| Hotline: 0983.970.780

Người dân thôn Nguồn Rào không vào khu tái định cư

Thứ Năm 22/02/2024 , 06:21 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Khu tái định cư Raly – Rào hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, chỉ có 2/45 hộ dân đến ở, nhiều hạng mục hoang phế.

Tiền tỷ phơi sương

Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết, trận lũ lịch sử năm 2020 khiến một số ngôi nhà tại thôn Nguồn Rào bị cuốn trôi; nhiều hộ mất đất sản xuất.

Khu tái định cư Raly - Rào hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2021. Ảnh: Võ Dũng.

Khu tái định cư Raly - Rào hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2021. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Trước thực tế trên, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, sau nhiều lần họp, được người dân đồng thuận, từ các nguồn xã hội hóa, UBND xã Hướng Sơn được giao làm chủ đầu tư Dự án Khu tái định cư (TĐC) Raly - Rào. Riêng hợp phần nhà ở có tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng. Một số hợp phần còn lại như hạ tầng giao thông và điện lưới lấy nguồn từ ngân sách địa phương.

Chỉ sau một thời gian rất ngắn, khu TĐC Raly - Rào đã hoàn thành gồm 45 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà có diện tích 40 m2, nằm trên các thửa đất rộng 400m2 và một điểm trường lẻ cách thôn Nguồn Rào khoảng 3km, nằm trên trục đường chính nối từ xã Hướng Phùng vào trung tâm xã Hướng Sơn. Đến 30/8/2021, dự án bàn giao đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, tại thời điểm đầu năm 2024, khi chúng tôi có mặt, khu tái định cư Raly – Rào thực tế chỉ có 2 hộ dân sinh sống.

Chị Mó Xa La Mê, một trong 2 hộ dân ở lại khu TĐC cho biết, sau khi nhận bàn giao, các gia đình chỉ vào ở được vài ba ngày là khăn gói quay trở về nơi ở cũ. Họ còn ruộng vườn ở đó nên mấy năm nay vẫn làm ăn yên ổn. Gia đình chị Mê cùng một người anh trai, bố mẹ hiện nay buộc phải ở lại khu TĐC là vì nhà cửa, vườn tược đã bị lũ cuốn trôi, không còn chỗ quay về.

Tuy nhiên, gần 3 năm nay, khu tái định cư Raly- Rào gần như bỏ hoang. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, gần 3 năm nay, khu tái định cư Raly- Rào gần như bỏ hoang. Ảnh: Võ Dũng.

“Ở đây buồn lắm! Có điện, có nước nhưng không có người ở, cả một khu TĐC rộng mênh mông nhưng đêm đêm chỉ 2 ngôi nhà sáng đèn. Điểm trường ở đây không có người học, không có cô giáo nên gia đình tôi phải đưa con về bản cũ đi học, xa lắm nhưng cũng không biết làm sao” – chị Mê cho hay.

Theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, khu TĐC được đầu tư khá bài bản. Ngoài một điểm trường lẻ để phục vụ nhu cầu học tập của con em, các ngôi nhà khác đều có không gian sân vườn khá rộng rãi. Hệ thống giao thông được bê tông hóa; điện lưới được kéo từ đầu đến cuối bản; nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đều được đầu tư đồng bộ.

Nhiều nguôi nhà cửa đóng then cài. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều nguôi nhà cửa đóng then cài. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, ngoài 2 ngôi nhà có người ở thì những ngôi nhà khác đều bỏ hoang lâu ngày. Cánh cửa các ngôi nhà hoặc hư hỏng hoặc khóa im ỉm; cửa một số ngôi nhà được buộc thép để ngăn gia súc. Hệ thống cửa kính, cửa chắn gió, nhà bếp đều xuống cấp, bỏ hoang. Trâu bò thả rông vào trú ngụ tại một số ngôi nhà… Điểm trường lẻ Raly – Rào cũng tan hoang, cỏ mọc um tùm.

Trong khi khu TĐC Raly– Rào hoang phế thì cách đó không xa, tại thôn Nguồn Rào cũ, nhịp sống, sinh hoạt trở lại bình thường như chưa hề có một cơn đại hồng thủy vừa xẩy ra.

Không muốn quay lại khu tái định cư

Nhận bàn giao nhà TĐC nhưng cũng như nhiều hộ dân khác, ông Hồ Chia chỉ ngủ lại đúng 1 đêm rồi ôm chăn gối trở về sống trong ngôi nhà sàn cũ, cạnh con đường chính qua thôn Nguồn Rào. Các con trai của ông, dù được cấp nhà ở khu TĐC nhưng cũng theo chân ông trở về thôn cũ làm ăn sinh sống. Chính vì thế, những ngôi nhà được chính quyền bàn giao cho ông và các con hiện đang bỏ hoang; nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Điểm trường Raly- Rào hoang phế. Ảnh: Võ Dũng.

Điểm trường Raly- Rào hoang phế. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Chia tâm sự: “Nhà nước cấp nhà không thu một khoản tiền nào nhưng dân vẫn không thích ở. Cũng không mấy đời mới có một trận lũ lớn như vậy. Ở đây quen rồi, lại gần với nương rẫy, ruộng vườn nên không muốn đi chỗ khác nữa”.

Khi được hỏi, nếu chính quyền tiếp tục vận động thì ông và các con có quay lại khu TĐC hay không thì ông Chia quả quyết: “Ta và các con chỉ ở lại đây thôi. Về khu TĐC thì đi làm nương, làm rẫy xa lắm!”

Không chỉ những ngôi nhà cũ được sửa sang sau trận lũ lịch sử năm 2020, tại thôn Nguồn Rào hiện cũng có nhiều ngôi nhà mới mọc lên trên nền đất mới. Nhiều hộ dân nhất quyết chỉ ở lại thôn Nguồn Rào thay vì trở lại khu TĐC như lời vận động của chính quyền địa phương.

Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho hay, vấn đề quan trọng nhất là tính mạng và tài sản của người dân nên sau khi trận lũ đi qua nên UBND xã đã nhiều lần họp dân lấy ý kiến. Sau khi có sự thống nhất của người dân, từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm và một phần nguồn ngân sách, UBND xã Hướng Sơn đã cấp tốc xây dựng khu TĐC. Các hạng mục của khu TĐC đều đạt chất lượng nhưng để lâu, không có người ở sẽ thành hoang phế.

Ông Chia (bên phải) không muốn quay lại khu tái định cư. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Chia (bên phải) không muốn quay lại khu tái định cư. Ảnh: Võ Dũng.

“Có thể thời điểm ấy bà con vì lo sợ thiên tai nên thống nhất xây dựng khu TĐC. Nhưng sau khi lũ đi qua, người dân có tâm lý muốn quay về nơi ở cũ để tiện sinh hoạt và sản xuất. Khu TĐC cũng nằm cạnh trục đường chính đi vào xã, chỉ cách nơi ở cũ 2-3 km, không quá xa khu vực sản xuất và rất thuận tiện giao thông. Chúng tôi mong bà con nghĩ về sự an toàn để nhanh chóng về khu TĐC, sớm ổn định cuộc sống” – ông Tường chia sẻ.

Ông Tường cho biết thêm, để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân quay về khu TĐC sinh sống, hiện nay, UBND xã Hướng Sơn đang hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh cho các gia đình. Theo đó, mỗi gia đình sẽ được xây dựng một nhà vệ sinh tự hoại.

Còn ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, việc xây dựng khu TĐC xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, khi xây xong khu TĐC, người dân lại không chịu vào ở khiến chính quyền rất lúng túng.

Nhiều nguôi nhà mới tại thôn Nguồn Rào cũ đã mọc lên. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều nguôi nhà mới tại thôn Nguồn Rào cũ đã mọc lên. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi giao UBND xã Hướng Sơn tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào về khu TĐC ở. Hiện tại cũng chỉ có cách đó chứ lãnh đạo huyện, xã cũng không còn cách nào hơn và cũng không thể ép dân được. Về các dự án TĐC sắp tới, chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguyện vọng của người dân để không xẩy ra tình trạng khu tái định cư thì bỏ hoang trong khi nơi ở cũ lại thiếu an toàn” –.ông Thuận cho hay.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.