| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn chiến tranh và và nỗi buồn giải thưởng

Thứ Bảy 13/08/2016 , 13:35 (GMT+7)

Cứ đến mỗi kỳ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước, thì công chúng lại xôn xao về những bất cập. Người nào được, người nào không được, trở thành câu chuyện râm ran lan ra ngoài giới cầm bút. Mùa giải thưởng năm nay, cái tin nhà văn Bảo Ninh bị trượt giải thưởng Nhà nước...

08-58-25_trng-36

 

Mùa giải thưởng năm nay, cái tin nhà văn Bảo Ninh bị trượt giải thưởng Nhà nước lại thu hút khá nhiều sự chú ý của bạn đọc. Bởi lẽ, nhà văn Bảo Ninh có tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” vang dội trong nước lẫn quốc tế.

Dù có số phiếu khá cao ở hội đồng cơ sở nhưng nhà văn Bảo Ninh lại có số phiếu khiêm tốn ở hội đồng quốc gia. Gần như không mang tính chuyên môn cụ thể, hội đồng quốc gia chủ yếu thẩm định những yếu tố toàn cục về tác giả như nhân thân, cống hiến, quan điểm…

Hội đồng quốc gia gồm 28 thành viên, do ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch làm Chủ tịch. Còn bốn phó Chủ tịch hội đồng bao gồm Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch- Lê Khánh Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương - Vương Văn Đỉnh và Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN - Hữu Thỉnh.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ nhà văn Bảo Ninh bị trượt là vì hội đồng quốc gia chỉ có bốn nhân vật cầm bút được tham gia, đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, còn các thành viên khác đều là đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện Bộ TT-TT, đại diện Tổng cục An ninh Bộ Công an, đại diện Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN và đại diện Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch.

Riêng nhà văn Bảo Ninh thì tâm sự: "Nói không buồn là không đúng. Tôi không nói cái buồn chỉ của riêng tôi mà tôi buồn cả về việc những người bạn, nghe nói, không được trong dịp này. Họ là những nhà văn tên tuổi trong thế hệ văn bút thời tôi: Văn Lê, Nguyễn Phan Hách, Hồ Anh Thái...

Mặt khác, nói nhiều về nỗi buồn của chúng tôi thì vô hình trung lại là đang xúc phạm những nhà văn sẽ đoạt giải, mà trong số các anh chị ấy những người tôi biết, theo tôi, rất xứng đáng. "Nỗi buồn chiến tranh" khi ra đời nó đã có nhiều sự ồn ào sau đó và có lẽ, đến bây giờ sự ồn ào ấy vẫn nặng dư âm. Bản thân tôi lại viết được quá ít. Một tiểu thuyết, dăm chục truyện ngắn, ngót trăm cái tản văn, bút ký, ghi chép...".

Nhà thơ – Đại tá Trần Anh Thái tỏ ra tiếc nuối dùm đồng nghiệp: “Nhà văn Bảo Ninh là một người lính thực thụ đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ của đất nước và theo đánh giá của hầu hết những người yêu văn học thì "Nỗi buồn chiến tranh" có một sức sống mãnh liệt vì nó đã viết về một thế hệ, một thời kỳ không thể nào quên của cả dân tộc. 

Cuốn sách đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 trong sự ghi nhận của cả một thế hệ cầm bút, của rất nhiều độc giả trong nước và trên thế giới. Nó đã tồn tại được gần ba mươi năm và đối với tôi, đó là một tác phẩm hàng đầu viết về chiến tranh của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng, vì sao nhà văn Bảo Ninh trượt giải thưởng Nhà nước? Điều này có những nguyên nhân cố hữu.

Thứ nhất, theo tôi biết, một nhà văn chân chính người ta viết văn, tôi biết chắc chắn rằng, không phải vì giải thưởng. Có những người viết theo mục đích để "săn" giải thưởng nhưng chắc chắn trong trường hợp của Bảo Ninh, viết văn là một nhu cầu tự thân, chứ không phải vì những giải thưởng này nọ. Anh là một người lính thực thụ đi ra chiến trận, chứng kiến nhiều nỗi đau, nhiều sự hy sinh và biết được giá trị của xương máu đổ xuống, chứ không phải là một người ở ngoài cuộc ngồi từ xa để "phán". 

Có lẽ chính vì thế, tác phẩm của anh đã sống mãi với thời gian. Về mặt tư cách, anh là một nhà văn trong sáng, có nhân cách, sống đàng hoàng... Như vậy, ở các mặt thì tôi cho rằng không có lý do nào bàn cãi và phủ định đóng góp của anh để có thể trao giải.

Thứ hai, thông qua chuyện của nhà văn Bảo Ninh, có thể thấy rằng, cần phải có một Hội đồng công tâm, trung thực và minh bạch. Chúng ta thường sống theo cảm tính, và nhiều người được trao nắm cán cân nhưng không đứng trên nền tảng cái chung nhất để nhìn nhận sự đóng góp của tác giả. Tôi cũng có biết ở một số cuộc trao giải, nếu không vận động thì không được bỏ phiếu(!)

Cũng có những giải thưởng thì người trong cuộc họ không đọc tác phẩm vì nhiều lý do, họ chỉ thống nhất để bỏ phiếu theo đa số? Họ nghe bằng tai chứ không thẩm định bằng nhãn quan của mình. Chính vì thế, ở các cuộc trao giải, cần hơn bao giờ hết một Hội đồng có những người giỏi thực thụ”.


Nhà văn Bảo Ninh

 

Dù bị trượt giải thưởng Nhà nước, nhưng “Nỗi buồn chiến tranh” vẫn là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi được quốc tế ghi nhận. Đến nay, “Nỗi buồn chiến tranh” đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới. Riêng tại Trung Quốc, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được ấn hành năm 2015 với lời giới thiệu của Diêm Liên Khoa – một cây bút tên tuổi của đất nước hơn 1,3 tỷ dân.

Với tựa đề “Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông”, Diêm Liên Khoa đã không tiếc lời ca ngợi tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, rằng: “Tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia đã có đến 26 năm trong quân đội, đọc xong tiểu thuyết này, cảm giác mãnh liệt nhất, đó chính là giả sử ngay từ cuối những năm 80 hoặc muộn hơn một chút vào đầu những năm 90, chúng ta có thể dịch “Nỗi buồn chiến tranh” sang tiếng Trung giống như “Vòng hoa dưới núi” của nhà văn Trung Quốc - Lý Tồn Bảo vừa xuất bản hồi đầu những năm 80 đã gần như đồng thời được dịch sang tiếng Việt, thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay”.

Bàn về giá trị nghệ thuật của “Nỗi buồn chiến tranh” để đi đến kết luận “là một sáng tác hiếm có của châu Á trong văn học thế giới”, Diêm Liên Khoa nhấn mạnh: “Điều khiến tôi kinh ngạc trong tiểu thuyết này, không chỉ là sự tàn khốc của chiến tranh cũng như sự hủy diệt của nó đối với tâm hồn con người, mà còn là cách thức xử lý hình thức nghệ thuật trong văn bản tiểu thuyết – tức phương pháp sáng tác tiểu thuyết: sáng tác của nhà văn Bảo Ninh và sáng tác của nhân vật chính của tiểu thuyết – Kiên, câu chuyện chiến tranh về Kiên và các nhân vật khác mà Bảo Ninh kể, câu chuyện về thân phận trong tiểu thuyết mà Kiên sáng tác cho đến cả việc đọc và sắp xếp cuốn tiểu thuyết trong tiểu thuyết của người viết ở cuối tác phẩm, tất cả tạo nên một cốt truyện ghép mảnh và sáng tác chồng xếp, khiến cho Nỗi buồn chiến tranh đạt đến kết cấu gấp hộp một cách vô cùng thành công. Chính lối tự sự có thể gọi là kết cấu gấp hộp này đã làm cân bằng và trì hoãn một cách hầu như hoàn mĩ đối với sự mạo hiểm của tính trữ tình quá độ trong cốt truyện tiểu thuyết, khiến cho phong cách trữ tình và nghị luận kiểu sân khấu kịch trong văn học truyền thống phương Đông trở thành thứ màu sắc phương Đông trong văn học thế giới (tính trữ tình trong tiểu thuyết của Yasunari Kawabata cũng có màu sắc này)”.

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid vô địch Laliga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.