| Hotline: 0983.970.780

Người thân của thổ cẩm, người thương của làng Tày

Thứ Năm 16/03/2023 , 06:15 (GMT+7)

Tình yêu thổ cẩm của chị Ngô Thị Phin đã giúp chị biết cách đưa nó vào đầu người già, người trẻ ở xóm bản, trở thành một phần văn hóa, hồn cốt của làng.

z4165424617211_9351674c17e87bf5f8d6be3e4ef0fa90

Chị Ngô Thị Phin, bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ảnh: Đào Thanh.

Người thân của làng Tày

Chị Ngô Thị Phin là người dân tộc Tày ở thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) vốn là giáo viên mầm non cắm bản. Những năm 90 của thế kỷ trước, chuyện cho trẻ em đi học mầm non ở các bản làng quê chị lạ lẫm như chuyện người làng leo được lên ngọn núi Pắc Tạ cao nhất vùng mà chưa ai từng đặt chân tới.

Bởi trong đầu của người dân ở Thượng Lâm luôn luẩn quẩn câu hỏi: Việc giao con cho người lạ chăm sóc không biết có chăm con mình tử tế không? Thôi cho bọn trẻ ở nhà, đứa chị chăm đứa em vừa yên cái bụng đi nương lại vừa không mất tiền hàng tháng. Tiền ấy mua được bao nhiêu là rượu ngô.

Người làng không cho trẻ đi học, chị Phin đến từng nhà vận động. Miệng nói bên ấm trà xanh chưa xong thì chị xuống ruộng cấy lúa, lên nương tra ngô cùng người làng. Người bố, người mẹ của đám trẻ nhỏ to với nhau rằng, cô giáo Phin làm thế thì lòng người bản đâu phải hòn đá trên núi mà cứ cứng mãi được. Thế là lần lượt các nhà cho đám trẻ đến trường.

Từ ngày đi học, đám trẻ đứa nào đứa nấy người thơm tho vì thường xuyên được cô giáo Phin giúp tắm gội. Má chúng phúng phính hẳn lên vì được ăn đủ bữa ngủ đủ giấc. Người bố người mẹ yên tâm chăm chỉ làm nương để mong cây bắp sớm mẩy hạt còn kịp mang biếu cô giáo Phin vài quả.

z4165424588776_ba4d7df3ea09a1c4c3c919954c37749a

Thổ cẩm là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Tày ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Khi đám trẻ người chẳng còn mùi hôi, đầu đã bớt chấy, người làng thấy cô giáo Phin gần gũi như người thân thì cũng là lúc nghe được tin cô giáo Phin phải nghỉ dạy học. Đó là vào đầu những năm 2000, trong một lần đi dậy học, chị Phin bị tai biến phải nhập viện cấp cứu. Sau lần tai biến ấy, đôi bàn tay 10 ngón của chị chỉ còn 7 ngón hoạt động được bình thường. Đôi chân vốn chẳng sợ đồi cao, núi dốc nay leo con dốc nhỏ đến điểm trường cứ thấy chân mỏi mãi mà chưa đến nơi thì chị đành xin nghỉ việc dạy học, đành xa lũ trẻ thân yêu.

Chị Phin bảo với chúng tôi rằng, không còn được đến lớp nữa, nhưng đổi lại cho chị trong những tháng ngày dạy học là tình yêu của những người già, người trẻ ở các bản làng. Đặc biệt là tình yêu và quyết tâm phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cha ông. Bởi trong những lần làm thân với xóm làng, chị Phin thấy ở mỗi gia đình những chiếc khung cửi để lăn lóc cũ mèm bên góc nhà rất xót xa.

Thổ cẩm “sống” trong đầu người làng

Chị Phin nghĩ, không thể để thổ cẩm chỉ còn ở lác đác trong đầu của người già trong làng, chỉ sống động trong đôi tay của các bà, các mẹ. Phải để nghề dệt thổ cẩm chui được vào đầu đám trẻ, như một phần văn hóa, hồn cốt của làng. Bởi thế, sau khi gượng dậy được từ lần tai biến, việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê mình như những con gió núi cuồn cuộn lên trong đầu chị Phin. Năm 2011, tổ dệt thổ cẩm đã được chị Phin thành lập.

Biết tin cô giáo Phin đã khỏe và lập tổ nhóm dệt thổ cẩm, người dân ở bản thấp, bản cao của xã Thượng Lâm ai cũng vui mừng và ủng hộ cô giáo. Bởi thế, dù là các khung cửi đã vứt ở xó cửa rồi, nhưng người ở các bản thà để mục ruỗng chứ không cho ai nếu cái bụng không ưng. Nhưng với cô giáo Phin thì khác, cái bụng cô tốt với đám trẻ trong bản và người làng nên người làng đồng tình ủng hộ và nghe theo.

z4165424607425_5888980898f63eca32287619e556203b

Hiện nay tổ dệt thổ cẩm của chị Ngô Thị Phin ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình có 47 thành viên. Ảnh: Đào Thanh.

Nhưng người làng cũng nhen lên nhiều mối lo. Bởi hiện nay, chăn màn, quần áo… của người miền xuôi đã ùn ùn lên theo chiếc xe ô tô có sức kéo bằng cả mấy con trâu cộng lại. Chỉ một buổi nghỉ việc nương xuống núi đã mua đủ đồ cho cả nhà dùng quanh năm. Vì thế chuyện cô giáo Phin quyết tâm phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của ông cha chẳng biết nên mừng hay nên lo.

Mối lo của người làng đã trở thành sự thật. Những sản phẩm thổ cẩm của chị Phin làm ra lúc đầu vì yêu mến chị một số người làng mua ủng hộ. Nhưng càng về sau, sản phẩm làm ra chất đầy như đống củi trong góc nhà mà chẳng ai hỏi tới. Không chỉ người làng, mà nhiều chị em trong tổ dệt thổ cẩm cũng tỏ ra ái ngại.

Dù khó khăn, nhưng chị Phin vẫn mua hết các sản phẩm của chị em trong tổ nhóm. Thiếu tiền chị vay thêm ngân hàng để lấy hàng giúp chị em duy trì sản xuất. Rồi chị Phin xin phép chồng cho đi một chuyến du lịch xem các nơi dệt thổ cẩm gắn với làng du lịch họ bán như thế nào. Nhiều người nhìn thấy được nhiệt huyết của người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao đã truyền kinh nghiệm làm dịch vụ du lịch, trong đó đặc biệt là việc phải biết thổi hồn quê hương vào những hộ gia đình ở thôn bản. Bởi nếu muốn giữ được bản sắc và lan truyền thì người quê mình phải biết yêu văn hóa quê mình trước đã.

Sau chuyến đi ấy, chị trở về tỉ tê với người làng rằng, từ bao đời nay tấm thổ cẩm vẫn sống thân thuộc với người Tày ở Thượng Lâm. Nhưng vì cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đã để nó bị chở đi theo những chuyến hàng của người xuôi mà để quên mất nét xưa hồn cũ. Hoa văn của núi rừng quê hương, đã làm từ bàn tay khối óc, rất giỏi của ông bà tổ tiên sáng tạo sao ta lại làm cho nó mai một. Giống như hoa cây phay mọc bạt ngàn trên rừng, tồn tại trên hoa văn của tất cả các sản phẩm thổ cẩm. Loài cây phay gắn bó với bản làng, từ khi mỗi đứa trẻ sinh ra, đến khi trở về với đất được người ta dùng làm áo quan… chưa khi nào bỏ người làng thì người làng cũng không thể để nghề dệt của mình bị mai một.

z4165424601873_36307ae5b50c92b70ef21500bbc2f202

Các sản phẩm thổ cẩm của tổ dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm được bày bán, giới thiệu tại lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình năm 2023. Ảnh: Đào Thanh.

Nghe chị Phin nói hay, lại nói đúng ý của người làng thì nhiều người làng đã ủng hộ cô giáo Phin. Từ nhà này lan truyền sang nhà khác, từ chỗ khó khăn, sản phẩm thổ cẩm của chị Phin trở thành đắt hàng không kịp làm. Giờ đây mỗi khi làng có việc lớn, từ đám cưới, đám tang, đến các ngày lễ lớn đều thấy các sản phẩm thổ cẩm của cô giáo Phin xuất hiện.

Nâng đỡ những phận nghèo

Tổ dệt thổ cẩm của chị Ngô Thị Phin có 47 thành viên đều là những phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Họ được chị giúp đỡ để nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống. Chị tìm đến họ bởi chị muốn ước mơ tình yêu thổ cẩm của mình được lan tỏa trong xóm làng. Để có thêm nhiều người hiểu được rằng, với người Tày mà thiếu thổ cẩm trong ngày cưới, ngày lễ lớn chẳng khác nào cơ thể con người thiếu thứ gì đó không đầy đủ một hình người trọn vẹn.

Bà Quan Thị Thùy ở thôn Nà Lung, xã Thượng Lâm năm nay đã 75 tuổi. Bà Thùy có chồng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ, năm 1977 ông xuất ngũ về làng. Ngày ông trở về, món quà ông mang về cho đất nước là hòa bình thống nhất. Còn lấp đầy hai hõm mắt quầng sâu mòn mỏi của bà là hình ảnh người chồng gầy yếu, bệnh tật. Rồi sau đó không lâu ông mắc bệnh ông thư bỏ lại bà với bầy con nhỏ ốm đau kiệt quệ và mái nhà dột khắp nơi chỗ nào gió cũng có thể lùa vào, khiến cái nghèo đèo theo cái khổ mà bám lấy cuộc đời bà.

Nhà bà Thùy nghèo đến mức chẳng có nổi một tiếng gà kêu. Chẳng ai dám cho bà vay tiền bởi họ sợ bà vay không thể trả nổi vài nghìn chứ chưa nói đến tiền trăm, tiền triệu. Vậy mà chị Phin đã đến giúp bà, cho bà vay cả triệu đồng. Nhưng chị Phin bảo tiền đấy không được lấy mua gạo ăn hết, mà phải mua sợi bông để dệt thổ cẩm, để thổ cẩm biết đẻ ra tiền, có tiền mà trả nợ rồi duy trì cuộc sống.

z4165424638328_a8d423fb6a489e47542bac5aedb743d7

Tham gia tổ dệt thổ cẩm, bà Quan Thị Thùy ở thôn Nà Lung, xã Thượng Lâm có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống. Ảnh: Đào Thanh.

Lần đầu tiên có người cho bà Thùy vay nhiều tiền khiến bà trăn trở. Bởi cầm tiền thì dễ nhưng để nó đẻ ra được thêm đồng tiền nữa khiến cái đầu bà thao thức bao đêm. Nhưng chị Phin đã giúp bà, đã cho bà vay thêm tiền và bảo bà cứ dệt thổ cẩm như những ngày còn con gái bà đã từng dệt, nay thêm một số đường nét hoa văn cho tinh xảo, bắt mắt. Sau nhiều ngày tự mày mò và được chị Phin đồng hành, bà Thùy đã có những sản phẩm thổ cẩm của riêng mình, đã có tiền trả nợ cho chị Phin và trở thành thành viên tích cực của tổ nhóm dệt thổ cẩm.

Ngoài bà Quan Thị Thùy thì trong tổ dệt thổ cẩm mỗi người là một hoàn cảnh éo le. Như chị Hỏa Thị Thái ở thôn Bản Bó có con bị tai nạn giao thông 3 năm nay phải nằm một chỗ khiến chị chẳng thế rời xa để đi làm. Tham gia tổ dệt thổ cẩm, chị có thể ngồi bên khung cửi vừa dệt thổ cẩm, vừa trông con. Chị Nguyễn Thị Ỷ ở thôn Nà Bản, từ khi sinh ra 1 bàn tay đã không có ngón nhưng lại là người dệt thổ cẩm nhiều và đẹp nhất nhì tổ dệt thổ cẩm…

Chị Phin chia sẻ, để tập hợp được chị em trước hết phải đoàn kết, nhiệt tình cùng nhau làm và gúp đỡ lẫn nhau. Bởi thế, các sản phẩm thổ cẩm làm ra được chị Phin bán đều cho tất cả chị em nhưng với điều kiện sản phẩm phải tốt.

z4165424658765_3a5b8e68ea7f4c29f5f60605f2131511

Một số bạn trẻ người Tày ở Lâm Bình đã yêu thích và muốn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Đào Thanh.

Đợt áp Tết Nguyên đán vừa rồi, nhiều chị em chưa đến lượt được mua sản phẩm nhưng thiếu tiền ăn Tết, chị đã chủ động ứng tiền mua sản phẩm cho họ. Chị bảo, phải chịu sự thiệt về mình. Mình còn hơn nhiều người khác bởi nếu mình khó khăn đã có chồng, có con làm điểm tựa. Hơn nữa nếu chị buông, không cung cấp sợi thì các chị em trong tổ sẽ nản và ước mơ khôi phục nghề dệt của quê hương cũng bị đứt gẫy như sợi bông se dệt bị đứt mà chẳng thể dệt nổi thành một khuôn vải nên hình, nên dáng.

Một mùa xuân mới đã về trên khắp nẻo của quê hương Lâm Bình và cũng là mùa mà địa phương này có nhiều hoạt động quảng bá phát triển du lịch thu hút nườm nượp từng đoàn khách phương xa về đây. Chị Phin và những thành viên trong tổ dệt thổ cẩm của mình vẫn tiếp tục miệt mài công việc bên khung cửi, kiên trì giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày và sẵn sàng trao cho du khách những món quà thổ cẩm tuyệt đẹp của quê hương được làm ra bằng cả tình yêu, bằng giọt mồ hôi mặn mòi từ bàn tay khéo léo của những phụ nữ người Tày.

Tổ dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm của chị Ngô Thị Phin có 47 thành viên đều là chị em phụ nữ. Trung bình mỗi thành viên có thu nhập từ 1,7 đến 2 triệu/tháng từ tiền bán thổ cẩm.

Nhờ sản phẩm có chất lượng nên đã có nhiều đơn hàng lớn của chính quyền địa phương và khách du lịch, trong đó có cả những đơn được gửi đi các nước như Singapore, Nga làm quà tặng.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.