| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm hùm cần theo dõi diễn biến môi trường

Thứ Sáu 12/11/2021 , 16:17 (GMT+7)

Hiện trong mùa mưa bão, người nuôi tôm hùm cần thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, sự phân tầng của nước để xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Theo bản tin dự báo từ nay đến ngày 20/11, các tỉnh Nam Trung bộ, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: XT.

Vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: XT.

Trong khi đó, theo Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên) thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu vào ngày 11/11 cho thấy, một số chỉ số môi trường nước không phù hợp cho nuôi tôm hùm lồng, bè. Đặc biệt hàm lượng DO (lượng oxy hòa tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của sinh vật nước) tại các vùng nuôi như Dân Phú 1 và Phước Lý đang rất thấp so với ngưỡng giới hạn cho phép.

 Vì vậy, Trung tâm Giống nông nghiệp khuyến cáo người nuôi nên ghim lồng tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5 - 2m để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi. Trường hợp cần thiết, người nuôi có thể sục khí tạm thời (viên tạo bọt) và hạn chế đưa lồng, bè nuôi lên tầng mặt, vì mưa lớn dễ làm nước tầng mặt bị ngọt hóa. Cùng với đó gia cố lại hệ thống dây neo, phao, khung lồng và lưới lồng tránh khi có gió giật mạnh.

 “Vùng nuôi Phước Lý - Xuân Yên đã và đang có các chỉ số môi trường nước không thuận lợi và đặc biệt DO rất thấp so với ngưỡng giới hạn cho phép. Do đó, người nuôi nên di chuyển lồng, bè nuôi đến vùng nuôi an toàn khác tạm thời trong thời gian mưa, bão này”, Trung tâm Giống nông nghiệp lưu ý người nuôi ở khu vực này.

Cùng với đó, Trung tâm Giống nông nghiệp còn khuyến cáo các hộ nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước, chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước về nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan, cũng như thường xuyên lặn, theo dõi, kiểm tra theo sức khỏe thủy sản nuôi để có những giải pháp xử lý kịp thời. Khi môi trường có những biến đổi bất thường cần phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần giãn khoảng cách giữa các lồng nuôi và tăng cường vệ sinh lồng, bè nuôi như thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm và các bao đựng thức ăn đưa vào đất liền xử lý chất thải theo đúng qui định, nhằm tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi và vùng nuôi.

Người nuôi nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng, định kỳ nên bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh.

Người nuôi nên thu hoạch tôm hùm nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm. Ảnh: XT.

Người nuôi nên thu hoạch tôm hùm nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm. Ảnh: XT.

Theo ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, hiện vào mùa mưa, bão. Do vậy, người nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, để nắm tình hình diễn biến thời tiết. Từ đó đưa ra những biện pháp ứng phó tốt nhất khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến thủy sản nuôi nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Bên cạnh đó, thời điểm này, người nuôi nên xuất bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm và hạn chế thả nuôi mới. Cùng với đó nên san thưa mật độ tôm nuôi…nhằm giảm bớt chi phí thức ăn, tránh những tổn thất khác do biến cố môi trường xảy ra.

Được biết, toàn tỉnh Phú Yên hiện có 107.980 ô lồng với 2.555 bè, trong đó TX Sông Cầu 82.696 ô lồng (2.018 bè).

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.