| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn của mẹ

Thứ Sáu 15/03/2013 , 08:08 (GMT+7)

Ngày 8/3, mẹ em được 91 tuổi. Một người mẹ phi thường và nếu có lời lẽ nào hơn em cũng dành hết cho mẹ.

Ảnh minh họa
Chị ạ!

Ngày 8/3, mẹ em được 91 tuổi. Một người mẹ phi thường và nếu có lời lẽ nào hơn em cũng dành hết cho mẹ.

Mẹ tham gia tiếp tế nuôi quân từ năm 13 tuổi, chống Pháp, Nhật đến chống Mỹ, mẹ còn nuôi 6 đứa con thành người. Mẹ chỉ ao ước hòa bình để ngủ một đêm không lo sợ bom đạn và tù đày. Vậy thôi. Và ngày đó đã đến, mẹ không cần một đãi ngộ nào. Cha em sau khi rời chiến trường với thương tích bệnh tật, ông về hưu sớm và ra đi khi gia đình còn lắm khó khăn. Mẹ lại một lần nữa gồng lên gánh vác. Mấy anh chị em tiếp tục đi học và lần lượt có gia đình, chỉ có em còn nhỏ nên tiếp tục học lên và rồi cũng rời mẹ đi lấy chồng.

Từng bị tù đày, tra tấn, lại quá gian nan sau đó, bây giờ con cái có chu toàn đến mấy thì sức khỏe mẹ cũng rệu rã dần. Chỉ có đôi mắt mẹ luôn sáng và suy nghĩ của mẹ luôn thấu đáo minh mẫn lạ thường. Mẹ bảo mẹ hạnh phúc lắm khi năm đứa con gái dù còn cực khổ nhưng luôn quan tâm đến mẹ, vậy mà trong sâu thẳm  mẹ lại buồn vì có một mống con trai mà mẹ hy sinh ngang bằng với hy sinh cho Đảng, cho đất nước thì…

Ở thôn, dư đồng nào mẹ đều tích cóp cho anh, trước anh còn tham gia công việc gia đình sau mỗi tuần đi dạy nhưng lấy vợ rồi không chịu ở nông thôn để tránh né việc ruộng đồng. Vậy là mẹ phải gồng lên để làm ra khoản tiền cho anh xuống phố mua đất, mua xe, chiếc xe cà tàng nhưng mẹ phải bán mấy mẫu mía, mấy héc-ta bạc hà mới sắm nổi.

Bỗng anh trai em chuyển nghề, lên phó chủ tịch rồi chủ tịch huyện giữa lúc thành phố ào ạt cơn lốc giải tỏa đền bù. Chị dâu em tha hồ đếm tiền, tha hồ đi du lịch nước ngoài cùng bên nhà chị và mua bất động sản, tiền lại đẻ ra tiền. Bây giờ mới thấy tiền nhiều thì tình cũng cạn, căn nhà cấp 4 và mảnh đất cằn cỗi ngày xưa giờ đền bù gần 8 tỷ đồng, khi anh trai đưa mẹ đi công chứng mảnh đất cha mẹ đứng tên, anh có cho mẹ được 400 ngàn, mẹ khoe vậy còn đền bù thế nào mẹ cũng chẳng cần biết. Ba mươi năm mẹ ở một mình sau khi con trai lấy vợ và làm quan, mẹ không có gì ngoài lương trợ cấp người có công, thỉnh thoảng mấy đứa con gái về mua quần áo, giày dép và giúp mẹ lo cũng giỗ cúng ông bà.

Lúc ấy mẹ nói tuy không thiếu thốn nhưng mẹ buồn vì không thể ở cùng với những người mà mẹ kỳ vọng. Khi mẹ không tự mình làm những việc của bản thân được thì mấy người con gái lại thay nhau về tắm rửa, xoa bóp những cơn đau do chiến tranh và thời tiết gây ra, nhưng không thể nào xoa dịu được trái tim hy vọng của một người mẹ luôn coi trọng việc nối dõi tông đường.

Cuối năm rồi mẹ ốm nặng, anh chị ngỡ mẹ sắp ra đi nên đưa lên phố nhằm lo hậu sự. Nhưng gặp con gặp cháu mẹ lại khỏe ra, âu cũng là cái khổ. Mẹ khỏe ra và mẹ lại thấy được nỗi buồn vây quanh mình, nhà thì giàu có, ai ở phòng nấy, sáng mạnh ai nấy đi, chỉ có bà giúp việc ngày  ba lần đưa cơm nhưng mẹ không còn cầm đũa cầm muỗng được mà mẹ lại ngại để người dưng đút gắp. Mẹ cứ đòi làm sao để nhanh theo cha. Mùng 8/3, em gởi quà và tiền, mẹ ngồi cô đơn bên tô cháo trắng, con trai bận đi làm từ sáng, con dâu đang cùng lũ bạn đóng cửa đánh bài… Mẹ bảo mẹ biết số tiền này không nằm lâu trong túi mẹ, trong khi con gái mẹ còn khó khăn vô cùng. Con trai con gái mà chi, đúng không chị? Mong được chị chia sẻ.

Em xin chị đừng công bố email

Em thân mến!

Câu chuyện của em thật đau lòng nhưng sự thật lại diễn ra nhan nhãn khắp nơi như vậy. Biết bao nhiêu kẻ thưa kiện bố mẹ để ép phải chia đất chia của. Cũng không ít kẻ còn đẩy bố mẹ ra đường để cướp nhà. Có phải do kinh tế thị trường không? Không đâu, ở những nước xã hội kinh tế thị trường đỉnh cao đã có luật pháp can thiệp, hoặc có nhà dưỡng lão để người già gửi gắm tấm thân. Ở ta mọi thứ còn mới bắt đầu, tập tọng, giàu xổi do các dự án, trong đó có không ít dự án để các quan được đền bù cao. Và số hư hốt vì vậy mà hay rơi vào các quan, từ đó xã hội bất an, nhà dột từ trên nóc dột xuống.

Anh trai em đã thành quan huyện và chị dâu em đã thành quan bà rồi. Hồi chị ở Hà Nội, một cô bạn ở cửa hàng Shiseido, (một loại mỹ phẩm cao cấp của Nhật) kể rằng, có những quan bà cấp huyện mỗi lần ra thủ đô dám vung tay sắm hàng mấy chục triệu tiền chăm sóc sắc đẹp. Họ xài như vậy thì trong két nhà họ phải có tiền tỷ! Và những người máu lạnh như anh trai em mới dễ thành đạt vì trong mắt họ không có người thân. Đường càng quang, sự thăng tiến của họ càng nhanh.

Con trai con gái gì cũng phải có nghĩa vụ như nhau. Mọi người bình đẳng trước người mẹ của mình. Ấy là chưa nói con gái xót mẹ hơn con dâu, vì vậy mà quan tâm hơn. Em hãy thử xem lại sâu xa trong tình cảm của em đi, mẹ ruột làm em đau lòng hơn hay là mẹ chồng? Và ai lo cho mẹ được cứ lo, rồi sẽ không còn mẹ để lo nữa đâu. Nhất định cái ngày cay nghiệt ấy đã gần kề. Anh trai tồi nên chị dâu mới tệ, lấy đâu ra hiếu nghĩa ở mấy đứa cháu nội?

Vì vậy thôi đừng làm khổ thêm vì những xét nét (rất tự nhiên) ấy. Mẹ biết hết và mẹ đã không tập cho con trai có hiếu từ khi nó nhỏ xíu rồi, thậm chí mẹ còn đội nó lên đầu nên nó mới ích kỷ, vô đạo thế. Âu cũng là nỗi khổ của mẹ, nếu không thì mẹ trọn vẹn hết ư?

Rất mong em là người có học nhất, em hãy chủ đạo trong việc gạt bỏ phiền trách để 5 chị em cùng chăm lo cho mẹ được chút gì hay chút ấy, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm