 m2.

Lí do ông Hậu không trả đất là từ năm 1972 vợ chồng ông đã làm nhà ở vị trí đó. Một thời gian sau gia đình ông chuyển đi nơi khác, nên năm 1998 đã trồng chè trên đất đó, vì vậy, đó là đất của ông chứ ông không mượn của ông Sáu. Về việc ông Hậu làm nhà ở vị trí đó, chính ông Sáu cũng công nhận. Ông bảo:

-Chính tôi đã làm nhà giúp ông Hậu ở đó, vì tôi là thợ mộc mà. Nhưng không phải năm 1972 mà là năm 1987.

Nhưng ông Sáu khẳng định, ông Hậu làm nhà trên đất đó là làm theo hình thức lấn chiếm. Không cơ quan có thẩm quyền nào giao diện tích đất đó, ở vị trí đó cho ông Hậu làm thổ cư cả. Đó là đất rừng của Lâm trường Thanh Hòa. Khi gia đình ông Hậu chuyển đi, bỏ không một thời gian, năm 1994 thì lâm trường đã giao đồi, trong đó có cả diện tích đất nhà cũ của ông Hậu, cho ông.

Năm 2015, Hạt Kiểm lâm huyện Hạ Hòa đã tiến hành đo đạc, vẽ lại bản đồ rừng phòng hộ, và đã xác định rõ diện tích đất trồng chè của ông Hậu là đất rừng phòng hộ. Ông Hậu đã lấn chiếm. Kiểm lâm huyện đã yêu cầu ông Sáu phải thu hồi lại diện tích do ông Hậu lấn chiếm. Chính UBND xã Hương Xạ cũng tiến hành đo đạc diện tích lấn chiếm của ông Hậu, lập thành văn bản. Văn bản đó được bà Hoàng Thị Yến, vợ ông hậu, kí tên xác nhận.

Từ năm 2015 đến nay, ông Sáu đã nhiều lần yêu cầu trả lại diện tích 2.780 m2 đất, nhưng không được. Ông Sáu có đơn ra UBND xã, nhiều lần tổ chức hòa giải giữa hai bên. Trong các lần tham gia hòa giải, ông Sáu đều trình đầy đủ giấy tờ thể hiện diện tích đó đã được giao cho ông trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ. Ngược lại, ông Hậu không có bất cứ thứ giấy tờ nào. Hòa giải không thành, ngày 20/9/2018, UBND xã có văn bản chuyển hồ sơ vụ tranh chấp lên TAND huyện Hạ Hòa, đề nghị tòa giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 18/4/2019, TAND huyện Hạ Hòa đã trả lại hồ sơ vụ kiện, với lí do UBND xã Hương Xạ đã tổ chức hòa giải không đúng với quy định của pháp luật. Biên bản giao lại hồ sơ của TAND huyện Hạ Hòa nêu rõ “yêu cầu UBND xã Hương Xạ tiến hành hòa giải lại theo đúng quy định của pháp luật”. Thế nhưng khi gia đình ông Sáu lên UBND xã, thì được trả lời “không hòa giải lại”. Vụ việc rơi vào bế tắc.

Gặp chúng tôi, CCB Phùng Đức Sáu tỏ ra vô cùng bức xúc: Nhà nước đã giao đồi cho tôi trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, thì tôi có nghĩa vụ phủ kín cây, và bảo vệ nguyên vẹn diện tích đất đó, không cho phép ai xâm phạm, dù chỉ một mét vuông. Tôi đòi ông Hậu phải trả lại đất, là đòi cho nhà nước chứ không phải đòi cho cá nhân tôi. UBND xã không chấp nhận yêu cầu của TAND huyện, không tổ chức hòa giải lại, không biết có phải là cố tình gây khó khăn cho tôi không?

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ông Hoàng Trọng Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Hương Xạ hiện nay, là cháu gọi bà Hoàng Thị Yến (vợ ông Hậu) là cô ruột, và ông Tạ Văn Liễu, chủ tịch UBND xã Hương Xạ hiện nay, là con rể ông Hậu. Phải chăng vì thế mà có sự bao che?

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.