Lời nghẹn ngào của nước
Trước đây đi đâu ông cũng tự hào vì cái thế đất quanh năm được đón gió đồng nội, vì mỗi buổi tối khi nước mới đổ về được nghe đủ loại ếch nhái râm ran. Giờ cánh đồng không chỉ câm nín mà mùi vị của nó cũng thay đổi đến nỗi vào vụ cả nhà ông đều ngập trong mùi thuốc sâu nồng nặc dù đã đóng chặt cửa.
Sông ngòi giờ đang hết cá |
Những dịp như thế, cái ao nhỏ đầu hồi ông cũng không dám lấy nước vào vì sợ cá dính thuốc độc. Những con nước ngày nào từng đem lại sức sống cho ruộng đồng, cho xóm làng thì giờ đây thành một thứ cần phải lảng tránh. Những con nước ngày nào từng được những lão nông như ông ghi lên tường cạnh ngày giỗ tổ tiên để nhớ rằng: “Tam cửu tòng ư nguyệt tiền. Ngày hai chín nước liền thụ thai. Mười ba sinh con thứ hai. Dần thăng mão giáng chẳng sai đâu là” thì giờ mùa nào cũng xanh lè, lập lờ toàn vỏ thuốc sâu. Không ai còn dám xuống sông Sào cũng như các con sông trong vùng để tắm nữa nên tiếng là người miền biển nhưng lắm thanh niên giờ lại không biết bơi là vì vậy.
Ông Bảo thống kê nếu tính đầy đủ một vụ lúa dân quê mình đánh 9 lần thuốc bảo vệ thực vật gồm 1-2 lần thuốc ốc, 1 thuốc cỏ, 1 rầy lưng trắng, 2 lần rầy nâu, 3-4 lần sâu cuốn lá nhưng họ thường trộn lẫn với nhau để rút gọn thành 7-8 lần. Nhiều nông dân ngày nay bị đánh lừa bởi cái danh từ mỹ miều bảo vệ thực vật này mà không hề biết hầu hết chúng đều rất độc hại.
Hơn 20 năm trước ốc bươu vàng được một số người cổ súy là vật nuôi có giá trị kinh tế cao thì nay loại động vật ngoại lai này đã là một thảm họa. Chúng miễn nhiễm với hầu hết loại thuốc trừ sâu. Chúng ngốn lúa rào rào đến trắng đồng, trắng bãi. Chúng sinh sản ào ào để lại trên bờ vùng, bờ thửa những “đóa hoa” màu hồng là những cụm trứng không thể nào tiêu diệt hết.
Bởi thế, điều đầu tiên người nông dân nghĩ đến mỗi khi thời vụ tới là đánh thuốc ốc: “Thuốc vừa rắc xuống thì mọi loại tôm cá bơi xé lên trên mặt nước như bị điên còn ếch nhái nhảy lung tung như bị bỏng rồi tất cả nổi lên chết trắng. Đám lươn chạch vì sống bên dưới nên chết chìm không ai biết chỉ khi nào đi cấy mới vơ thấy xác. Lắm lúc thấy cá trong đồng chết nhiều quá xã phải tháo cho nước chảy ra sông để mà thau độc”. Ông Bảo kể với tôi bằng giọng đầy ám ảnh.
Nông dân thường trộn thuốc ốc với phân đạm để vãi hay hòa ra rồi phun. Nếu vãi thì họ dùng găng vải bên trong cho khỏi ướt mồ hôi rồi xỏ găng nylon bọc bên ngoài bởi chẳng may đụng phải thuốc cả bàn tay sẽ trở lên lạnh toát như đồng. Rắc thuốc ốc xong mấy ngày sau đi cấy vẫn phải dùng găng tay mỏng, đi giặm lúa, đắp bờ thì dùng găng tay dầy. Hễ quên là ngứa đến mức gãi bật máu ra hàng tuần cũng chưa khỏi.
Trong một buổi cấy đổi công cho người hàng xóm bà Phạm Thị Cậy ở xóm 4 đã bị một phen thừa sống, thiếu chết. Chuyện là, ruộng nhà hàng xóm tuy không phun thuốc ốc nhưng hai ruộng liền kề lại mới đánh nên nước chảy tràn sang. Buổi trưa hè, nắng ở trên trời đổ xuống, nóng ở dưới nước bốc lên khiến cho bà ngộ độc hơi thuốc ốc, trướng bụng, nôn mửa ngay tại chỗ còn mặt cứ bừng bừng như người say rượu. Bủn rủn đi bộ về nhà, bà chỉ kịp gọi điện cho người thân đưa đi cấp cứu trước khi lử lả.
Bà Cậy đang kể lại chuyện mình bị ngộ độc thuốc ốc |
Hết họa thuốc ốc là thuốc trừ cỏ, trừ sâu, trừ rầy với tổng chi phí trung bình 1 sào 1 vụ không dưới 100-200.000 đ. Bà Cậy bảo: “Xưa đi cấy mà quên quấn xà cạp thì chỉ một chốc gỡ vài chục con đỉa đen đặc bám từ chân lên đến đùi”. Thế nhưng trên 10 năm nay đồng làng tuyệt tích đỉa, cà cuống, thiềng liệng còn chạch đồng và rươi cũng dần mất dấu. Trước mỗi lần nước mới về thì cả cánh đồng rộn lên tiếng kêu của ếch nhái, chẫu chàng, kèng kẹc. Giờ ếch, nhái, chẫu chàng cũng hết khiến cho ông Cam, ông Giang mất cả nghề đi đào.
Sông ngòi giờ hầu như chỉ còn sót những con cá rô phi to bằng 2-3 ngón tay nhưng không ai muốn bắt vì lắm đun chín lên vẫn còn ám cả mùi thuốc. 145 hộ trong xóm không còn ai làm nghề đánh cá nữa. Anh Huân từng đánh cá giỏi đến mức xây được cả nhà, giờ đây cũng phải bỏ để chuyển sang nghề xe ba bánh.
Xưa thuốc sâu không bao giờ bén mảng đến vườn nhà giờ gia đình nào trồng tí rau ăn cũng phải đánh vì nếu không sâu bệnh từ đồng tràn vào ăn ruỗng ngay. Thuốc độc đổ xuống ruộng ngày ngày mà dịch bệnh vẫn triền miên. Vụ vừa rồi bà Cậy cấy 6,5 sào thì 4,5 sào mất trắng, chỉ thu được 2 bao toàn lửng, lép. Hạt gạo bóc ra đen xì, đắng ghét đến nỗi quẳng cho gà mà cũng quay mỏ đi. Lần đầu tiên sau mấy chục năm làm nông bà phải ăn đong…
Mấy năm nay một góc làng đã chết ruỗng người vì nạn ung thư. Chỉ trong vài tháng cái xóm nhỏ đã tiễn ba người con về với đất, toàn những người đang sức ăn, sức làm trong đó có người em của bà Cậy là Phạm Văn Lộc.
Nỗi ngậm ngùi của đất
Tôi thèm một lần được đi chân trần xục trong đám phù sa tươi tốt của vùng đồng bằng châu thổ nhưng rồi chợt nhận ra nếu làm thế ở xã Giao Tiến (huyện Giao Thủy, Nam Định) sẽ thành lạc lõng bởi gần 100% nông dân nơi đây khi ra đồng đều đi ủng, đeo găng, đeo khẩu trang.
Đất đai đã trở thành bãi chiến trường hóa học với đủ thứ chất độc, mảnh chai thuốc trừ sâu, vỏ ốc bươu vàng khiến cho mỗi vết xước nhẹ cũng cận kề nguy cơ uốn ván. Dưới ruộng ngập trong thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm còn trên bờ chìm trong thuốc trừ cỏ cháy. Lão nông Phạm Quốc Bảo trước đây khi đi cày chẳng may sứt sát chân tay thường vớ ngay một nắm cỏ bờ nhai nhuyễn đắp để cầm máu. Giờ ông đã bỏ luôn thói quen ấy vì biết đâu nắm thảo dược tự nhiên ấy lại chứa đầy thuốc trừ cỏ.
Ông Bảo bên những tảng đất chan sạn trên đồng làng |
Trong xóm giờ chỉ đôi ba nhà còn giữ thói quen đặt một vại nước giải ở góc vườn như nhà ông. Dù đi đâu, bí tiểu đến mấy nhưng ông cũng cố nhịn về nhà để dành cho cái vại nước giải. Nước ấy sau đó được tưới vào đống gio cùng một ít phân gà dành để bón rau, bón lúa.
Mới chỉ 10-20 năm gần đây thôi mà những thói quen canh tác lúa cả ngàn năm của cha ông đã bị bỏ gần hết. Nông dân giờ bỏ cào cỏ sục bùn, bỏ xếp ải, bỏ phân xanh, phân chuồng. Biết cày từ năm 16 tuổi, thủa ấy mỗi ngày ông Bảo lật cả mẫu đất nên cảm nhận rõ sự thay đổi. Xưa cày ải những tảng đất khô bạc trắng lên dưới nắng chỉ cần khẽ ném xuống là y như có ai dùng vồ mà đập, tơi xốp như bánh khảo. Giờ xá cày phơi cả tháng mà vẫn sẫm gan gà, ném xuống vẫn giữ nguyên hình dạng. Xưa đi cấy thục tay trần vào đất mềm, mịn như nhung giờ toàn cục lổn nhổn to như cái ấm, cái chén.
Đất đã dần thoái hóa bởi con người chỉ biết miệt mài khai thác. Tổng đàn trâu bò của Giao Tiến từ mấy trăm con trước giờ chỉ còn đúng 15 con trong đó 4 trâu, 11 bò. Nhiều làng không hề có bóng dáng những con vật biểu trưng của nông nghiệp Việt Nam một thủa nữa. Chăn nuôi nhỏ lẻ giờ hầu như không có mà chủ yếu là gia trại nhưng những người này thường không trồng lúa nên cũng không giữ lại phân để bón. Đa số gia đình giờ đều hố xí tự hoại nên cái khoản chất thải của người cũng không còn được tận dụng để ủ bón ruộng nữa. Đó là phân bắc còn phân xanh cũng chẳng còn một ai thèm để ý.
Ông Cao Xuân Chiến - Chủ tịch xã Giao Tiến bảo nông dân giờ đa số không còn thiết tha với đồng ruộng nữa nên chỉ muốn làm cho nhanh, lấy năng suất trước mắt, phun gộp thuốc, phun tăng liều khiến đồng ruộng bị hủy diệt. Cứ trung bình 1 sào 1 vụ phun 1 lạng thuốc, 1 ha 2,7 kg thuốc, với 450 ha của xã một năm sử dụng không dưới 2,5 tấn.
Bình quân mỗi đầu người của xã chỉ 0,7 sào, nhỏ nhất nhì tỉnh Nam Định nhưng vẫn đều đặn có người bỏ cấy khiến cho dân của các xã liền kề có thêm nghề mới là đi “mót ruộng”. Họ cứ thấy chỗ nào đất hoang nhiều thì tìm đến nhà trưởng thôn xin họp dân lại để xin thuê. Giá thuê rất bèo bọt, chỉ 15-20kg/sào/vụ thậm chí cho mượn không. Vì được “mót ruộng” nên từ 20 ha bỏ hoang Giao Tiến chỉ còn khoảng 4 ha.
Ốc nhiều đến nỗi có đợt phát động đoàn thanh niên của xã Giao Tiến đã bắt được tới 27 tấn. Còn chuột đánh bả nhiều cũng trở nên tinh quái không chịu ăn nữa, người đi cấy lắm khi thấy cả đàn chuột bơi từ bờ mương bên này sang bờ mương bên kia để cắn lúa. |