| Hotline: 0983.970.780

Nhộn nhịp mùa săn sùng đất, được đồn thổi có tác dụng 'tăng sức mạnh đàn ông'

Thứ Hai 23/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Chớm đông, khi trời bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa là cư dân sống cạnh những bãi bồi ven sông An Lão (huyện An Lão, Bình Định) cũng bắt đầu vào mùa săn sùng đất.

Vào mùa này, sùng đất trưởng thành con nào con nấy mập nung núc, vàng óng, đặc quánh sữa.

13-29-50_1
Người dân dàn hàng ngang đào sùng

Trông thì không bắt mắt lắm vì chúng là loài sâu bọ nhưng thịt của nó thì đầy dinh dưỡng, nhất là khi được các đấng mày râu đồn thổi ăn sùng đất làm “tăng sức mạnh đàn ông”. Do đó, thời gian gần đây cứ đến mùa là sùng đất luôn hút hàng, giá bán lại tăng cao dần từng năm.
 

Săn sùng bảo vệ mùa màng

Những ngày cuối tháng 8 âm lịch, nhân chuyến công tác về huyện miền núi An Lão (Bình Định), đây cũng là thời điểm người dân địa phương vào mùa săn sùng đất, chúng tôi có dịp được tận mắt nhìn thấy cảnh nhộn nhịp của hoạt động săn sùng. Trời vừa tờ mờ sáng, hàng đoàn người gồm đàn ông đàn bà người già con nít ở xã An Hòa và xã An Tân kéo nhau đi về các vùng đất soi, nà ven sông An Lão. Họ đi thành nhóm, mỗi nhóm gần chục người, vừa đi vừa nói chuyện rôm rả. Đến khi mặt trời ló rạng thì những bãi bồi ven sông tập trung quân số săn sùng đất không dưới 100 người.

Đồ nghề đào sùng đất cực kỳ đơn giản, mỗi người chỉ cần mang theo 1 cái cuốc và 1 chiếc xô nhựa đổ sẵn vào đó 1 ít nước. Ra đến nơi, những người săn sùng đất dàn hàng ngang, những lưỡi cuốc vươn cao, bập xuống liên hồi trên vùng đất mênh mông. Thế là những con sùng nung núc sữa trồi lên. Những thợ săn sùng đất cúi xuống nhặt, kẹp cán cuốc vào nách, dùng 2 tay ngắt ruột con sùng rồi bỏ ngay vào chiếc xô nhựa đựng nước.

“Bắt được nó lên khỏi lòng đất nếu không ngắt ruột và bỏ vào nước ngay thì thịt của nó sẽ bị đen, mất phẩm chất, ắt nhiên là bán sẽ mất giá. Nếu không, còn có cách bảo quản khác là bỏ chúng vào chiếc thau khô, phủ lên 1 lớp đất cứ như chúng đang sống dưới đất là thịt chúng vẫn tươi ngon”, một chú bé đào sùng cười toe toét nói với chúng tôi.

13-29-50_2
Nụ cười của cậu bé mỗi khi đào được sùng

Theo những nông dân địa phương, sùng là ấu trùng của bọ hung, món ăn khoái khẩu của chúng là mía non và củ mì (sắn). Sùng chuyên ăn mía thường to bằng ngón tay cái người lớn, có màu vàng đậm. Sùng ăn mì còn “vạm vỡ” hơn, toàn thân màu trắng sữa, nung núc. Với mùa màng, sùng là “kẻ phá hoại”. Nơi nào chúng đào hang làm ổ là nương mì, rẫy mía ở đó bị chúng cắn tan tành gốc rễ, khiến cây chết khô như gặp hạn hán.

Vào thời điểm sắp đến mùa mưa, những nương mì trồng ở bãi bồi ven sông được nông dân thu hoạch để tránh lũ. Những củ mì còn sót lại trong lòng đất rủ rê lũ sùng đến kiếm ăn. Vậy là mùa săn sùng bắt đầu. Trước đây, chỉ có những chủ nương mì với nghĩ đến chuyện đào sùng với mục đích chủ yếu là tiêu diệt loại côn trùng chuyên gây hại mùa màng cho vụ sau. Đào được sùng, các bác nông phu nghĩ đến chuyện chế biến chúng thành món nhắm “lạ miệng”, đưa cay cuộc rượu giải mỏi sau những giờ lao động vất vả.
 

Giá cao vì “ông ăn bà vui”

Không biết có phải sau mỗi khi ăn sùng, các bác nông phu thấy mình “sung” hơn hay không mà sau đó sùng được “vinh danh” là món ăn cực kỳ bổ dưỡng cho “sức khỏe đàn ông”.

13-29-50_3
Vừa đào xong, sùng được rút ruột để bảo quản chất lượng thịt

Tiếng lành đồn xa, từ đó sùng bỗng dưng có giá, sức mua tăng mạnh, vậy là người dân ở đây cứ đến mùa là đổ xô đi đào sùng để bán. Giá sùng tăng dần từng năm. Nếu như mới năm trước đây, vào mùa, sùng đất tại An Lão chỉ có giá từ 80.000đ - 100.000đ/kg thì năm nay đã tăng đến 150.000đ/kg. Thế nhưng muốn mua phải đặt cọc trước với người đào, chứ sùng lúc nào cũng “hút hàng” vì cung không đủ cầu, nhất là đối với các quán nhậu đặc sản.

Nghỉ tay sau nhiều nhát cuốc liên hồi, chị Thảo, người ở thôn Tân An (xã An Tân) kể chuyện: “Mùa săn sùng ở An Lão có 2 thời điểm, thời điểm đầu từ tháng 8 âm lịch kéo dài đến mùa mưa lũ. Vào thời điểm này sùng tập trung ăn những củ mì còn sót lại trong đất sau thu hoạch, nên được gọi là sùng mì. Thời điểm sau là khi lũ lụt đã qua, những bụi lau lách ven sông bị nước lũ ngâm chết rục, lũ sùng lại tập trung ăn rễ mục của những bụi lau lách nên được gọi là sùng lách. Sùng lách ngon và bổ dưỡng hơn sùng mì. Mà sùng lách hay sùng mì gì cứ đào lên có là người ta mua ráo trọi. Bây giờ, đến mùa là nhiều thương lái ở các huyện khác đổ về An Lão lùng mua sùng về bán cho các quán nhậu”.

Cũng theo chị Thảo, lực lượng đào sùng bây giờ không chỉ có những người trong độ tuổi lao động mà cả người già con trẻ đều tham gia. Dân thuần nông nhân những ngày nông nhàn không làm gì thì vác cuốc đi đào cả buổi, cả ngày. Dân có nghề thợ mộc, thợ hồ, học sinh thì đào vào lúc sáng sớm đến giờ về đi làm, đi học, chiều mát về đào tiếp.

Người đào nhiều mỗi ngày được 3-4kg, kiếm từ 450.000đ đến 600.000đ; người đào ít mỗi ngày được 1-2kg, kiếm từ 150.000đ - 300.000đ. Quy ra công lao động thì khoản tiền này là không ít, lại chỉ làm chơi chơi chứ không nặng nhọc gì mấy. Sùng thích ăn củ mì, gốc mía, rễ hoai mục của lau lách ven sông, chất mùn trong đất, nên “giang sơn” của sùng rộng khắp cả triền sông An Lão dài đến hơn 5 cây số. Điều đặc biệt là chỉ 1 vùng đất nhưng đào đi đào lại vẫn bắt được sùng. Do đó, vào mùa săn sùng là những vùng đất bãi bồi ven sông An Lão bị băm nát bởi hàng trăm lưỡi cuốc lật qua lật lại hết đợt này đến đợt khác.

Anh Nguyễn Văn Tình ở thôn Tân An (xã An Tân), một người chuyên đào sùng để bán cho các quán nhậu đặc sản, bộc bạch: “Vợ chồng tui là dân thuần nông, xong mùa màng rảnh tay rảnh chân, thấy người ta rủ nhau đi đào sùng vợ chồng tui cũng vác cuốc tham gia. Lúc đầu tui nghĩ đào sùng về làm thức ăn cho gia đình vì đây là món lạ mà rất ngon miệng, ăn không hết thì cho gà ăn gà nhanh mập. Sau thấy nhiều người hỏi mua với giá cao, vậy là ngày nào bất kể nắng mưa, vợ chồng tui cũng mang tơi, đội nón đi đào sùng. Tiền thu được trong 2 mùa đào sùng không những giúp vợ chồng tui đủ lo quần áo, sách vở học hành cho lũ con cho cả năm mà đôi khi có dư để làm nhiều việc khác”.

13-29-50_4
Chế biến sùng

Về An Lão vào mùa này, trong tiết trời se lạnh, cùng bạn bè bày cuộc rượu với đĩa sùng chiên bột, cắn một miếng sùng béo ngậy kèm với rau thơm, nhấp hớp rượu cay, kháo nhau những chuyện trên trời dưới đất thì… không còn gì bằng!

Không chỉ là món ngon, sùng đất còn là vị thuốc. Theo Đông y, sùng đất là ấu trùng của loài bọ hung Holotrichia Sauteri Moser, thuộc họ sùng đất - Melonihidae. Là dạng ấu trùng biến thái thường gặp trong đất, ăn rễ cây và lá cây. Nếu phơi khô, ấu trùng có tên là tề tào, vị mặn, tính bình, có độc; tác dụng phá huyết, hành ứ, tán phong bình suyễn, thông sữa, minh mục khu ế. Tề tào dùng trị vết thương té ngã ứ huyết, đau phong, phá thương phong, đau họng, mắt có màng, ung nhọt, lở trĩ. Nếu dùng để uống thì làm thuốc theo dạng hoàn tán, nếu dùng ngoài thì tán bột rắc hoặc giã đắp chỗ đau.

 

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm