| Hotline: 0983.970.780

Nhà máy chế biến tinh bột sắn xả thải hành dân

Thứ Ba 20/01/2015 , 06:45 (GMT+7)

Quanh năm suốt tháng phải hứng chịu ô nhiễm nghiêm trọng từ Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành, đã nhiều lần dân gửi đơn lên cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp, nhưng chẳng ăn thua gì...

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành (thuộc Tổng Công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp tại Nghệ An, đóng trên địa bàn xóm 2, xã Công Thành, huyện Yên Thành), trong quá trình hoạt động luôn gây ô nhiễm khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Chịu không nổi, bà con đã nhiều lần gửi đơn lên cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp nhưng cùng lắm là yên ổn được dăm bữa nửa tháng rồi đâu lại vào đấy, mà điển hình là vụ xả thải gần đây khiến cho cá chết hàng loạt...

Theo phản ánh của người dân xóm 3, xã Công Thành, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành đã không tuân thủ đúng quy trình, xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra bên ngoài nên tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng: “Nhà máy tồn tại hơn 10 năm nay, tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân lao động của địa phương, đó là việc đáng khen.

Nhưng cách thức vận hành của họ thật không thể nào chấp nhận được, nước thải ra luôn có mùi hôi thối nồng nặc, trời nắng thì buốt lên tận óc, mưa thì nước bẩn chảy tràn lan khắp nơi”, một người dân bức xúc cho biết.

Khu vực sản xuất của nhà máy nằm ngay sát đường QL 7A. Phần giáp ranh với khu đất sản xuất hoa màu và ruộng lúa của người dân là 2 hố chứa nước thải của cơ sở này, với diện tích ước chừng lên đến cả nghìn mét vuông. 2 hố chứa nước thải được đào đắp khá sơ sài, cũng không lót đáy bằng chất liệu chống thấm, dưới hố chứa đầy chất thải có màu đen kịt, nước nổi váng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Hướng về phía dưới là một cống xả thải lớn, nước thải chưa qua xử lý cứ thế chảy tự do vào đây rồi xuống con mương dân sinh liền kề. Cần biết rằng, con mương này chảy từ phía thượng nguồn đi qua địa bàn các xóm 2, 3 xã Công Thành đến các xã Khánh Thành, Viên Thành, Bảo Thành, tiếp tục chảy qua một số địa phương của huyện Diễn Châu trước khi đổ ra sông Bùng.

Sự việc này được chính ông Hồ Phi Hòe – Chủ tịch UBND xã Công Thành xác nhận: “Ô nhiễm môi trường do Nhà máy sắn Yên Thành gây ra là có thật. Thông tin cá chết hàng loạt ngày 2/12 mà người dân phản ánh không sai”.

15-58-07_nh-1
Nước thải ngấm ra ngoài hàng rào Nhà máy

Ông Hòe cho biết thêm, tại các cuộc tiếp xúc cử tri hay họp HĐND cũng có nêu lên nhưng chỉ mới kiến nghị… bằng miệng chứ chưa thấy có văn bản chính thức nào!

Còn ông Nguyễn Đức Thiện – Trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Thành lại cho rằng: Trước đây do chưa có hệ thống xử lý nước thải nên quá trình hoạt động của Nhà máy đã tác động nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên, kể từ khi đầu tư hệ thống xử lý của Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) năm 2010 thì tình hình đã giảm đi nhiều...

Dân kêu trời, trong khi chính quyền sở tại và cơ quan chức năng lại thờ ơ đứng ngoài cuộc. Với thực trạng này thì xem ra viễn cảnh khắc phục ô nhiễm của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành còn lâu mới có hồi kết.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.