| Hotline: 0983.970.780

Nơi người dân quanh năm không dám mở cửa!

Thứ Tư 08/08/2018 , 13:45 (GMT+7)

Nhiều năm qua, người dân xóm Trang, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) bị tra tấn bởi tiếng ồn, bụi bặm từ các nhà máy SX thức ăn chăn nuôi (TĂCN), SX bao bì.

Chúng tôi đến đây vào những ngày nắng nóng, thực sự cảm nhận đây là một cực hình!
 

Những ngôi nhà kín cửa

Điều đầu tiên là cảm giác nôn nao, khó chịu, thấy người dân ai cũng đeo khẩu trang bởi mùi thối khẳm, khét lẹt. Kế bên khu dân cư là một con mương chết đen kịt, không gì sống nổi ngoài cỏ dại, rong rêu.

Biết chúng tôi là nhà báo, người dân xóm Trang từ những ngôi nhà kín như bưng ùa ra kể lể, tâm sự, như để “xả” hết nỗi thống khổ. Bà Lê Thị Chằm, vừa nói vừa chỉ tay vào đứa cháu bế trên tay: “Thằng cháu nhà tôi mới 15 tháng mà tiền thuốc nhiều hơn tiền ăn. Nhìn nó tôi ứa nước mắt, không biết tương lai ra sao. Chúng tôi già rồi có hít thở độc hại chết đi cũng chẳng sao”.

14-28-44_nh_1
14-28-44_nh_2
Xóm Trang, nơi những ngôi nhà luôn “cửa đóng, then cài”

Anh Nguyễn Văn Chuyên than phiền: "Do ở gần các cơ sở SX, nên xóm này nhà nào cũng “cửa đóng, then cài” để tránh mùi hôi thối, ú uế xộc vào, ngày cũng như đêm, không chịu được. Cực nhất, là bữa cơm sum họp gặp những hôm gió to, nắng nóng, thì mùi thối tạt vào chỉ trực nôn mửa, còn ăn uống gì nữa".

Mùa World Cup, bà con tập trung đông vui cổ vũ đội mình thích, đang mải xem bóng đá ngoài sân thì cái mùi thối quen thuộc lại kéo đến bủa vây, ai nấy đều nhanh chóng bịt mồm, bịt mũi chạy tán loạn về nhà đóng sập cửa lại. Cứ như vậy xóm làng lại quay về cảnh hiu quạnh, vắng vẻ trong những ngôi nhà không bao giờ mở cửa.

14-28-44_nh_3
Tuy đóng cửa 24/24 và lau dọn thường xuyên nhưng ban thờ nhà bà Chằm vẫn đầy bụi

Bà con đặt dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường, chính quyền để các cơ sở “vô tư” hoạt động, hành hạ người dân. Các cơ sở SX này đều của tư nhân “mua đi, bán lại” công nghệ máy móc cũ kỹ, làm thủ công thô sơ, do vậy ô nhiễm ngày một tăng lên theo cấp số nhân.

14-28-44_nh_4
Những ống khói này đang ngày đêm hành hạ người dân

Ông Nguyễn Đức Hồng, xóm trưởng cho biết: Từ khi các NM này kéo về, trẻ em bị bệnh đường hô hấp tăng cao rõ rệt. Cùng với đó, xuất hiện nhiều trường hợp ung thư vòm họng, phổi… Những người này đều làm ruộng, lâu nay vẫn khỏe mạnh không tiếp xúc với độc hại
 

Mương còn "lăn ra chết"

“Con mương cạnh tường rào các cơ sở SX trước đây được xây dựng với mục đích cấp nước phục vụ nông nghiệp. Cả cánh đồng chỉ trông chờ vào nguồn nước này. Nhưng nay mục đích của nó thay đổi hoàn toàn, chuyển sang chứa nước thải cho các cơ sở SX kia”, ông Hồng buồn rầu nhìn về phía con mương đen kịt, không có dấu hiệu sự sống.

14-28-44_nh_5
Nước mương đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối

Ngày xưa, mỗi khi nước mương về bà con vui mừng, sung sướng, hăng say ra đồng làm việc bao nhiêu thì giờ lo lắng, mất ăn, mất ngủ bấy nhiêu. Ông Hồng chia sẻ: Con mương "chết" dần do nước thải độc hại của các NM. Vào ngày bình thường gần như không thấy dòng chảy của nó, có một chút nước thì đen ngòm, bốc mùi hôi tanh. Cây lúa dính phải nước mương là y như rằng xuất hiện sâu bệnh, mùa màng thất bát.

Để khắc phục bà con làm tấm bê tông chặn cống lại, tránh nước tràn vào ruộng. Tuy không ngăn ngừa được triệt để nhưng phần nào giúp giảm tác hại tới SX nông nghiệp. Khi bà con bịt đường ống xả thải của các NM đó lại thì họ lại mở đường ống, cửa xả mới. Tới nay, đã có hàng chục đường ống nhựa cùng các cống đào ngay ở tường rào các NM xả nước ra mương.

14-28-44_nh_6
Người dân phải sử dụng tấm bê tông để chặn nước ô nhiễm từ mương tràn vào đồng ruộng

Sự việc diễn ra cả chục năm nay. Đến bao giờ người dân nơi đây mới được hít thở bầu không khí trong lành, mở tung cánh cửa ra đón những cơn gió mát lành?

Thủ phạm chính là Cty TNHH Bao bì nhựa VNA và các NMSX TĂCN, tái chế nhựa, thuê lại nhà xưởng của 2 Cty TNHH Thương mại và sản xuất Kiên Cường, Cty TNHH Dệt may Quang Lan.

“Thời điểm vàng” để các cơ sở xả nước thải, là vào hôm mưa gió, nước mương dâng cao. Các hệ thống cống đào và ống nhựa được lắp ở dọc tường rào đã trực chờ sẵn, chỉ đợi lúc này đồng loạt xả thải. Khi đó sẽ rất khó phát hiện vì các ống cống nằm dưới mực nước, còn nước thải thì được pha loãng vào mương.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.