| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối nạn đánh bắt thủy sản tận diệt

Thứ Ba 21/11/2023 , 11:13 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Bất chấp sự ngăn chặn của ngành chức năng và chính quyền địa phương, nạn sử dụng xung điện, xiếc máy đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt vẫn tái diễn trên đầm Đề Gi.

Xung điện, xiếc máy tái diễn

Đầm Đề Gi rộng hơn 2.000 ha, nằm trên địa bàn các xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) tỉnh Bình Định. Đầm Đề Gi có nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng, là sinh kế của những hộ dân sinh sống quanh đầm. Nếu người dân đánh bắt thủy sản trên đầm theo phương thức truyền thống, vừa đánh bắt vừa bảo vệ nguồn lơi thủy sản thì chẳng có gì để nói, đằng này họ sử dụng xung điện, xiếc máy, giã cào khai thác theo kiểu tận diệt, khiến các loài thủy sản trong đầm ngày càng cạn kiệt, tác động xấu đến hệ sinh thái của đầm.

Thời gian vừa qua, nạn sử dụng xung điện, xiếc máy đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt trên đầm Đề Gi có phần lắng dịu nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương và ngành chức năng, nhưng những ngày gần đây tình trạng nói trên lại tái diễn với cường độ cao hơn.

Hàng chục chiếc ghe giương cao gọng xiếc neo đậu dày đặc mặt đầm Đề Gi tại khu vực giáp ranh giữa thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh) và thôn Ngãi An (xã Cát Khánh). Ảnh: V.Đ.T.

Hàng chục chiếc ghe giương cao gọng xiếc neo đậu dày đặc mặt đầm Đề Gi tại khu vực giáp ranh giữa thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh) và thôn Ngãi An (xã Cát Khánh). Ảnh: V.Đ.T.

Mới đây, trong chuyến công tác về huyện Phù Cát, chúng tôi chứng kiến tại khu vực giáp ranh giữa thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh) và thôn Ngãi An (xã Cát Khánh) có hàng chục chiếc ghe giương cao gọng xiếc neo đậu dày đặc mặt đầm Đề Gi cứ như sử dụng xung điện, xiếc máy là nghề đánh bắt hợp pháp.

Theo ông Trịnh Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát), địa phương hiện có đến 58 hộ đang sử dụng xung điện, xiếc máy đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt trên đầm Đề Gi, vấn nạn này tồn tại đã 20 năm nay.

Chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động hết mức; các hộ dân sử dụng xung điện, xiếc máy đánh bắt bất hợp pháp trên địa bàn cũng đã viết cam đoan, cam kết, nhưng sau rồi đâu vẫn hoàn đấy, hiệu quả không cao.

“Để thực thi việc ngăn chặn nạn xung điện, xiếc máy hiệu quả phải có sự phối hợp của các ngành chức năng như ngành nông nghiệp, bộ đội biên phòng, nhất là phải có chế tài mới có thể ngăn chặn được. Lâu nay, chính quyền địa phương cũng đã rất nỗ lực nhưng chẳng thể ngăn chặn triệt để vấn nạn này. Đã có thời gian đầm Đề Gi được yên bình nhờ vắng hoạt động của những phương tiện đánh bắt bằng xung điện, xiếc máy, nhưng do xử lý không rốt ráo nên hiện nay tình trạng này đã tái diễn. Vừa rồi huyện tổ chức cuộc họp, phân trách nhiệm rõ ràng cho từng ngành chức năng, chính quyền địa phương để quyết tâm ngăn chặn vấn nạn này”, ông Trịnh Minh Bình chia sẻ.

Điểm danh những hộ hành nghề xung điện, xiếc máy

Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, UBND huyện Phù Cát vừa có cuộc họp bàn giải pháp ngăn chặn vấn nạn xung điện, xiếc máy trên địa bàn. Kết luận cuộc họp, lãnh đạo huyện Phù Cát chỉ đạo ngành chức năng thành lập tổ công tác để thường xuyên tuần tra trên đầm Đề Gi để nhắc nhở, tuyên truyền, nhằm tăng cường ý thức cho người dân thôi đeo đuổi nghề đánh bắt thủy sản tận diệt bằng xung điện, xiếc máy.

Qua kiểm tra, huyện Phù Cát “điểm danh” 66 hộ dân ở  xã Cát Minh và xã Cát Khánh sử dụng xung điện, xiếc máy khai thác thủy sản trái phép trên đầm Đề Gi; riêng xã Cát Minh đã có đến 58 hộ; trong đó thôn Đức Phổ 1 có 43 hộ và thôn Đức Phổ 2 có 15 hộ; xã Cát Khánh có 8 hộ đều ở thôn Ngãi An.

Theo UBND huyện Phù Cát, những hộ dân có phương tiện đánh bắt gắn xung điện, xiếc máy để khai thác thủy sản hầu hết đều có nghề chính là nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối hoặc làm nghề cào nghêu, cào sìa trong đầm Đề Gi.

Phương tiện sử dụng xung điện, xiếc máy đậu dày đặc trên đầm Đề Gi. Ảnh: V.Đ.T.

Phương tiện sử dụng xung điện, xiếc máy đậu dày đặc trên đầm Đề Gi. Ảnh: V.Đ.T.

Việc sử dụng xung điện, xiếc máy của các hộ dân nói trên chỉ làm phụ, hoạt động không thường xuyên, nhưng thời gian gần đây do đời sống kinh tế khó khăn, nên nạn sử dụng xung điện, xiếc máy khai thác trên đầm tái diễn rầm rộ. Những phương tiện hành nghề này chủ yếu hoạt động lén lút vào đêm tối, thu nhập trung bình của tàu thuyền khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy khoảng 200.000đ - 300.000đ/đêm.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Phù Cát phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định và các ngành chức năng của tỉnh triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân Luật Thủy sản, đặc biệt là quy định về các nghề cấm của Bộ NN-PTNT để người dân hiểu, từng bước thay đổi nhận thức và chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản theo pháp luật, từ bỏ nghề cấm khai thác thủy sản.

Đồng thời, UBND huyện Phù Cát chỉ đạo UBND xã Cát Minh, Cát Khánh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, hạn chế hoạt động sử dụng xung điện, xiếc máy để khai thác thủy sản trên khu vực đầm Đề Gi.

“Người dân hoạt động trên sông nước, mình lại không có chức năng lẫn công cụ hỗ trợ nên không thể có biện pháp mạnh để ngăn chặn hoạt động này. Để xóa nạn sử dụng xung điện, xiếc máy khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng tỉnh, huyện cùng chính quyền địa phương. Trong thời gian gần đây, xã Cát Minh đang vào cuộc rất gắt. Xác định ngăn chặn nạn xung điện, xiếc máy cũng là nhiệm vụ chống khai thác vi phạm IUU, nên chính quyền xã Cát Minh ngoài giao cho đảng viên phụ trách những tàu cá đánh bắt xa bờ, bên cạnh đó, xã cũng giao cho đảng viên phụ trách những hộ sử dụng xung điện, xiếc máy đánh bắt thủy sản bất hợp pháp để bám sát tuyên truyền, đến từng nhà vận động họ chuyển nghề”, ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho hay.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.