| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên Phủ - Âm vang thế kỷ

Những người “xẻ núi, san rừng”

Thứ Ba 22/04/2014 , 11:05 (GMT+7)

"Thời kỳ ấy làm đường gian khổ lắm, đơn vị tôi có 4 người hi sinh trong khi nổ mìn phá đá. Còn người què chân, gãy tay, trầy xước thì nhiều vô kể..."

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tải lương thực từ hậu phương (Thanh Hóa và các tỉnh miền Trung) lên Tây Bắc phục vụ Chiến dịch Điện Biên, ngoài những “chị gánh anh thồ”, không thể không nhắc đến hàng triệu chàng trai, cô gái xứ Thanh đã ngày đêm “xẻ núi lấp suối” làm đường cho quân đi và vận chuyển lương thực.

Giặc phá một, chúng tôi làm mười

Sau những năm 1947 - 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới và ngày càng ác liệt, quân đội ta đã dần giành thế chủ động trên chiến trường. Lúc này, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để chuyển sang tổng phản công.

Quân dân Thanh Hóa đã trở thành địa phương có cống hiến to lớn bậc nhất trong việc đào đường, tiếp tế lương thực, gùi đạn, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho các chiến dịch, từ Tây Bắc, Thượng Lào, cho đến chiến dịch cuối cùng là Điện Biên Phủ.

Từ ngày 19 - 23/3/1950, HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp và ra Nghị quyết về nhiệm vụ Giao thông - Vận tải Thanh Hóa giai đoạn 1950 - 1953: “Phải vận động nhân dân sửa chữa gấp các đường giao thông, tu bổ lại đường chính, bảo đảm giao thông trên các quốc lộ liên tỉnh và tỉnh lộ, đào lạch sông Mã, nạo vét kênh Nhồi, kênh Than, tăng cường phát triển các loại phương tiện vận tải, nghiên cứu cải tiến xe tay, xe kéo thành xe vận tải để bảo đảm việc tiếp tế lúa gạo cho bộ đội, tập kho dự trữ để phục vụ tổng phản hồi”.

Thực hiện nghị quyết trên, hàng triệu lượt TNXP, dân công hỏa tuyến dùng dao rựa, xà beng, cuốc chiên, búa tạ, rìu, mìn… nổ đá, xẻ núi, lấp suối mở các tuyến đường mòn phục vụ xe ô tô, xe thồ và đội dân quân gánh bộ tải lương thực, đạn dược ra tiền tuyến.


Hang Co Phường được xem là điểm trung chuyển lương thực, đạn dược khu vực hậu tuyến Thanh Hóa

Ông Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa, cho biết: Để tải lương lên Điện Biên Phủ, dân công và TNXP Thanh Hóa phải mở nhiều đường khác nhau để tránh sự phát hiện và luôn phải đánh lạc hướng mật thám, máy bay địch nếu bị phát hiện.

Con đường thứ nhất từ huyện Vĩnh Lộc lên Cẩm Thủy, đi Cành Nàng, qua cầu La Hán, đi chòm Tôn, Eo Mân rồi sang Phú Lệ... Nếu đi đường 15A thì từ Lang Chánh qua Đồng Tâm, đi Na Sài, Hồi Xuân, qua dốc Mướp, hang Đóc rồi sang Phú Lệ.

Tất cả hàng hóa, lương thực được tập kết tại khu vực hang Co Phường (huyện Quan Hóa) để đi chặng tiếp theo với một đường qua tây Mường Lát, qua Thượng Lào rồi vòng về Điện Biên Phủ và một đường theo Quốc lộ 6 qua Hòa Bình, lên Sơn La rồi sang Điện Biên Phủ.

“Ngoài các tuyến đường mòn hậu tuyến trên, ở trung tuyến và tiền tuyến còn có hàng chục con đường nữa được lực lượng dân công, TNXP xứ Thanh đào đắp”, ông Sơn cho biết.

Cựu TNXP Hoàng Văn Chuẩn (80 tuổi), thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa cho biết, giữa tháng 3/1954 ông tham gia TNXP và được giao nhiệm vụ cùng đồng đội trực 24/24 giờ ở khu vực ngã ba Cò Nòi (Sơn La) đan phên nứa sửa đường, lấp hố bom, phá bom nổ chậm để xe tải lương từ Thanh Hóa ra tiền tuyến thuận lợi.

Thời điểm này là lúc “nóng” nhất của chiến dịch nên giặc Pháp ngày đêm quần thảo thả bom phá đường nhằm ngăn chặn tiếp viện từ hậu phương nhưng “Giặc phá một chúng tôi làm mười. Trong thời gian hơn 3 tháng, tôi và đồng đội đã lấp hàng chục hố bom, đào đá kè nhiều km đường, giúp bộ đội và lực lượng tải lương băng băng vào trận địa”, ông Chuẩn nói.

Ngày bom phá, đêm làm lại

Không chỉ xẻ núi, san rừng làm đường mòn hậu tuyến, hơn 200 trai tráng Đội 40C412 thuộc các huyện Thiệu Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn đã cùng 15 đơn vị khác trong cả nước hoàn thành tuyến đường tiền tuyến từ thị xã Lai Châu đến biên giới Trung Quốc. Đây là một trong những tuyến đường độc đạo phục vụ vận chuyển đạn dược, lương thực vào trận địa Điện Biên Phủ, có chiều dài 100 km, chiều rộng 3,5 - 4 m.

Ông Nguyễn Thế Bích (80 tuổi), trú thôn 14 xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa cho biết, tháng 10/1953 ông được lệnh hành quân lên Mộc Châu (Sơn La) vận chuyển đạn dược, lương thực phục vụ chiến dịch. Đến đầu năm 1954, Đội 40C412 tiếp nhận nhiệm vụ mới là cùng với 15 đơn vị khác làm tuyến đường từ thị xã Lai Châu đến biên giới Trung Quốc. Sau 34 đêm ăn rừng ngủ rừng đơn vị đến được địa điểm tập kết tại thị xã Lai Châu để bắt tay vào công việc.

Ông bảo: “Thời kỳ ấy làm đường gian khổ lắm, đơn vị tôi có 4 người hi sinh trong khi nổ mìn phá đá. Còn người què chân, gãy tay, trầy xước thì nhiều vô kể. Tôi cũng bị dập xương vai trong lúc chặt gỗ làm cầu.

Bên cạnh đó sống ở nơi rừng thiêng nước độc, cơm ăn bữa đực bữa cái với măng rừng, mắm kem; nhiều người sốt rét cả tháng trời tiêm thuốc lũn hết cả mông…nhưng điều kỳ diệu là không một ai nản chí”.

“Những lúc mắc võng nằm giữa trời lạnh, bụng đói cồn cào, tôi nhớ nhà ghê gớm nhưng cứ nghĩ đến đồng đội đã hi sinh hay mấy chục anh em nằm la liệt vì sốt rét, lòng căm thù giặc trong tôi lại trỗi dậy”, cựu TNXP Nguyễn Đình Cơ.

Cũng theo ông Bích, mỗi đơn vị được giao làm 50 m đường/lần, cứ thế làm cuốn chiếu đến khi hoàn thành xong cả tuyến. Đội 40C412 chủ yếu làm khu vực giáp với thị xã Lai Châu. Gần 200 người phân công công việc cụ thể theo từng tốp, tốp thì dùng dao rựa phát rừng, cắm mốc; nổ mìn phá đá; tốp chặt gỗ kè đường, làm cầu… Cứ thế khoảng 70-80 cầu và đường lớn được thông lên tận biên giới và các tuyến đường khác trong nước.

“Ban ngày bom phá thì ban đêm làm lại. Có những dịp cao điểm cầu, đường bị phá quá nhiều khiến chúng tôi phải huy động cả trâu và người dân bản địa cùng chặt, kéo gỗ về sửa chữa. Mỗi cây cầu được bắc ngang bằng 4 cây gỗ lớn, bên trên lát gỗ tròn và được cố định bằng đinh răng bừa”, ông Bích nhớ lại.

Cùng chung đơn vị với ông Bích, cựu TNXP Nguyễn Đình Cơ (SN 1932), ở thông Đồng Thanh, xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa cho biết, một đêm đang hành quân lên thị xã Lai Châu nhận nhiệm vụ thì đơn vị ông gặp trời mưa to, bất ngờ hàng nghìn khối đất đá đổ sập xuống đè chết 2 người.

Anh em trong đơn vị tìm kiếm 4 ngày nhưng hai đồng đội vĩnh viễn nằm lại giữa núi rừng hoang vu. Hay những ngày lương thực tiếp tế chưa kịp, cả đoàn mấy chục người kéo vào nhà dân xin cơm nếp để ăn qua ngày.

Theo ông Cơ, chính lòng căm thù giặc đã tiếp thêm sức mạnh cho ông và đồng đội phá được những tảng đá nặng hàng tấn chỉ với xà beng, cuốc xẻng, búa tạ; bốn năm người bê từng khúc gỗ vừa to vừa dài làm cầu; chui rúc giữa bụi rậm, gai góc đến tứa máu…. để nối thông đường.

Được biết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Thiệu Hóa có trên 340 tham gia TNXP nhưng đến nay chỉ còn 138 người còn sống.

Những con đường lởm chởm đá tai mèo, đèo cao, suối sâu ngày xưa phục vụ tải lương thực, đạn dược đã in đậm mồ hôi, xương máu của những chàng trai, cô gái xứ Thanh. Cho dù là quá khứ, hiện tại hay cả tương lai, họ mãi mãi là những anh hùng góp phần làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu” năm 1954.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.