| Hotline: 0983.970.780

Người phụ nữ 40 năm chịu đau đớn vì u mọc thành chùm

Thứ Năm 26/09/2019 , 09:14 (GMT+7)

Chị không biết mình bị bệnh gì, những khối u to như những quả sung mọc khắp mặt, người và tay chân, không chỗ nào là không mọc. Hơn 40 năm qua chị chịu đựng nỗi đau đớn và ánh mắt sợ hãi của mọi người…

19-24-59_1
Chị Trần Thị Vĩnh trước ngôi nhà dột nát.

Tên chị là Trần Thị Vĩnh, sinh năm 1967, thôn Đồng Sâm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Chị buồn rầu kể cho tôi nghe: Khi cha mẹ sinh tôi ra, tôi cũng bình thường như anh em trong gia đình, năm lên 9 tuổi thì thấy một khối u mọc trên cổ, khối u mỗi ngày một to khiến tôi không thở được, nên bố mẹ tôi vay mượn khắp làng đưa tôi xuống Hà Nội chạy chữa, bệnh viện cắt bỏ khối u đó.

Sau khi cắt xong được vài năm thì các khối u mọc khắp người như những chùm sung, trong đó có một khối u lớn mọc ở trên cánh tay phải, bố tôi lại đưa xuống bệnh viện dưới Hà Nội để cắt bỏ, khi cắt được khối u đó thì tay tôi bị liệt, giờ chỉ cầm nắm bằng bàn tay trái thôi. Cũng chẳng làm được việc gì nặng, bởi đôi tay của tôi mọc đầy khối u, hễ dính nước là sưng tấy lên, đau đớn vô cùng…

Chị Vĩnh là con út trong nhà, mọi người đã lấy vợ lấy chồng ra ở riêng, chị ở với mẹ trong ngôi nhà lợp cọ, mái đã mục nát nhưng chưa có tiền để lợp lại. Mùa đông năm 2016, mẹ chị là cụ Lê Thị Thìn 91 tuổi nhờ con cháu lợp lại cái bếp, khi mọi người về hết cụ gom rác vào cái hố sau nhà đốt, chẳng may trượt chân ngã vào đống lửa bị bỏng toàn thân phải đưa xuống bệnh viện chạy chữa, nhưng ít ngày sau thì mất.

Từ đó tình cảnh của chị càng trở nên bi đát, ngôi nhà lợp cọ vách nhà phía trước thưng gỗ nhưng đã bị mọt thủng lỗ chỗ, phía sau thưng vách nứa, chị phải xin giấy báo về dán cho kín gió. Mùa hè còn đỡ, mùa đông lạnh vô cùng, bởi nền nhà vẫn là nền đất lúc nào cũng ẩm ướt.

Tôi ngó vào trong buồng thấy có hai bao thóc chừng 60 kg, tôi hỏi: Nhà chị có ruộng không, sao chỉ có chừng này thóc thôi? Chị Vĩnh bảo: Nhà tôi có 3 sào ruộng, do tay chân như thế này không làm được, nên cho người ta cấy chia. Mỗi năm họ trả 1 tạ thóc, ăn dè sẻn cũng tạm đủ ăn.

19-24-59_2
Gương mặt chị Vĩnh đầy những khối u.

Chị Vĩnh được hưởng trợ cấp người khuyết tật 540.000đ/tháng, ngoài ra chẳng có nguồn thu nào khác, vì thế ngôi nhà của chị mưa dột tứ tung vẫn phải chịu. Hôm rồi tôi gửi hình ảnh chị cho bà Bùi Thị Mỵ, em gái liệt sĩ nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đã nghỉ hưu.

Qua chị Mỵ, tiến sĩ Nguyễn Thu Minh, Phó khoa Dược bệnh viện Bạch Mai đã gửi chị Vĩnh 1 triệu đồng. Tôi mang số tiền đó trao cho chị, chị mừng đến rơi nước mắt. Đó là số tiền lớn nhất trong đời chị nhận được. Chị nhờ tôi chuyển lời cảm ơn tới bà Mỵ và tiến sĩ Nguyễn Thu Minh.

Điều chị Vĩnh mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ để chị sửa chữa lại ngôi nhà đã dột nát. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, điện thoại 036.902.4447.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm