| Hotline: 0983.970.780

Người dân mỏi mắt ngóng sổ đỏ!

Thứ Tư 18/10/2017 , 13:45 (GMT+7)

Là 1 trong 9 tỉnh được thụ hưởng Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” (Dự án VALAP), người dân tại nhiều địa phương ở Bình Định rất vui vì được làm sổ đỏ mà không tốn chi phí.

Tuy nhiên, Dự án đã đo đạc đất đai, hoàn tất thủ tục từ nhiều năm nay, nhưng người dân mỏi mắt trông ngóng từng ngày mà sổ đỏ mới vẫn chưa thấy đâu!

10-43-33_1
Cụ bà Vũ Thị Xuân ở thôn Khánh Phước trình bày với PV về chuyện suốt 2 năm nay chưa được cấp đổi sổ mới

Khi dự án được triển khai trên địa bàn, người dân ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) được chính quyền địa phương thu hồi sổ đỏ cũ để cấp sổ mới. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua, người dân mòn mỏi đợi chờ, nhưng sổ đỏ mới vẫn “bặt vô âm tín”.

Anh Đoàn Ngọc Bình (SN 1971) ở thôn Khánh Phước, xã Cát Hanh cho biết: Cuối tháng 11/2015, chính quyền địa phương kêu gọi người dân trong thôn đem sổ đỏ cũ đến nộp tại trụ sở thôn để Dự án VALAP kiểm tra, đối chiếu và hẹn đến ngày 30/12/2015 sẽ cấp đổi sổ mới, gia đình anh Bình cũng tuân thủ việc nộp sổ như bà con trong thôn. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 2 năm nhưng gia đình anh Bình chưa thấy “mặt mũi” sổ đỏ mới đâu.

“Trước khi có dự án, mẹ tôi đã già nên chia đất của gia đình cho tôi và em trai làm ăn. Sau đó, gia đình chúng tôi lên xã làm thủ tục tách thửa đất, thế nhưng xã cứ hẹn mà không làm. Đến khi dự án triển khai, xã bảo để việc tách thửa đất của gia đình chúng tôi cho dự án làm cấp đổi sổ mới luôn cho tiện.

Sau đó, dự án về đo đạc, hoàn tất mọi thủ tục. Nhưng chờ mãi đến nay đã gần 2 năm mà chưa cấp lại sổ đỏ cho gia đình tôi. Trong thời gian qua tôi lên xã hỏi cả trăm lần, nhưng lần nào xã cũng hẹn. Hỏi tới thì xã chỉ lên huyện, lên huyện hỏi thì huyện chỉ về xã, chẳng biết đâu mà lần”, anh Bình than thở.

10-43-33_2
Anh Đoàn Ngọc Bình than thở việc chậm cấp đổi sổ đỏ đã ngăn trở việc anh mở rộng sản xuất

Hộ ông Trần Điểm (SN 1960) cùng ở thôn Khánh Phước cũng lâm tình trạng tương tự. Gia đình ông Điểm có đám ruộng gần quốc lộ, khi có chủ trương mở rộng đường, đám ruộng nhà ông Điểm bị thu hồi một số diện tích. Năm 2014, dự án thu hồi sổ đỏ của gia đình ông Điểm để điều chỉnh diện tích. Không biết điều chỉnh kiểu gì mà từ đó đến nay gia đình ông Điểm chưa được cấp lại sổ mới.

Những trường hợp đã nộp sổ đỏ cho dự án ở thôn Khánh Phước (xã Cát Hanh) nhiều không kể xiết, và hiện nay họ vẫn đang ngong ngóng chờ được cấp đổi sổ mới. Nhiều người dân lên xã hỏi, xã bảo để tìm ra sổ cũ rồi mới cấp sổ mới.

Nóng ruột quá, họ hỏi “dồn” thì xã lại bảo tìm ông cán bộ địa chính cũ mà hỏi cho ra sổ cũ rồi về xã giải quyết, vì khi nghỉ việc ông ấy không bàn giao những sổ đỏ đã thu hồi của dân cho xã. Người dân lại đi tìm ông cán bộ địa chính cũ để hỏi sổ, thì ông ta bảo về xã mà hỏi, lẩn quẩn như thế suốt mấy năm nay.

Trường hợp ông Phạm Văn Bình (60 tuổi) ở thôn Tân Xuân, xã Cát Hanh có may mắn hơn. Khi dự án thu hồi sổ đỏ cũ, ông Bình chỉ nộp bản photocopy, nên bây giờ ông Bình vẫn còn sổ gốc để thế chấp ngân hàng vay tiền đầu tư vào cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp.

“May chứ hồi ấy tôi nạp sổ gốc thì bây giờ lấy gì giao dịch với ngân hàng vay vốn làm ăn. Mấy đứa cháu bên cạnh nhà suốt mấy năm nay lên xã “đòi” sổ mới hàng bao nhiêu lần nhưng lần nào cũng về tay không”, ông Bình bộc bạch.

Nông dân chẳng có vốn liếng, muốn mở rộng sản xuất cần phải có sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay vốn để làm ăn. Ví như trường hợp anh Đoàn Ngọc Bình ở thôn Khánh Phước, xã Cát Hanh. Nhà anh Bình chỉ làm có 3 sào ruộng, thu nhập không đủ tiền nuôi 2 đứa con đang học đại học. Anh Bình muốn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi thêm, nhưng không có sổ đỏ thế chấp nên chẳng ngân hàng nào cho vay.

“Được tham gia Dự án VALAP, tôi nghĩ mình sẽ được hưởng nhiều mối lợi. Nhưng lợi đâu không thấy mà chỉ thấy thêm khổ”, anh Bình bức xúc.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.