Thống đốc bang Nebraska, ông Pete Ricketts. |
Theo Cục đặc trách xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp Mỹ, kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ sang Việt Nam tăng 57,8% từ 2,5 tỷ USD năm 2017 lên 4 tỷ USD năm 2018. Với Nebraska, chỉ tính riêng thịt bò, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 vào Việt Nam chỉ là 5,4 triệu USD nhưng đến 2018 con số này lên đến 12,3 triệu USD, tăng 127%.
Thống đốc Pete Ricketts cho biết Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với 100 triệu dân, có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản cho Nebraska.
Ngày 5/9, khi đang có chuyến công tác tại Việt Nam, ông Ricketts trả lời phỏng vấn NNVN để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thưa Thống đốc Ricketts, Nebraska và Việt Nam có quan hệ thương mại mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, vậy mục tiêu lớn nhất của ông trong chuyến công tác này là gì?
Trước tiên, tôi muốn bày tỏ lòng cảm kích của mình với người dân Việt Nam, họ đã cho chúng tôi có cơ hội mở rộng kinh doanh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, qua chuyến thăm này, Nebraska muốn mở rộng hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Bên cạnh thúc đẩy thương mại, chúng tôi cũng mong muốn mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, con người hay quan hệ giữa các địa phương.
Hiện nay, đậu tương và thịt bò là 2 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất từ Nebraska vào Việt Nam, vậy mặt hàng nào sẽ được phát triển thêm trong tương lai, thưa ông?
Ngoài đậu tương và thịt bò, chúng tôi có thể nhìn thấy tiềm năng về xuất khẩu ngô và thức ăn chăn nuôi vào Việt Nam trong bối cảnh ngành chăn nuôi của các bạn đang ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, thịt lợn cũng là mặt hàng được xem xét để tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam. Như các bạn đã biết, thịt lợn là món ăn truyền thống của người Việt và cung cấp chủ yếu lượng protein trong các bữa ăn.
Ethanol cũng là một sản phẩm chúng tôi muốn đưa vào thị trường Việt Nam. Sản phẩm này có thể thay thế xăng do giá rẻ và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Vậy kế hoạch của Nebraska để mở rộng thêm các mặt hàng này là gì?
Trước tiên, chúng tôi đang tìm cách mở rộng các mối quan hệ với chính quyền, doanh nghiệp của Việt Nam.
Ví dụ như, bang chúng tôi đã làm việc với một số nhà chức trách Việt Nam để đẩy mạnh khả năng áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, bên cạnh đó là xây dựng quy trình để tiến tới dùng chung các tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật đang áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Ngoài ra, chúng tôi mong muốn được quan tâm về vấn đề thuế quan, để tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ và các nước khác. Các doanh nghiệp Nebraska cũng mong muốn chính phủ 2 nước làm việc chặt chẽ hơn, xóa bỏ một số rào cản còn tồn tại để đẩy mạnh hợp tác thương mại.
Ông có thể nói rõ hơn về những rào cản đó không?
Ví dụ như, chúng tôi đang có 26 đơn xin áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nhưng chưa được duyệt, tôi cho rằng thời gian xử lý đang bị kéo dài quá lâu.
Để đáp ứng quy mô phát triển ngành chăn nuôi của Việt Nam, chúng tôi đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu thức ăn, tuy nhiên, quá trình đăng ký các sản phẩm được xuất khẩu cần phải nhanh hơn nữa.
Có thể thấy, Nebraska đang đó nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, vậy ở chiều ngược lại, cơ hội nào cho nông sản Việt, thưa Thống đốc?
Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản sang Mỹ. Ví dụ như về thủy hải sản có cá da trơn, tôm, về nông sản có hạt điều, cà phê. Đây đều là những sản phẩm mà thị trường Mỹ nói chung và Nebraska có nhu cầu rất lớn.
Chưa kể đến, bang chúng tôi cũng là một địa điểm lý tưởng để các doanh nghiệp Việt phát triển thị trường ở Mỹ. Với vị trí trung tâm, từ Nebraska có thể tiếp cận đến 90% nước Mỹ bằng xe tải trong 2 ngày. Ngoài ra, bang chúng tôi có cộng đồng người Việt khá lớn, tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ 3 nên nếu các bạn đầu tư vào đây, sẽ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ.
Xoài là một trong những nông sản Việt được xuất khẩu sang Mỹ. |
Mở rộng hơn, trong thương chiến Mỹ - Trung hiện nay, theo ông, có xuất hiện cơ hội cho các sản phẩm Việt Nam không?
Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu đậu tương lớn nhất của Nebraska tuy nhiên chúng tôi nhận ra phải thay đổi điều này để tránh phụ thuộc. Bằng cách mở rộng thị trường, trong đó có Việt Nam, chúng tôi đã phần nào giả quyết được vấn đề này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đứng trước nhiều nguy cơ của chiến tranh thương mại và đây là cơ hội để nông sản Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ.
Vậy để tham gia các chuỗi cung ứng này, nông sản Việt phải đảm bảo những tiêu chuẩn gì?
Đương nhiên là sẽ có nhiều tiêu chuẩn sẽ được áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các nhà sản xuất của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các điều kiện này.
Hiện nay, người tiêu dùng Mỹ rất ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt có nông sản dán nhãn hữu cơ tham gia vào thị trường Mỹ.
Xin cảm ơn ông!
Nebraska là bang có thế mạnh nông nghiệp, trong đó giá trị xuất khẩu thịt bò đứng đầu nước Mỹ năm 2017 với 1,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, các loại thịt đỏ nói chung cũng đứng đầu với giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD, tương đương sản lượng hơn 3,6 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu nông sản của Nebraska sang Việt Nam cao nhất là đậu tương, đạt 105,7 triệu USD, sau đó là thịt bò, đạt 12,3 triệu USD trong năm 2018. |