Mô hình được Hội đồng Khoa học tỉnh Quảng Bình đánh giá cao và sẽ được triển khai nhân rộng cho bà con nông dân trong toàn tỉnh.
Cây nghệ có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và ít sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc đơn giản. |
Qua quá trình thực hiện trên 1 ha đất đồi dốc, cao cưỡng, kết quả cho thấy giống nghệ đỏ có thời gian sinh trưởng 10 tháng, sản lượng thu hoạch đạt 22 tấn/ ha. Trong đó, THT Văn Thủy bảo quản 5 tấn giống cho vụ sau, còn lại 17 tấn sử dụng chế biến tinh bột, thu về 1.020 kg tinh bột nghệ đỏ bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Như vậy, trên diện tích 1ha, THT thu được lãi ròng gần 122 triệu đồng, giúp giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương.
Là loại cây trồng có giá trị về dược liệu, gia vị, thực phẩm, cây nghệ có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và ít sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Mục tiêu của mô hình nhằm xây dựng quy trình trồng và chế biến tinh bột nghệ, tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ đỏ, từng bước xây dựng thương hiệu tinh bột nghệ cho các địa phương miền núi ở huyện Lệ Thủy và hướng tới đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Hiệu quả của mô hình sẽ khuyến cáo người dân nhân rộng, từng bước chuyển đổi đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng nghệ.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Bình tiến hành chuyển giao công nghệ cho các đơn vị liên quan nhằm nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả, cần hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ từ người nông dân trồng nguyên liệu, chế biến tinh bột…đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến chênh lệch lớn về cung, cầu…