| Hotline: 0983.970.780

Người hiếm

Thứ Bảy 21/04/2018 , 08:01 (GMT+7)

Bao giờ anh cũng điện thoại báo trước để chúng tôi không thấy đường đột. Anh sẽ có mặt khoảng ngày này giờ này và sẽ ở lại hay không. Với anh thì một là một, kế hoạch đâu ra đó, đừng nài ở thêm.

Đã có thể hình dung anh xuất hiện như thế nào. Bởi anh luôn luôn như vậy. Không phải công thức mà là trang trọng, không thay đổi. Ví như sẽ là nón nỉ (người miền ngoài gọi là mũ cứng) từ thời thuộc Pháp, dân công chức hay trung lưu ưa dùng. Ví như áo sơ mi sẽ rất trắng, để suôn. Ví như quần tây màu tối vải mềm, phẳng vừa phải. Ví như xăng-đan chứ không phải dép lê. Ví như trong túi áo luôn có khăn mùi-soa và cây viết…

Đừng nghĩ anh là cán bộ, ít ra cũng cấp xã. Không, anh chưa một ngày làm cán bộ. Anh thuần túy nông dân. Thời hợp tác xã toàn miền Bắc anh có làm tổ đội gì đó. Khi hợp tác hóa tan, anh vẫn còn vườn hương hỏa, khoảng một ngàn mét vuông ở ven một thị xã nổi tiếng gió Lào. Nhà gỗ thấp, nền đất nện cho mát, nhưng sân thì tráng xi măng cho sạch và căn bếp của anh có “văn minh miệt vườn” dù anh không liên quan đến miệt vườn Nam bộ. Nghĩa là anh làm cho bà vợ cái bếp đứng, có ống khói, có lắp quạt nhỏ khi nhóm củi. Nói chung anh thật khác thường so với những người chung quanh.

Đến nhà chúng tôi ở Thủ đô, anh an nhiên như một thành viên quen thuộc chứ không tỉnh lẻ chút nào. Ăn uống, chuyện vãn, tiếp khách cùng, đọc báo và đọc sách. Anh mang cho chúng tôi cái cốt cách mà anh hằng sở hữu. Tôi nhớ những lần cùng chồng về quê và tạt qua thăm anh. Anh không họ hàng nhưng là một trong những địa chỉ mà chúng tôi muốn đến để chiêm ngưỡng. Vườn nhà cây táo cây mít cây bưởi cây na. Ao nhà cá chép cá trắm. Khoảnh sân đủ nắng để đánh luống cho các loại rau theo mùa. Và căn bếp sạch lau ly. Còn nhớ khi đó anh hái nhanh vào một rổ táo xanh. Tự tay anh đi rửa và cũng tự tay anh lau sạch từng quả táo bằng cái khăn rất trắng. Ôi anh!

Sao người như anh bỗng thành người hiếm? Tôi nhớ thời thơ bé của mình cách nay hơn nửa thế kỷ. Xóm Vịnh của quê tôi cũng không thiếu những ông chủ áo rất trắng như vậy. Vườn của họ cũng ngăn nắp như vậy. Và khuôn viên của họ cũng đẹp trong mơ như vậy. Chiến tranh tàn phá ư? Nhưng chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ rồi mà. Vậy thì do đâu?

Tôi tìm kiếm và nhận ra không hoàn toàn do xáo trộn đất đai sở hữu. Vẫn còn những nếp nhà và nếp vườn như ông anh kết nghĩa kia. Nhưng chúng lác đác, không làm nên một diện mạo chung. Ở những chỗ đó thường phải còn một người đàn ông vững chãi, tao nhã, kiên gan trước những dời đổi biến động. Nhưng số ấy không nhiều. Đàn bà góa do chồng đi chiến chinh hoặc chồng bệnh tật, số ấy khá đông. Còn lại những người trẻ và họ biến thành đàn ông trẻ trong ngôi nhà nhỏ của họ, số này áp đảo nhưng bấp bênh, đứng núi này trông núi nọ, bia rượu xỏ mũi và nhiều tệ nạn khác nữa. Nhưng hình như đó chỉ là nguyên do bề nổi mà chúng ta dễ thấy.

Tôi nhớ những ly rượu tao nhã của ông nội mình với những người cùng lứa tri điền như ông. Tôi nhớ tiếng chày ông nện đất cho nền nhà láng như tráng xi măng. Tôi nhớ tiếng cắt cây hàng rào vào những buổi chiều thanh bình thấm đẫm. Sao bây giờ người trẻ khinh ly rượu nhỏ, khinh lá dừa nước, khinh cây hàng rào… và từ đó họ không coi trọng những tiểu tiết làm nên cuộc sống thanh bần mà thong dong nữa?

Có một sự đứt gãy lẽ sống, tôi cam đoan như vậy. Hồi ông tôi, hay là hồi anh kết nghĩa của tôi đây đều nghèo khó chứ, nhưng lẽ sống lành cho sạch rách cho thơm. Bây giờ lành không sạch mà rách thì nát luôn. Sao vậy? Sự đứt gãy ấy là đứt gãy văn hóa, văn hóa trong tổng thể gồm triết lý sống, lý tưởng sống và nếp sống. Có đúng vậy không? Một sợi chỉ xuyên suốt hiện tại là giả thật lẫn lộn, từ trên cao đến chí dưới thấp, ngước lên thấy sợ, nhìn xuống thấy đau, nhìn ngang thấy hỗn loạn, bất lực.

Ông anh mà chúng tôi gọi là người hiếm cũng đã về trời. Những người cuối cùng của thế hệ có Nho giáo về đạo nghĩa và có Tây học trong dấu ấn và có cả một tâm hồn Việt trong cốt cách đã lần lượt vĩnh biệt chúng ta. Không thấy những hạt giống của họ nảy mầm. Môi trường cằn khô ô trọc đến thế sao? Những người đàn ông trẻ sẽ thành những ông lão như thế nào nhỉ? Chắc chắn họ không sống chậm. Chắc chắn họ không thanh cảnh. Và chắc chắn họ thành thạo tiện ích công nghệ nhưng bon chen, bất cần, thậm chí giẫm đạp để sinh tồn.

Thời đã khác thì con người cũng khác. Con vật còn biến đổi để thích nghi huống chi con người. Biết vậy nhưng mà vẫn tiếc cho việc không còn một thế hệ mà nhìn họ ta thấy bình yên, muốn nghiêng chào và chiêm ngưỡng.

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm