| Hotline: 0983.970.780

Những ngày 'làm lính' tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ Tư 21/06/2017 , 09:30 (GMT+7)

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngày càng có nhiều những chuyến tàu từ đất liền ra với Trường Sa.

Trong những chuyến đi ấy, luôn có đông đảo những phóng viên báo chí đồng hành tác nghiệp nơi đảo xa để phản ánh đời sống, những gian truân, tâm tư của bộ đội chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.

Tháng 5/2017, tôi may mắn được lần đầu ra Trường Sa cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT trên tàu HQ 571 (Vùng 4 Hải quân). Trong số hơn 250 thành viên đoàn công tác, chỉ có khoảng mười phóng viên, nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Tác nghiệp trên đất liền là công việc thường nhật của các phóng viên, nhưng tác nghiệp ở Trường Sa vẫn mang lại cho anh em phóng viên những trải nghiệm thú vị.

15-44-25_nh_2
Tác giả tác nghiệp trên đảo Trường Sa Đông

Vượt qua thử thách say sóng có lẽ là nỗi lo nơm nớp nhất trước khi lên tàu. Đã từng theo chân ngư dân ra biển nhiều lần, nhưng cái dập dềnh của con tàu Hải quân cao lớn, dài cả trăm mét quả là rất khác so với tàu cá. Nếu như tàu cá mỗi lần dềnh lên dập xuống với chu kỳ rất nhanh, kiểu cà giật liên hồi thì trên tàu Hải quân, tốc độ bập bềnh ấy rất chậm, giống như thôi miên vậy.

Tàu rời cảng Cát Lái (TP.HCM) lúc 10h sáng thì phải tới 2h chiều cùng ngày mới ra tới biển Vũng Tàu, tới tối hôm đó thì cánh phóng viên nữ nhiều người đã say sóng nằm bẹp trên giường. Một đồng nghiệp nam ở Đài Tiếng nói Việt Nam trông có vẻ to con là thế nhưng tới ngày thứ hai trên biển cũng say sóng tới nỗi đang ăn cơm dở phải bỏ bát chạy hộc tốc vào nhà vệ sinh.

Do quá quen với tư thế “di chuyển dạng chân” để giữ thăng bằng trong thời gian dài trên tàu nên khi vào các đảo, nhiều phóng viên quen quán tính, giơ chiếc máy ảnh lên tác nghiệp chân cứ chệnh choạng như sắp ngã.

15-44-25_nh_4
Phóng viên tác nghiệp tại Nhà giàn DK1/9

Ở đất liền, nếu như không có những đề tài thời sự, cánh nhà báo nổi tiếng hay ngủ dậy muộn thì ở trên tàu, tất cả đều phải răm rắp về giờ giấc y hệt chế độ của chiến sỹ trên tàu. Mỗi phòng ở của thành viên đoàn công tác đều có một chiếc loa phát thanh, ngày nào cũng như ngày nào, cứ 5h30 là khẩu lệnh từ chỉ huy tàu lại đều đặn vang lên: “Hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức! Hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu”.

Sau giờ nghỉ trưa, tới 13h30, khẩu lệnh đó lại vang lên lần nữa. Giờ ăn sáng cố định lúc 6h; ăn trưa cố định lúc 11h30 và ăn chiều lúc 17h30, tất cả đều phải răm rắp nhanh chân về nhà ăn ở cuối tàu để ngồi vào bàn ăn khi chỉ huy tàu thông báo qua chiếc loa phát thanh, ai không nhanh, hết giờ ăn thì ráng chịu đói! Quả thực trên biển những ngày đầu nhiều người mệt phờ vì sóng, nhưng mấy ngày sau, có lẽ nhờ chế độ sinh hoạt điều độ, kỷ luật như vậy nên ai cũng thấy khỏe khoắn, có người còn tăng cả kilogram sau chuyến công tác.

Do hải trình phải trải qua nhiều đảo nên thời gian mỗi lần tàu vào thăm các đảo thường rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ nên cánh phóng viên quả thực là lực lượng vất vả nhất khi phải tranh thủ tối đa thời gian có thể để tác nghiệp, lấy tư liệu.

Ngoại trừ đảo Trường Sa Lớn có cầu cảng để tàu có thể cập bến, những đảo khác tàu đều phải neo ngoài xa, việc di chuyển người từ tàu vào đảo đều phải nhờ các xuồng (ca-nô) máy. Với số lượng thành viên đoàn tới 250 - 260 người, mỗi lần vào đảo phải có trung bình 10 - 15 chuyến xuồng chuyên chở.

15-44-25_nh_3
Xuồng máy đưa phóng viên từ Tàu HQ 571 vào tác nghiệp trên đảo

Trong đó, các phóng viên luôn được ưu tiên đi chuyến xuồng đầu tiên khi lên đảo và di chuyển trở lại tàu ở chuyến xuồng cuối cùng. Khi đi xuồng, sóng lớn thường tạt nước vào, có khi ướt sũng người nên mỗi phóng viên được chỉ huy tàu trang bị riêng cho một chiếc túi ni lông chuyên dụng để đựng các dụng cụ tác nghiệp như máy quay, máy ảnh…

Quỹ thời gian trên đảo rất ngắn nên mỗi phóng viên phải tranh thủ thật nhanh để gặp gỡ, phỏng vấn cán bộ chiến sỹ trên đảo theo kế hoạch của riêng mình. Nếu như trên tàu, anh em phóng viên thường tụ tập với nhau thành một nhóm trong sinh hoạt, giao lưu thì khi lên đảo, gần như không ai thấy mặt ai, bởi mỗi người tản đi một nơi theo đề tài của mình.

Phóng viên quan tâm tới mảng giáo dục thì gần như chỉ quan tâm tới vấn đề cán bộ chiến sỹ phải hi sinh con đường học hành để ra với biển đảo; phóng viên về nông nghiệp thì chỉ quan tâm về công tác tăng gia SX trên đảo; phóng viên chuyên về xã hội lại chủ yếu khai thác về tâm tư, tình cảm, khó khăn của cán bộ chiến sỹ trên đảo và người thân ở đất liền…

15-44-25_nh_1
Một trong những bức ảnh mà chiến sỹ Nguyễn Đình Quyết (phải) nhờ PV NNVN chụp để gửi về cho vợ anh ở đất liền (người còn lại là phóng viên của Báo Biên phòng)
Trên các đảo ở Trường Sa bây giờ đều có sóng điện thoại Viettel nên các chiến sỹ đã rất thuận tiện liên lạc với người thân trong đất liền, tuy nhiên để đảm bảo bí mật quốc phòng, các đảo không có mạng 3G nên dù có điện thoại Smartphone xịn cỡ mấy cũng “bó tay” với email hay mạng xã hội như Facebook, Zalo… Vì vậy mỗi khi có đoàn công tác tới thăm, nhiều cán bộ chiến sỹ trên đảo đành phải nhờ người trong đoàn công tác chụp ảnh hộ, rồi về đất liền gửi email cho người thân của họ, trong đó các nhà báo thường được chiến sỹ tin cậy gửi gắm những tấm hình về cho đất liền.

Trên tàu, cố định vào 21h tối, tổ phóng viên nhà báo còn được Ban chỉ huy tàu giao cho nhiệm vụ sản xuất các bản tin nội bộ của đoàn công tác.

Mỗi người tùy theo “mảng miếng” riêng của mình, đều được phân công đóng góp một số bản tin ghi nhận được về chuyến công tác trong ngày để phục vụ cho chương trình phát thanh trên hệ thống loa của tàu vào buổi tối lúc 21h hàng ngày.

Chia tay Nhà giàn DK1/9, điểm cuối cùng trong chuyến công tác trước khi về đất liền, tôi vẫn không quên được cái bắt tay lưu luyến của chiến sỹ Nguyễn Đình Quyết (quê Nghệ An).

Anh cho biết đã 7 - 8 tháng chưa được về đất liền thăm vợ.

Chia tay tôi, anh tha thiết nhờ chụp mấy tấm ảnh và nhờ tôi gửi cho vợ anh hiện đang công tác tại TP.HCM.

Hỏi địa chỉ email hay Facebook của vợ là gì để chuyển ảnh, anh bảo chỉ thi thoảng mới được về đất liền nên cũng chẳng nhớ email hay Facebook của vợ là gì, chỉ nhớ số điện thoại nên đành phải nhờ tôi về đất liền rồi gọi cho vợ anh hỏi vậy!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Bình luận mới nhất