| Hotline: 0983.970.780

Những quả bom chết chóc nhất hành tinh: Cả hòn đảo "bốc hơi" sau tích tắc

Thứ Tư 13/01/2016 , 06:15 (GMT+7)

Năm 1952, quân đội Mỹ thử nghiệm Ivy Mike, quả bom nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới, trên đảo Elugelab thuộc quần đảo Marshall ở Thái Bình dương. Sức nổ của quả bom đã khiến hòn đảo hoàn toàn biến mất.

Quả cầu lửa rộng tới 5km do quả bom tạo ra bao phủ đảo Elugelab, che kín bầu trời. Sóng xung kích làm biến mất mọi thứ trong phạm vi 5km, thổi bay các vật thể ở những đảo lân cận, không tòa nhà hay cây cối nào còn sót lại. Hai giờ sau vụ nổ, một số máy bay trực thăng được phái bay đến vị trí trước đó là đảo Elugelab. Hòn đảo đã biến mất. Thay vào đó là một cái giếng đục sâu xuống đáy đại dương, rộng 2km, chiều sâu đủ nuốt một tòa nhà 17 tầng.

13-07-45_32-ivy-mike-csing-nd-cooling
Quả bom Ivy Mike và hệ thống làm mát
 

Chạy đua

Mỹ chế tạo Ivy Mike bởi vì họ đang sợ hãi. Cuối năm 1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom “Tia chớp đầu tiên”, một loại bom hạt nhân tương tự hai quả bom được ném xuống Nhật Bản cuối thế chiến 2. Mỹ không còn là siêu cường hạt nhân duy nhất. Căng thẳng leo thang và Mỹ cần cái gì đó mới. Và đó là một quả bom lớn hơn, mạnh hơn trước.

Tháng 1/1950, Tổng thống Truman tuyên bố Mỹ sẽ phát triển một loại bom mới mạnh hơn bom nguyên tử. Một quả bom khinh khí (bom H) sẽ đưa Mỹ vào kỷ nguyên bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, công nghệ bom khinh khí còn quá mới mẻ.

Bom H là bom nhiệt hạch, có nghĩa là bom ứng dụng quá trình hợp nhất nguyên tử. Quá trình này tạo ra sức nóng tương tự cách thức của mặt trời và hàng triệu sao trên thiên hà tạo ra năng lượng của chúng. Hai nguyên tử nhỏ như nguyên tử khí hydro va đập vào nhau, kết hợp lại thành nguyên tử lớn hơn đồng thời sản sinh năng lượng. Nhưng vấn đề là quá trình hợp nhất cần sức nóng và áp suất cực lớn. Đó là lý do tại sao quá trình này dễ dàng diễn ra tại quả cầu lửa mặt trời nhưng khó khăn khi ở trái đất.

Năm 1951, Stanislaw Ulam và Edward Teller đã vượt qua rào cản này. Với ý tưởng kết hợp, cả hai đã chế tạo (trên lý thuyết) được bom nhiệt hạch. Để thực nghiệm ý tưởng, dự án Ivy đã ra đời.

Dự án Ivy được thiết lập với mục tiêu cải thiện hệ thống vũ khí hạt nhân của Mỹ theo hai góc độ. Hoặc là chế tạo một loại bom nhiệt hạch, hoặc chế tạo bom nguyên tử với sức công phá lớn hơn các bom nguyên tử trước. Quả bom nhiệt hạch Ivy Mike lúc ra đời là loại bom to nhất, nặng nhất và mạnh nhất thế giới.

 
13-07-45_elugelb113-07-45_elugelb2
Đảo Elugelab trước (1) và sau (2) vụ thử nghiệm

Tuy nhiên, nó chưa sẵn sàng để được ném từ máy bay. Thiết kế của nó mới chỉ đơn thuần là thử nghiệm nên trông bên ngoài nó giống một nhà để máy bay hoặc một nhà máy hơn là một quả bom. Nó được lắp đặt ngay trên đảo Elugelab. Quả bom chính cao 6m, rộng 2m, được bọc trong hộp thép dày 30cm. Người ta gắn cho quả bom biệt hiệu “Xúc xích”. Nó nặng 56 tấn.

Ý tưởng của Teller và Ulam là đặt một quả bom lên đầu quả bom chính. Qua bom đầu tiên là một bom nguyên tử truyền thống. Nó sẽ nổ và trong tích tắc rất ngắn bị hãm trong hộp. Sức nóng và xung lực của nó được hướng xuống dưới và tác động vào bình trữ khí hydro. Nếu đủ lực, quá trình hợp nhất phân tử sẽ diễn ra và quả bom H sẽ được kích nổ.

Để làm mát cho quả bom, 18 tấn chất làm đông lạnh cryogenic được gắn với “Xúc xích”. Việc này giúp ngăn chặn deuterium (một dạng hydro) hóa lỏng bốc hơi.

Tính tổng thể, Ivy Mike nặng 74 tấn. Tháng 10/1952, quả bom hoàn tất nhưng người ta phải chờ các điều kiện phù hợp mới cho nổ. Có khoảng 20.000 người ở các đảo xung quanh có nguy cơ gặp nguy hiểm. Ngày 1/11/1952, thời tiết tốt. Các tàu quan sát vào vị trí cách quả bom 48km.

Ngay trước khi kích nổ, bốn máy bay chiến đấu F-84 được điều tới quan sát khu vực đảo Elugelab. Vào lúc 7h15 sáng, đồng hồ đếm ngược được kích hoạt. Mọi người trên các tàu quan sát đeo kính bảo vệ, có người quay lưng lại. Và một tiếng nổ cực lớn vang lên.

Giữa những đám mây sôi

Sức công phá của quả bom là 11 megaton, tức là sức mạnh của hàng triệu tấn thuốc nổ TNT. Thời kỳ bom nhiệt hạch bắt đầu. Những mảnh san hô rơi xuống lả tả như pháo giấy, phủ trắng một vùng rộng lớn.

Đám mây hình nấm chỉ trong 2 phút đã cao 33km, trải rộng gần 19.500km2. Những gì đã xảy ra? Nhiệm vụ của bốn chiến đấu cơ F-84 là phải tìm ra câu trả lời. Các máy bay được trang bị thiết bị lấy mẫu phóng xạ ở các đầu cánh. Dữ liệu được mang về phân tích. Sau khi kích nổ 90 phút, các máy bay được lệnh bay tới đám mây hình nấm cao 32km. Họ không thể bay tới phần mũ nấm vì động cơ và lượng nhiên liệu không cho phép.

Hai máy bay đầu bay thẳng vào đám mây và thoát ra sau 5 phút. Hai chiếc sau lao vào và bị mắc kẹt. Một chiếc vừa lượn vòng thì bị tròng trành dữ dội và mất độ cao 6km trong đám mây đang sôi lên. Viên phi công cố gắng kiểm soát máy bay và thoát ra nhưng anh không thấy máy bay tiếp dầu cũng như chiếc chiến đấu cơ còn lại. Cuối cùng anh nhìn thấy đài phát sóng radio trên đảo Enewetak và bay đến đó. Hòn đảo hiện ra nhưng chiếc máy bay đã bốc cháy trong khi hết sạch nhiên liệu. Máy bay rơi xuống nước nhưng viên phi công không thể thoát ra. Người ta không tìm thấy xác chiếc máy bay và viên phi công, đại úy Jimmy Robinson.

Còn đối với đảo Elugelab, nó hoàn toàn biến mất và sau này không còn được hiển thị trên các loại bản đồ. Trong 30 năm, Mỹ chi hàng trăm triệu USD để tẩy uế cho dãy đảo san hô ở quần đảo Marshall, nơi họ thử nghiệm Ivy Mike. Năm 1980, họ tuyên bố khu vực này đã có thể ở được và người dân trong năm đó cũng đổ về đây.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cũng vẫn rất kín miệng về vụ thử, cho đến năm 1954, khi Liên Xô chế tạo quả bom nhiệt hạch đầu tiên của riêng họ có tên Sloika. Cuộc đua vẫn tiếp diễn.

(theo mostlyodd.com, ctbto.org)

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.