| Hotline: 0983.970.780

Người đem văn minh tới Xơ Rơ

Thứ Ba 26/01/2016 , 06:35 (GMT+7)

Người đầu tiên mang điều văn minh ấy đến với đồng bào Ca Dong, đó là trưởng thôn Hồ Văn Trình ở nóc Xơ Rơ, thôn 8, xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam)...

Một tiếng máy xát gạo có gì ghê gớm? Tất nhiên, với số đông thì không rồi. Nhưng, ở giữa rừng núi hoang lạnh, xa ngái, nghèo xác nghèo xơ như Xơ Rơ thì đó lại là một "hiện tượng". Và, người đầu tiên mang điều văn minh ấy đến với đồng bào Ca Dong, đó là trưởng thôn Hồ Văn Trình ở nóc Xơ Rơ, thôn 8, xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).

Không những thế, ông còn sở hữu một vườn quế 30 ha, 20 con bò và hàng chục ha keo tràm. Ông cũng là người tiên phong đào ao thả cá nơi đây...

Dân làng không tin có máy xát gạo

Từ đập thủy điện Sông Tranh 2, vượt còn đường nhựa tuyến Trà Đốc - Trà Bui uốn lượn quanh lòng hồ chừng 1 tiếng đồng hồ. Khi đến Km20 xuất hiện một nhánh đường đất rẽ phải, chúng tôi phân vân không biết có phải đây là đường lên nóc Xơ Rơ không?  Nhìn xung quanh để tìm người hỏi thì bốn bề vắng lặng. Đứng chờ cả tiếng đồng hồ may mắn gặp được một người dân hỏi đường về nóc.

Người này bảo đây là nóc nghèo nhất huyện, đi lại khó khăn nhất xã, nằm ở độ cao 1.000m. Cuộc sống người dân gần như hoang dã nhưng ở đó có trưởng thôn Hồ Văn Trình biết làm ăn kinh tế giỏi nên đời sống gia đình khấm khá dần lên.

Từ con đường nhựa chúng tôi bắt đầu từng đợt cài số 1 rú ga vượt núi. Con đường chỉ hơn 1 km, đá lổm chổm chắn ngang giữa đường, nước chảy lênh láng nên rất khó đi. Thế nhưng sau khoảng thời gian vật lộn, chúng tôi có mặt tại nhà trưởng thôn Trình.

Từ xa, tiếng máy nổ đang xay xát gạo cho người dân vang cả núi rừng, muốn gặp trưởng thôn hỏi chuyện, nhưng ông bảo rằng, máy đang chạy các anh chờ khi nào xay hết lúa cho bà con đã. Tất bật với công việc, đến tầm trưa, những bao lúa được cho vào máy xay ra thứ gạo trắng tinh, lúc này ông mới nghỉ tay tiếp chuyện.

15-01-51_nh-1
Ông Trình đang xay lúa cho bà con

Nóc Xơ Rơ còn hoang sơ nhất huyện Bắc Trà My với 100% dân số là người dân tộc Ca Dong. Toàn thôn có 119 hộ với 569 nhân khẩu. Người dân làm nương rẫy và vẫn giữ nếp sống từ thuở khai hoang. Họ sống chất phác nhưng quen lối sản xuất cũ trong cuộc sinh tồn giữa đại ngàn nên toàn nóc có đến 80% số hộ nghèo.

Gạo của nhà nào đưa đến được ông Trình xay xong để riêng biệt, mỗi người một bao. Khi mặt trời khuất ngọn núi cũng là lúc bà con nghỉ việc và mang gạo về.

Uống cốc nước, trưởng thôn Trình bày tỏ: “Từ sáng đến giờ có hơn 50 nhà trong thôn đưa lúa ra xay, có máy bà con bớt sức giã gạo nhiều lắm. Trước đây ban ngày đi làm, đêm xuống người dân trong thôn thay nhau giã gạo thâu đêm, tuy nhiên chỉ được vài yến lúa, nhưng từ ngày tôi mua máy xát về mỗi khi máy nổ từ 10-20 phút đã xay xong 5 yến lúa. Có máy rồi, bà con trong thôn đỡ mệt được nhiều lắm”.

Trưởng thôn Trình kể, cách đây 5 năm, trong một lần đi họp dưới tỉnh, ông thấy máy xay gạo. Một loại máy đổ dầu vào hoặc bật điện chỉ trong tích tắc thì thóc biến thành gạo trắng tinh.

Ông nghĩ, nếu mình bán 2 con bò sẽ mua được cái máy này. Nghĩ rồi, ông làm ngay. Ông Trình bán 2 con bò được 30 triệu đồng, đích thân ông xuống TP Tam Kỳ mua máy xát gạo. Trong khi nóc chưa có điện để chạy mô tơ, ông dùng máy nổ để thay thế.

Hôm đưa máy về nóc, ông phải huy động hàng chục thanh niên khỏe mạnh trong làng đến gánh lên nóc. Thấy đống sắt đủ màu sắc được mạ sơn xanh, đỏ, vàng… bà con chẳng biết đấy là thứ gì.

Khi lắp ráp xong quay máy nổ, ông bảo mọi người đưa lúa ra xay nhưng mọi người không tin. Bởi bà con chưa một lần thấy loại máy này, nó rất lạ lùng. Do vậy, ông lấy lúa của nhà ra đổ vào máy trước sự chứng kiến của hàng trăm người trong nóc. Khi xay xong thì cho ra gạo trắng tinh, còn trấu, cám mỗi thứ một nơi. Ngay lúc đó, cả nóc mang gạo ra nhờ ông xay.

“Khác với việc đóng cầu dao điện cho máy chạy thì ở đây phải dùng máy nổ. Do đó, một tháng, tôi quy định 2 ngày xay gạo nên cứ đầu tháng và giữa tháng bà con mang lúa ra từ sáng sớm để đó, đến chiều đi làm nương về lấy. Hơn 5 năm qua, cứ đến ngày quy định thì mọi người mang lúa đến và tôi nổ máy xay lúa”, ông Trình chia sẻ.

Để tính tiền công và phí tổn máy móc, ông Trình đưa khoản thu, cứ 10 kg lúa sẽ lấy 1.000 đồng. Tôi thắc mắc, để đưa được dầu lên đây nổ máy giá cao hơn so với đồng bằng rất nhiều, nhưng với mức tiền này sẽ không có lãi là mấy, tại sao ông vẫn xay xát lúa cho bà con?

Ông Trình cười: “Mình giúp bà con là chính, chỉ mong rằng khoản tiền công mua đủ nhiên liệu và mỗi khi máy hư hỏng để sửa chữa, chứ mình chẳng cậy nhờ từ cái máy này để kiếm lời”.

“Cuộc sống mọi người ở trong nóc đều nghèo khổ, ngày đi làm, đêm về thức đêm thức hôm giã gạo. Mỗi đêm nhà nào nhiều nhân lực giã được 30-40kg, sáng mai thức dậy không còn sức lên nương làm việc. Do đó tôi mới bán bò mua máy mong bà con đỡ vất vả hơn”, ông Trình tâm sự.

Hiện nguồn thu nhập chính của gia đình trưởng thôn Trình trông cậy vào trang trại trồng cây lâu năm và phát triển chăn nuôi. Ông có tổng diện tích 30 ha cây quế và hàng chục ha keo tràm. Ngoài ra, ông chăn nuôi hơn 20 con bò. Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng mỗi tháng, ông nghỉ việc hai ngày để nổ máy, xay lúa cho bà con.

15-01-51_nh-2
Ở độ cao 1.000m so với mực nước biển nhưng ông Trình vẫn kéo được nước về đào ao thả cá

Trưởng thôn Trình tâm niệm, để được dân tin, dân quý, bản thân phải gương mẫu đi đầu, dám nghĩ, dám làm. Đối với công việc bản thân phải chí công, vô tư. Từ đó bà con trong nóc mới tích cực tham gia vào các phong trào, tích cực phát triển kinh tế. Theo ông Trình, đến nay Xơ Rơ không có người sinh con thứ 3, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững; việc ma chay, cưới hỏi tổ chức đơn giản, tiết kiệm.

Quyết giữ báu vật của cha ông

Cũng như bao bản làng vùng cao ở Quảng Nam, trong những năm qua rất nhiều người săn lùng mua báu vật như: Cồng chiêng, mâm đồng, xoong nồi… nên bà con bán sạch. Và ở nóc Xơ Rơ cũng không ngoại lệ, hàng trăm báu vật như: Chiêng cổ, mâm cổ… bị bà con bán đi. Do đó, giờ nóc Xơ Rơ tổ chức lễ hội thì vắng tiếng bóng cồng chiêng, mất đi nét văn hóa của dân tộc Ca Dong.

Trước thực trạng đó, kiếm được tiền, ông Trình đổ vào mua chiêng cổ nhằm bảo tồn nét văn hóa của nóc mình. Hiện ông Trình đang sở hữu đến hàng chục cái chiêng có giá trị vài trăm triệu đồng.

15-01-51_nh-3
Bộ chiêng cổ ông Trình mua được từ tiền bán bò

Ông Trình bảo, chiêng là thứ báu vật của người Ca Dong, nó là nhạc cụ chính trong các tiết mục văn nghệ. Nếu Tết đến, lễ hội về mà không có tiếng chiêng, tức là không có lễ hội. Nhưng ở đây, vì đói khổ mà bà con không gìn giữ được. Thấy họ bán, ông tiếc lắm, nhưng tiền không có nhiều để giữ lại.

Hiện ông sưu tập được 6 bộ cồng chiêng, mỗi bộ có nhiều cái, tất cả cổ vật này do ông bán bò để mua. Từ ngày ông có chiêng thì lễ hội của người Ca Dong được ông mang ra sử dụng, họ đánh chiêng, uống rượu nhảy múa thâu đêm.

“Dù có nghèo khó tôi quyết giữ 6 bộ chiêng này. Sau này tôi qua đời thì để con cháu trông coi. Có nhiều người đến hỏi mua nhưng tôi đều từ chối. Có người còn năn nỉ sẽ đổi vài con bò để lấy bộ chiêng, nhưng sao tôi bán được, đây là bộ chiêng của người Ca Dong tại nóc Xơ Rơ còn sót lại”, ông Trình nói.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.