| Hotline: 0983.970.780

Những trưởng bản mù chữ: Người có ba đầu sáu tay

Thứ Tư 17/12/2014 , 08:26 (GMT+7)

Tôi cứ nghĩ, trưởng bản Tà Cóm Thào A Thái phải có ba đầu sáu tay mới kham nổi khối lượng công việc khổng lồ./ Thủ lĩnh đỉnh Sài Khao

Miễn thu quỹ bản

Tôi gặp Thào A Thái, Trưởng bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) khi anh đang tập viết chữ O, chữ A ở lớp học phổ cập giáo dục tại UBND xã.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh gãi đầu giải thích: “Năm 2005, mình cũng đăng ký lớp học xóa mù ở bản rồi nhưng thầy giáo bận quá, chỉ dạy được 7 buổi tối là về. Mình mò mẫm tập viết mãi vẫn sai chính tả be bét, giờ phải luyện thêm”.

Bản Tà Cóm cách trung tâm xã 40 cây số. Chúng tôi phải đánh vật trọn một buổi chiều với những dốc núi dựng ngược và 7 dòng suối cắt ngang đường mới tới.

Anh Thái kể: Khi chưa có những cây cầu tạm qua suối do các hộ dân tự dựng rồi thu phí 5.000/lượt, bà con phải trả từ 30.000 - 100.000 đồng/lượt qua bè (tùy thuộc vào mực nước dâng cao hay thấp, đi xe hay đi bộ). Giá cả hàng hóa vì thế cũng đội lên rất nhiều.

14-26-23_nh-1
Đường vào bản Tà Cóm

Từ năm 2012, Nhà nước hỗ trợ 10 kg gạo/người/tháng để trồng rừng theo dự án 147. Xã chia cho bà con không thiếu 1 lạng nhưng khi đến Tà Cóm, mỗi người chỉ nhận được 4 kg. Bởi hai lần bốc hàng lên, xuống ô tô mất 150.000 đồng/tấn. Xe chạy từ UBND xã Trung Lý đến suối bản Chiền thì không có lối sang. Tài xế thu cước vận chuyển 10.000 đồng/yến rồi quay đầu. Từ đây phải thuê người chở bằng xe máy. Mỗi yến gạo trả công 4 kg.

Ngoài gạo, mỗi hộ dân ở Tà Cóm còn được hỗ trợ 15 gói bột canh (riêng hộ nghèo được thêm 2 kg muối/người/năm). Nhưng bà con không xuống nhận hết được, đến giờ vẫn đang tồn kho hơn 2 tạ muối. Trong số 88 nóc nhà ở Tà Cóm, có tới 62 hộ nghèo. Hàng chục hộ mỗi năm đói 2 - 3 tháng.

Thời trước, sau khi thu hoạch lúa nương, mỗi khẩu phải đóng cho quỹ bản 5 kg thóc để chi trả các hoạt động tiếp khách, hội họp… Năm 2006, Thào A Thái (SN 1975) làm trưởng bản, thấy bụng của dân đang đói, anh không lỡ thu một hạt thóc. Từ ấy đến nay, quỹ bản lúc nào cũng rỗng tuếch rỗng toác.

Anh Thái nhẩm tính mỗi năm có vài chục lượt khách đến Tà Cóm công tác. Đường đi xa xôi mệt nhọc, cả bản không có lấy một hàng quán nên bao giờ cũng mời họ ở lại ăn bữa cơm với gia đình. 9 năm qua, số lần trưởng bản tự bỏ tiền tiếp đón khách không đếm xuể.

Đầu tháng trước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trung Lý tổ chức hội nghị tại nhà trưởng bản Tà Cóm. Bản phải tự lo kinh phí làm 8 mâm cơm tiếp đón đại biểu. Anh Thái nhờ người lên đồi đuổi bắt con lợn 29 kg của nhà mình đãi khách. Dân bản không phải đóng góp một đồng.

Cũng đầu năm nay, đoàn công tác của huyện Mường Lát gồm 30 người về thăm Tà Cóm. Trưởng bản mừng vì lãnh đạo quan tâm đến đời sống của nhân dân, nhưng lo vì chưa có tiền làm tiệc thết đãi, bí quá, anh Thái "nịnh" vợ đồng ý cho giết con lợn 22 kg, 5 con gà và mua chịu 20 lít rượu làm cơm.

14-26-23_nh-2
Anh Thái thăm gia đình ông Phàng A Chỉnh

Trưa ngày 2/12, khi câu chuyện của chúng tôi đang dở dang thì tiếng chuông điện thoại vang lên, lát sau trưởng bản Thào A Thái cho biết: “Chẳng giấu gì anh, ngày mai có một đoàn từ thiện 20 người vào thăm và trao quà cho các cháu học sinh điểm trường Co Cài, Pá Búa. Thầy Nguyễn Trọng Hán, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Lý II gọi điện vào đề nghị bản Tà Cóm hỗ trợ một con lợn 25 - 30 kg để tiếp đón. Các bản khác như Co Cài hỗ trợ toàn bộ gạo và rượu; bản Pá Búa hỗ trợ con lợn 20 kg; bản Cá Giáng và Cánh Cộng góp 2 con chó”.

“Phụ cấp trưởng bản của mình được 900.000 đồng/tháng. Hằng tuần phải xuống xã ít nhất 1 lần. Quãng đường đi xa hơn 40 km đường núi, tiền ấy chẳng đủ xăng xe, phí qua cầu và sửa chữa xe máy. Để tiếp đón các đoàn công tác của bản và hỗ trợ người khó khăn, mỗi năm mình phải bán 1-2 con bò để bù vào”, trưởng bản Thào A Thái nói.

Chưa kể mỗi dịp Tết Trung thu, anh Thái đều mổ lợn làm cỗ động viên thầy cô cắm bản xa nhà.

Trăm việc phải lo

Ông Bí thư Chi bộ bản Thào A Tính nghiện thuốc phiện, nói dân không ai nghe. Bản đội trưởng Thào A Danh cũng lao vào ma túy 3 năm nay. Sùng A Su (41 tuổi) - cán bộ Mặt trận kiêm Hội Người cao tuổi của bản là người mù chữ. Vợ ông vừa mới đẻ đứa con trai thứ 13 hơn 1 tháng trước, đặt tên là Sùng A Lếnh. Bận bịu chăm sóc đàn con đông đúc đã mệt  rồi nên những buổi họp Hội Người cao tuổi, ông Su lại nhờ trưởng bản ra mặt chỉ đạo thay.

Giàng Thị Sê,  Chi hội Phụ nữ bản, cũng mù chữ. Mới 27 tuổi đã có 4 mặt con. Lần nào đi vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình chị Sê cũng bị “nói kháy”. Sau này chị Sê chán, chẳng hoạt động gì, công việc đẩy cho trưởng bản. Chức Chi hội trưởng Chi hội Nông dân cũng do trưởng bản kiêm nhiệm.

Bao lâu nay, chức vụ thú y viên vẫn trống ghế. Con lợn nhà ai bị ốm, chủ hộ lại gọi anh Thào A Thái vác bơm kim tiêm đến chọc hộ thuốc.

Cuối năm trưởng bản Thào A Thái dùng toàn bộ số tiền phụ cấp nhận khoanh nuôi bảo vệ hơn 20 ha rừng của gia đình tặng cho lãnh đạo các đoàn thể của bản 100.000 - 200.000/người để họ hăng say làm việc.

14-26-23_nh-4
Gia đình chị Thào Thị Pàng (người bị cụt đốt chân, đốt tay bên trái) luôn được trưởng bản Thào A Thái hỗ trợ gạo và tiền những lúc khó khăn

Ở Tà Cóm, gia đình ông Phàng A Chỉnh, thiếu đói kinh niên. Một lần bà Hạng Thị Sua, vợ ông Chỉnh, đi phát rẫy cùng con trai, chẳng may bị cành cây đâm vỡ sọ, ngất lịm. Anh Thái phải lấy dây buộc sau lưng rồi nổ xe máy đi vòng qua đường Pù Nhi 4 tiếng mới lên đến huyện cấp cứu. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng đầu óc bà lơ ngơ. Ông Chỉnh một mình nuôi 6 đứa con. Nhiều lần hết gạo, ông đi bộ mấy cây số xuống bản Cánh Cộng mua chịu nhưng chẳng ai dám bán. Anh Thái lại đứng ra bảo lãnh để chủ quán yên tâm giao hàng.

Năm 2011, con trai cả của ông Chỉnh là Phàng A Nhà lấy vợ nhưng không có đủ tiền tổ chức đám cưới, anh Thái vừa bán chịu cho ông Chỉnh một con bò với giá thấp hơn 2 triệu đồng so với ngoài thị trường và cho mượn thêm 5 triệu đồng. Nghe tin thấy ai ốm đau, bệnh tật, trưởng bản Tà Cóm lại tìm đến tận nhà thăm hỏi và giúp đỡ.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý Lương Văn Quang bảo: “Một người tâm huyết với dân bản như anh Thái quả là rất hiếm có. Ngoài chỉ đạo quần chúng tốt, anh cũng là một trong những điển hình trồng rừng với diện tích 10 ha xoan trong 3 năm”.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sơn La hỗ trợ hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới

Công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong các năm vừa qua tại tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của nhân dân...