Đó là lớp học của ông giáo già Ngô Tùng Bích, ở ấp Tân Hòa, xã biên giới Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Nhờ lớp học này mà hàng trăm em nhỏ nghèo ở địa phương, từ chỗ không biết chữ, đã được ông giáo già “truyền” đam mê con chữ, để sau đó nhiều em đã học hết phổ thông, có em học lên tới cao đẳng.
Lớp học “5 trong 1”
Cách đây hơn 2 năm, tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà nhỏ, cũng là lớp học tình thương của ông Bích. Định bụng sẽ viết một bài về ông, về lớp học đặc biệt này. Rồi sau đó, công việc cứ cuốn đi…Giữa tháng 11, tôi lại có dịp đi ngang lớp học tình thương của ông Bích nên ghé vào, thấy ông giáo già vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và lớp học đông hơn. “Vừa rồi chú bị di chứng hậu Covid, sức khoẻ không tốt, nên không thể mở lớp đúng đầu năm học. Bây giờ sức khoẻ ổn rồi nên mở lại. Chứ không dạy học thì buồn lắm”, ông Bích nói.
Ông Ngô Tùng Bích, sinh năm 1942, tốt nghiệp Văn khoa Sài Gòn trước giải phóng, và từng có nhiều năm là giáo viên dạy toán ở TP.HCM. Năm 2001, gia đình ông theo người con trai chuyển lên xã biên giới Tân Tiến, huyện Bù Đốp sinh sống.
Nói về lớp học tình thương, ông Bích cho biết: “Lớp học này có từ năm 2007 hay 2008 gì đó chú không nhớ rõ. Mấy đứa nhỏ đều ở quanh đây, là con em người đồng bào Khmer, Chăm, S’tiêng, và Việt kiều Campuchia hồi hương. Điểm chung của những gia đình này là đều nghèo, cha mẹ quanh năm đi làm thuê, con cái ở nhà nheo nhóc, không được đi học, nhiều đứa 10 tuổi mà 1 chữ cắn đôi không biết. Vài lần chúng ra đây chơi, chú thấy tội nên cũng thường ngồi trò chuyện với chúng, thấy tụi nhỏ không biết chữ, chú hỏi có muốn biết chữ không ông chỉ cho, mấy đứa đồng thanh 'có'. Thế là từ đó, ngày nào tụi nhỏ cũng ra đây. Cha mẹ chúng ban đầu không biết gì, đến khi tình cờ thấy con mình đọc chữ thì tròn mắt ngạc nhiên. Sau hỏi rõ ngọn ngành, họ ra tận nơi gửi gắm con cho chú. Ban đầu chỉ có 3 - 4 đứa ngồi quanh cái bàn nhỏ, sau đó, thêm một số gia đình nghe tin cũng mang con ra gửi. Ngoài ra, đích thân chú đi vào các gia đình có con không được đến trường, thuyết phục họ đưa con đến để chú dạy miễn phí. Nay lớp học có 35 cháu rồi”, ông Bích kể.
Lớp học của ông Bích ban đầu chỉ là một căn chòi nhỏ, dựng tạm, vách chắp vá bằng ván cũ, mái tôn cũng cũ dựng tạm trên nền đất. Cách đây vài năm, một mạnh thường quân tình cờ đến thăm, nhìn cảnh ông cháu học hành vất vả nên đã hỗ trợ cải tạo, nhờ vậy lớp học mới có nền gạch, mái tôn, bàn ghế mới như bây giờ.
Dù chỉ có một lớp 35 học trò, nhưng việc dạy không hề đơn giản, vì mỗi em mỗi khác, có em đã đi học, biết chữ nhưng bỏ học, có em chưa biết chữ nào, tất cả gom vào 1 lớp. Để dạy cùng lúc 5 lớp, ông Bích chia thành từng nhóm, trong khi lớp 4, 5 học toán thì lớp 3 học tiếng Việt, lớp 2 tập viết, lớp 1 học chữ cái, tập đánh vần. Nếu không tận mắt chứng kiến ông Bích đứng lớp, khó hình dung được ông phải làm việc hết công suất như thế nào. Suốt 3 tiết học, ông Bích không có giây phút nào thảnh thơi, hết chấm bài nhóm này, lại hướng dẫn em khác tập viết, tập đọc, lúc lại đi từng bàn, cúi sát tập vở của các em để uốn nắn. Chưa kể, tụi nhỏ liên tục níu vai ông, chìa bài tập cho ông xem. Ngay cả thời gian giải lao, ông cũng không rảnh, vì các cháu liên tục “làm phiền”, thắc mắc đủ thứ.
Trong lớp học, thỉnh thoảng ông Bích cũng nghiêm mặt với những đứa trẻ nói chuyện, không chú tâm vào bài. Nhưng tụi nhỏ vẫn nhoẻn miệng cười, và lâu lâu chúng còn nhõng nhẽo với ông. Có thể thấy, những đứa trẻ này rất quý ông Bích.
Ngoài dạy cho những em nhỏ không có điều kiện đến trường, ông Bích còn hỗ trợ dạy thêm lớp 2 và 3 chính quy ở trường tiểu học Tân Tiến, vì 2 lớp này đa số là học sinh là con em đồng bào thiểu số, do thói quen ít dùng tiếng Việt nên viết chữ, phát âm chưa thạo, môn toán cũng yếu. Sau khi biết lớp học của ông Bích, giáo viên của 2 lớp này đã đến nhờ ông phụ đạo thêm 1 buổi về phát âm, viết chữ. “Tụi nhỏ đa số là con em người dân tộc thiểu số, cha mẹ chúng thường xuyên phải đi làm thuê, nhiều đôi vợ chồng khi đi làm đưa luôn con theo, vì sợ ở nhà không có người trông nom. Do đi học thất thường, kiến thức hổng rất nhiều, nên các cô đến nhờ chú hỗ trợ. Từ mấy năm nay, buổi sáng chú dạy phụ đạo cho 2 lớp này, chiều dạy lớp học tình thương”, ông Bích kể.
“Các cháu trong lớp học này thiệt thòi mọi mặt, ngoài thiếu thốn vật chất thì tinh thần cũng không được quan tâm, vì cha mẹ suốt ngày đầu tắt mặt tối lo kiếm cái ăn cái mặc, còn thời gian đâu nữa mà quan tâm, dạy dỗ con cái. Chính vì thế, chú không chỉ dạy con chữ, mà còn dạy các cháu cả chữ hiếu, sự lương thiện, lòng nhân hậu nữa”, ông Ngô Tùng Bích kể.
“Học phí” là mớ rau, lon gạo
Trong số những học sinh đã được ông Bích dạy, không chỉ nghèo, mà còn có cả những em bị khuyết tật, không thể đến trường. Một trong số đó là em Trần Văn Cường, được ông Bích dạy từ năm 10 tuổi. Cường bị khuyết tật, đôi tay không thể co duỗi bình thường, ngoài ra còn phát âm khó. Gia đình khó khăn, không có điều kiện cho Cường đến học ở các cơ sở giáo dục dành cho trẻ khuyết tật. 5 năm trước, nghe tin lớp học của ông Bích, cha mẹ Cường đã chở em đến nhờ ông dạy.
“Thằng bé rất dễ thương, chỉ là không may bị khiếm khuyết cơ thể, nhìn cháu rất tội, nên chú nhận lời, mặc dù biết là dạy Cường tốn nhiều thời gian, vất vả gấp 10 lần các cháu khác. Thời gian đầu, chú phải ngồi hàng giờ nói chuyện với cháu theo kiểu ông kể cháu nghe, cháu nói ông nghe để luyện phát âm. Luyện tay cầm phấn, cầm bút cho Cường cũng mất rất nhiều thời gian. Nhưng quan trọng nhất khi dạy Cường là sự nhẫn nại, kiên trì. Sau nửa năm, Cường đã phát âm được và đến nay đã thành thạo 4 phép tính cơ bản rồi. Thằng bé vui lắm”, ông Bích kể.
Vợ chồng ông Bích có 7 người con trai, đều đã có gia đình riêng. Hiện ông bà sống cùng vợ chồng người con trai út tên Ngô Tùng Bảo. Đáng buồn là cách đây hơn 20 năm, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, anh Bảo không may bị tai nạn, để lại di chứng khá nặng về thần kinh, chạy chữa bao năm không hết. “Thằng út Bảo rất giỏi, có bằng huấn luyện viên võ thuật, sau khi xuất ngũ về, lấy vợ, sinh con, nó xin vào làm huấn huyện viên ở Trung tâm TDTT Phú Thọ, TP.HCM, cứ tưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc, nào ngờ tai hoạ ập xuống, bị tai nạn, đầu đập nhẹ xuống đất, chẳng trầy xước gì, vậy mà lại bị tổn thương não. Tốn rất nhiều tiền điều trị mà không hết”, ông Bích kể, nét mặt trầm buồn.
Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn, nhưng kể từ khi mở lớp học tình thương đến nay, ông Bích chưa nhận 1 đồng học phí nào của cha mẹ các cháu. “Không chỉ trong lớp này, mà cả lớp chính quy các cô giáo nhờ phụ đạo, chú cũng không nhận thù lao. Lâu lâu cha mẹ tụi nhỏ đến đón con, lại biếu mớ rau, củ măng hay túi hạt điều. Những thứ này chú nhận, còn tiền thì không”, ông Bích nói.
Và hiện nay, cứ dăm bữa nửa tháng, vợ chồng ông Bích lại dắt nhau xuống Trung tâm Điều dưỡng tâm thần ở Tân Uyên, Bình Dương thăm nuôi anh Bảo, nhưng lớp học thì chưa từng nghỉ 1 buổi, cho dù nắng hay mưa. “Nhìn tụi nhỏ ê a đọc bài, nắn nót viết chữ, trong lòng chú vui lắm. Đó chính là phần thưởng lớn nhất mà chú được hưởng”, ông Bích tâm sự.
“Thỉnh thoảng, mấy đứa nhỏ đã học xong, đi làm rồi, vẫn ghé thăm, biếu chú ít trái cây. Thấy các cháu ngoan, lễ phép, chú vui lắm. Đó là động lực để chú tiếp tục làm công việc này. Nhưng chú mong một ngày nào đó, sẽ không còn những đứa trẻ thiệt thòi, phải đến lớp học tình thương như thế này nữa”, ông Ngô Tùng Bích chia sẻ.