Theo Thời báo Siberia, chiếc hố rộng hơn 76m xuất hiện ở nơi được mệnh danh là “tận cùng thế giới” (dịch từ “Yamal”, tiếng của người Nenets). Một nhà khoa học cho rằng có thể hiện tượng trái đất nóng lên, cộng với hoạt động của các đường ống khí đốt đã tạo ra các hố sụt lớn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thuyết.
Nổ trong lòng đất?
Kết cấu địa chất của bán đảo chủ yếu là các tầng đất đóng băng vĩnh cửu, địa chất kiến tạo tương đối trẻ, chưa đến 10.000 năm tuổi.
Pingo, hay những ngọn đồi lõi băng ở vùng Bắc cực |
Theo thăm dò của Chính phủ Nga, bán đảo Yamal là nơi có trữ lượng khí đốt nhiều nhất nước. Một ước tính cho là dự trữ khí đốt ở đây đạt 55 nghìn tỷ m3, đây là nơi có dữ trữ khí đốt lớn nhất thế giới. Khu vực này phần lớn chưa phát triển, nhưng các công trình đang được tiến hành xây dựng với ba dự án hạ tầng lớn - đường sắt Obskaya-Bovanenkovo với chiều dài 572 km sẽ được hoàn thành vào năm 2011, ống dẫn khí, và một số cầu đường. Liệu những hoạt động phát triển này đã góp phần tác động khiến các hố lớn xuất hiện?
Nhà nghiên cứu Anna Kurchatova thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học Cận Bắc Cực cho rằng hố lớn là kết quả của một vụ nổ khi nước, muối và khí ga trong điều kiện nào đó được hòa trộn ngầm dưới đất.
Theo bà, trái đất nóng lên đã khiến các tầng đất tưởng chừng đóng băng vĩnh cửu bị tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh, tạo sức nặng đè lên khối khí ga tự nhiên bên dưới.
Cuối tháng đó, thêm hai hố khổng lồ khác được phát hiện. Trong khi đi chăn tuần lộc, một số người địa phương đã phát hiện hai hố rộng và rất sâu trong rừng Siberia. Các hố này có đặc điểm tương tự hố được phát hiện đầu tiên, nhưng hố thứ hai nằm cách hố thứ nhất hàng trăm km, thuộc bán đảo Taymir ở phía đông Siberia. Chiếc hố thứ ba nhỏ hơn, đường kính 15m, xuất hiện gần hố thứ nhất, tức là trên bán đảo Yamal.
Một người chăn tuần lộc ở Siberia |
Một số nhà khoa học nói ba chiếc hố xuất hiện bất ngờ ở bắc Siberia thực chất thuộc một dạng sụt đất chưa từng có.
Tuy nhiên, chưa có lời giải thích nào thuyết phục được mọi người. Người ta nêu ra đủ loại giả thuyết, từ thiên thạch rơi tạo hố đến những thứ liên quan đến người ngoài hành tinh, cũng có người cho rằng đây là hậu quả của việc sử dụng kỹ thuật thủy lực cắt phá trong khai thác mỏ…
Một giả thuyết được nhiều người ủng hộ cho rằng các hố kỳ lạ có thể là một dạng sụt đất trêm vùng đóng băng.
Một hố sụt đất được tạo ra khi xuất hiện hiện tượng sập đất trên các lớp bề mặt. Trước đó, ở Mỹ cũng xuất hiện một số hố sâu rất lớn nhưng ở vùng dân cư đông đúc.
Trao đổi với chuyên trang khoa học LiveScience, Vladimir Romanovsky, nhà địa chất thuộc Đại học Tổng hợp Alaska Fairbanks nói theo quan sát của ông, các hố khổng lồ ở Siberia được tạo ra từ hiện tượng tan băng. Theo ông, bằng cách nào đó, không phải là “nuốt” các vật chất vào lòng sau sụt đất, các hố sâu này có vẻ lại đẩy các vật chất ra ngoài. Các bức ảnh cho thấy xung quanh miệng hố là đất cát mới, tươi màu, giống như mới được đùn ra từ lòng hố, giống như sau một vụ nổ ngầm bên dưới.
“Một hố rõ ràng là phun vật chất ra ngoài”, ông nói với LiveScience. "Hiện tượng này chưa được ghi chép trong các sách khoa học. Nó hoàn toàn mới”, ông nói thêm.
Nhà nghiên cứu Chris Fogwill thuộc Đại học New South Wales (Australia) cho rằng hố đầu tiên được hình thành khi một ụ đất đóng băng (pingo) thường thấy ở khu vực Bắc cực và cận Bắc cực sụp đổ. Một số nhà khoa học khác ủng hộ giả thuyết này.
Hố khổng lồ đầu tiên ở bán đảo Yamal xuất hiện tại nơi chỉ cách khu mỏ khí ga Bovanenkovo lớn nhất trong vùng khoảng 30km.
Ông Mikhail Lapsui, phó chủ tịch hội đồng địa phương nói thực ra dân trong vùng đã biết về cái hố lớn từ tháng 9/2013.
Giả thuyết nào đáng tin nhất?
Theo tạp chí National Geographic, có dạo giả thuyết được nhiều người ủng hộ cho rằng các hố sâu là kết quả của một loạt các biến đổi, hậu quả từ hiện tượng trái đất nóng lên. Khi đó, methane hydrate, một loại vật chất trông giống như băng đá ở trong đất vùng cực Bắc bị tan chảy giải phóng các chất gây nổ.
|
Các hố sâu hình thành tại Siberia từ 2013 tới nay |
Tuy nhiên, giả thuyết này cũng sớm bị đánh đổ. Các nhà khoa học Nga sử dụng hình ảnh vệ tinh, phát hiện thêm hàng chục miệng hố mới ở Siberia.
“Nguyên nhân vẫn chưa hoàn toàn được xác định rõ”, Carolyn Ruppel, trưởng nhóm thăm dò địa chất thuộc Dự án khí ga hydrate nói. Nhưng bà và các nhà khoa học khác nói các ảnh vệ tinh mới đã gợi ý một lời giải thích khác liên quan đến việc tan chảy nhanh chóng của các ụ đất mà lõi là băng đá (pingo). Các đồi pingo có một lớp đất phủ bên ngoài nên nếu không am tường có thể nhầm tưởng đây là các đồi núi đất thông thường.
Lõi băng của pingo tan với tốc độ nhanh do khí hậu thay đổi (nóng lên) tại vùng băng giá Siberia có thể khiến một phần mặt đất sụp xuống, tạo thành một hố sâu. Nhưng chỉ riêng tiến trình đó chưa đủ để giải phóng các tảng đá, được tìm thấy xung quanh các miệng hố giống như sau một vụ nổ.
Bà Ruppel cho rằng các hố sâu được hình thành do khí ga tự nhiên bất ngờ được giải phóng khi pingo sụp xuống và tạo ra vụ nổ. Giả thuyết này được dữ liệu vệ tinh của phía Nga củng cố: người ta đã chụp lại vị trí của một số pingo và sau đó cũng tại vị trí đó hình thành các hố sụt lớn. Có rất nhiều pingo ở Siberia cũng như khu vực Triền dốc phía bắc của Alaska (Mỹ), vì vậy nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm các hố sâu khi trái đất tiếp tục nóng lên, bà Ruppel nói.