Nông dân văn minh không phải là bỏ hết giá trị truyền thống
“Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến. Hiểu về nông dân văn minh thì đây là khái niệm rất rộng, nhưng đầu tiên là nông dân phải hướng đến chuyên nghiệp hóa, coi nông nghiệp là một nghề như các nghề khác, vừa có nghĩa vụ, trách nhiệm nhưng cũng có quyền lợi, đảm bảo thu nhập, có các chính sách xã hội như trợ cấp hưu trí, bảo hiểm…
Bên cạnh đó, nông dân cũng phải tôn trọng luật pháp, có trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm ở đây là phải tự nhận thức được các yêu cầu của xã hội, chủ động sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn chất lượng, dinh dưỡng, minh bạch thông tin, không gây ô nhiễm môi trường, thậm chí hiện nay còn phải đáp ứng những nhu cầu hiện đại của xã hội như phát thải khí nhà kính thấp, không phá rừng, không phá hủy môi trường…
Nông nghiệp là ngành có truyền thống lịch sử, dù chúng ta đang chuyển đổi sang chiến lược nông nghiệp sinh thái bền vững nhưng không phải là bỏ hết các giá trị truyền thống. Chẳng hạn như nghề trồng lúa nước của Việt Nam đã có cả ngàn đời nay rồi, tuy có sự biến đổi theo từng thời điểm lịch sử, trong giai đoạn tới phải phát triển bền vững hơn, giảm phát thải khí nhà kính, đấy là những điều chỉnh. Tuy nhiên, việc kết hợp những giá trị truyền thống và bền vững là rất quan trọng, đấy mới là nông dân văn minh, chứ không phải văn minh là bỏ hết giá trị truyền thống.
Làm nông nghiệp bây giờ không phải chỉ để cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn là bảo vệ môi trường, phát triển du lịch… Mà muốn thu hút du lịch thì phải có những giá trị truyền thống, bảo tồn được những di sản nông nghiệp.
Nông dân Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá cực kỳ năng động. Tuy nhiên, điểm yếu là thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu thị trường, quy mô nhỏ, tinh thần hợp tác và tham gia hợp tác xã chưa tốt.
Muốn tham gia vào thị trường, muốn hiện đại hóa nông nghiệp, dứt khoát phải hợp tác. Với nông dân quy mô nhỏ ở Việt Nam, 100% phải tham gia hợp tác xã, nhưng hiện nay chưa đạt được yêu cầu này. Việc tham gia vào hợp tác xã sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà từng hộ nông dân đơn lẻ không làm được. Chẳng hạn, muốn chứng nhận chất lượng vùng sản xuất phải chứng nhận theo hợp tác xã, không thể chứng nhận đến từng hộ được. Muốn sử dụng máy nông nghiệp, cơ giới hóa, công nghệ, làm nông nghiệp phát thải thấp… cũng phải hợp tác với nhau. Cần nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Nếu có thông tin đầy đủ, nhận thức đầy đủ, được tiếp cận với tín dụng, khuyến nông, đào tạo, nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều phi thường.
Nông dân không được đào tạo sẽ khó thích ứng với các điều kiện mới
Ngành nông nghiệp bị đánh giá thiếu nguồn lực lao động cũng đúng. Thứ nhất, hiện nay chủ yếu là người già ở lại nông thôn làm nông nghiệp, số lượng thanh niên tham gia lĩnh vực này tương đối ít. Thanh niên có xu hướng ra thành phố tìm các công việc khác có thu nhập cao hơn và đỡ vất vả hơn.
Thứ hai, ở một số vùng, đặc biệt là ở miền Bắc, miền Trung và miền núi thì phụ nữ làm nông nghiệp là chủ yếu, nam giới đa phần chuyển sang những ngành, nghề khác.
Lực lượng lao động như vậy sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới. Cấp thiết phải đa dạng hình thức đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, hướng đến chuyên nghiệp hóa.
Nông nghiệp nước ta hiện trong giai đoạn bản lề, chuyển từ nền nông nghiệp mang tính thâm canh, lấy năng suất làm hàng đầu sang hướng chất lượng cao, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ, trong đó có chuyển đổi số. Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và sâu hơn là chuyên nghiệp hóa. Đây là những yếu tố đòi hỏi nhu cầu mới. Nhu cầu về mặt kiến thức lớn hơn, rộng hơn, nhiều hơn và phong phú hơn giai đoạn trước. Như vậy, nếu người nông dân không được đào tạo, không được trang bị những kiến thức cơ bản thì sẽ rất khó khăn trong việc thích ứng với các điều kiện mới.
Phải đa dạng hình thức đào tạo
Hiện nay, chúng ta có trên 10 triệu hộ nông dân, việc đào tạo vì thế không đơn giản. Trong thời gian tới, trước tiên cần tăng cường đào tạo thông qua hệ thống các hợp tác xã. Giai đoạn hiện tại, chúng ta đang có chiến lược thúc đẩy hộ nông dân, khuyến khích họ tham gia vào hợp tác xã. Theo đó, việc đầu tiên là phải đào tạo cán bộ hợp tác xã để họ đào tạo lại cho nông dân.
Thứ hai, các nội dung đào tạo phải phù hợp với yêu cầu thực tế. Hiện nay, chúng ta vẫn có các viện, trường, các chương trình đào tạo nhưng nhìn chung bị lạc hậu so với thực tiễn. Chẳng hạn bây giờ nông dân muốn học chuyển đổi số thì ở đâu đào tạo? Rõ ràng, cần có sự hợp tác với các doanh nghiệp, công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thứ ba, các nhóm khuyến nông cộng đồng tuy nhiều nhưng cùng một lúc không thể giải quyết được hết các vấn đề. Phải đa dạng hình thức, cần tận dụng cơ hội của chuyển đổi số, công cụ số để tuyên tuyền thông tin, phổ biến tiến bộ kỹ thuật, phương thức quản trị tốt… đến từ từng nhóm khuyến nông cộng đồng.
Thứ tư, đối với những kiến thức mới, hiện có những kênh truyền thông rất tốt, ví dụ như Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngoài báo điện tử cũng đã có cả truyền hình hay như kênh VTC16 chuyên về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thứ năm, cần tích cực và huy động nguồn lực hợp tác quốc tế. Làm thế nào để thu hút các tiến bộ, công nghệ, khoa học kỹ thuật hay trên thế giới về áp dụng ở Việt Nam? Nhiều trung tâm quốc tế rất thích làm ở Việt Nam bởi nông dân nước ta rất năng động, áp dụng là có kết quả ngay. Đây là tín hiệu tốt, một bên có thông tin, kiến thức, nhu cầu chuyển giao, thậm chí có cả nguồn lực. Các viện, trường, đơn vị của Việt Nam có thể thu hút điều này.
Công nghệ có thể đến từ các công ty, doanh nghiệp tư nhân nữa. Bản thân nguồn lực nghiên cứu của Việt Nam hiện tương đối thấp nên không thể nghiên cứu được tất cả yếu tố mới, vì vậy hợp tác quốc tế, kể cả với khu vực tư nhân của nước ngoài cũng là giải pháp đáng quan tâm.
Cần chiến lược thu hút thanh niên làm nông nghiệp
Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Cần nhiều giải pháp để tháo gỡ. Trước hết, phải thúc đẩy cải tổ và tăng cường hệ thống năng lực của các viện, trường. Đây là động lực đầu tiên, phải có người cung cấp kiến thức.
Trong hệ thống các viện, trường, đầu tư của Nhà nước cho khoa học công nghệ đối với ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm đi. Nên điều chỉnh lại chiến lược này, cần đảm bảo đầu tư của Nhà nước. Kinh nghiệm của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc… trong quá trình đa dạng hóa ngành nông nghiệp cho thấy, Nhà nước phải tăng cường đầu tư cho nông nghiệp.
Hiện nay, nhu cầu về kiến thức, về mặt năng lực lớn hơn trước đây rất nhiều, số lượng lĩnh vực rộng hơn, có những lĩnh vực mới cần phải đầu tư cán bộ, phải có những người được đi học, được đào tạo, vì vậy nếu không có sự đầu tư từ Nhà nước sẽ bị tụt hậu so với nước khác. Hậu quả chưa thể hiện ngay bây giờ bởi hiện chúng ta vẫn thấy nông nghiệp đang phát triển, nhưng 5 - 10 năm tới, nếu không đảm bảo được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, không đảm bảo được mức độ tăng trưởng như hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng cần nhanh chóng gỡ rối những cản trở liên quan đến vấn đề tự chủ cho các viện, trường, đơn vị nghiên cứu… Hiện nay còn nhiều cản trở về mặt hành chính như tài chính, sử dụng tài sản công, chuyển giao các kết quả nghiên cứu… chưa được “cởi trói”.
Một điểm nữa là phải có chiến lược thu hút thế hệ thanh niên làm nông nghiệp. Hiện tại chúng ta chưa có chính sách này. Các nước châu Á trong khu vực đều có chiến lược này vì phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn tới.
Những hướng mới để thu hút nông dân trẻ
Thế hệ thanh niên chưa mặn mà với nông nghiệp, số lượng sinh viên đăng ký vào các trường nông nghiệp ngày càng giảm đi, sinh viên giỏi ngày càng ít đi. Thanh niên bây giờ không phải làm nông nghiệp như kiểu cha ông ngày xưa là tự cung, tự cấp. Muốn thanh niên làm nông nghiệp phải là doanh nghiệp nông nghiệp, phải là doanh nhân, có tư duy kinh tế nông nghiệp và có thu nhập. Muốn như vậy phải áp dụng công nghệ hiện đại, nông nghiệp “chân lấm tay bùn” như ngày xưa rất khó thu hút thanh niên.
Không phải không có cách để khắc phục vấn đề này. Trước hết, cần có những giải pháp mang tính chính sách nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận đào tạo. Chúng ta đang định hướng nông dân chuyên nghiệp, 10 triệu hộ rất khó nhưng nông dân thế hệ mới có thể bắt đầu chuyên nghiệp hóa dần dần.
Ở các nước để đáp ứng được những yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm…, không phải ai cũng được làm nông dân, muốn làm nông dân phải được đào tạo. Ví dụ ở Pháp, nếu thất nghiệp về vùng nông thôn không phải cứ thế ra ruộng làm là thành nông dân, mà phải chuyển nghề, đi học một năm rưỡi các kiến thức cơ bản liên quan đến nông nghiệp bền vững, sau đó mới được cấp giấy phép để làm nông dân. Tóm lại, họ coi nông nghiệp là một nghề, tương tự như các nghề khác.
Thế giới sau đại dịch Covid-19 đang nhìn lại toàn bộ vấn đề liên quan đến thực phẩm, từ sản xuất, phân phối, tiêu dùng, họ đang đưa ra khái niệm hệ thống lương thực thực phẩm. Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Về mặt chính sách, Việt Nam đã rất nhanh nhạy. Theo đó, nên thu hút thanh niên vào lĩnh vực thực phẩm, sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng là định hướng mới. Muốn như vậy phải có đào tạo tối thiểu.
Thực tế hiện nay đã có một số thanh niên ở thành phố, ở các lĩnh vực khác, thậm chí đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã mạnh dạn về quê để mở trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ số. Phải đào tạo cho thanh niên, phổ biến, truyền bá những mô hình nông nghiệp sinh thái hay nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch. Đây là những hướng mới để thu hút thanh niên làm nông nghiệp.
Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 đang thử nghiệm các hoạt động làm thế nào để thu hút được giới trẻ, thậm chí mở rộng đào tạo nông nghiệp sinh thái, tình yêu thiên nhiên vào các trường học, gắn với tiêu dùng.
Nông nghiệp phải có đầu ra, đầu ra liên quan đến nhận thức của người tiêu dùng, nên chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm có cả hoạt động đào tạo, giáo dục cho người tiêu dùng nhằm khuyến khích sử dụng những sản phẩm nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng… Có như vậy mới tạo được động lực cho ngành nông nghiệp, mới thúc đẩy nông dân sản xuất. Nhìn chung cần có nhiều giải pháp, nhưng phải đồng bộ từ sản xuất, chế biến cho đến tiêu dùng.
Phải có chính sách thu hút thế hệ thanh niên làm nông nghiệp. Hiện nay chúng ta chưa có chính sách này. Các nước châu Á trong khu vực đều có chiến lược này vì phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn tới.