Mặt trận không tiếng súng
Nữ binh sĩ Mỹ hoạt động tại nước ngoài |
Cuối thập niên 2000, dư luận Mỹ dậy sóng vì cuốn sách “Người lính cô đơn” của Helen Benedict. Trong cuốn sách dài vài trăm trang, được ví như xã hội thu nhỏ của những nữ binh sĩ tại Iraq sau cuộc chiến mà chính phủ nước này nhằm vào chính quyền Saddam Hussein, nỗi ám ảnh từ các nam đồng nghiệp luôn xuất hiện thường trực.
Hạ sĩ Chantelle Henneberry bị chỉ huy lạm dụng tình dục, nhưng khi trình báo sự việc lên cấp trên, cô bị trả thù bằng cách chuyển công tác sang một trại lính có đông đàn ông hơn. Jamie Leigh Jones bị 7 đồng đội cưỡng hiếp tập thể ngay trên đường phố Iraq, nhưng không ai đứng ra bảo vệ cô khi vụ việc được nêu ra. Đau đớn hơn, Tina Priest 21 tuổi đã chọn giải thoát bằng cách tự sát, chỉ 2 tuần sau khi đứng ra tố cáo một đồng đội hiếp dâm.
Những số phận như của Henneberry, Jones hay Priest không phải là điều xa lạ trong quân đội Mỹ. Mỗi năm, toà án binh nước này phải đứng ra giải quyết khoảng 6.000 vụ tố cáo vì quấy rối tình dục, nhưng chỉ có khoảng 5% số đó được lôi ra vành móng ngựa. Ngay cả những bị cáo này, dù bị khởi tố, cũng dễ dàng thoát tội do thiếu bằng chứng, hoặc viện một lý do đặc biệt trong quân đội.
Theo kết quả điều tra được một nhóm sinh viên tình nguyện của Đại học Yale công bố, cứ 10 nữ binh sĩ làm nhiệm vụ trong quân đội Mỹ thì có 6 người đã hoặc đang bị quấy rối tình dục. Tỷ lệ tăng cao với những quân nhân phục vụ ở các chiến trường xa xôi như Iraq, Kuwait hay Afghanistan. Điều đáng nói, những kẻ vi phạm đa phần là các nam đồng nghiệp. Trong một tuyên bố hồi những năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận, có khoảng từ 25 đến 40% nữ binh sĩ bị nam đồng nghiệp cưỡng hiếp khi hoạt động tại nước ngoài, và 90% trong số nạn nhân không dám đứng ra tố cáo.
Ngoài việc đối mặt với những kẻ thù bên kia chiến tuyến, những nữ binh sĩ Mỹ còn phải đương đầu với một mặt trận khác, gian nguy hơn, ngay sau những giờ làm việc. Họ gần như không có khả năng tự vệ, bởi “kẻ địch” ở khắp mọi nơi xung quanh.
Bê bối ảnh nóng
Tháng 3/2017, New York Times đăng tải một phóng sự dài kỳ về một nhóm trên Facebook, có tên Marines United. Đây là một nhóm kín, chỉ dành cho các nam binh sĩ. Mỗi người tham gia phải giữ bí mật tuyệt đối về sự tồn tại của nhóm cũng như những thông tin được trao đổi bên trong. Nhưng bằng một cách nào đó, nhật báo xứ cờ hoa đã vượt qua được các vòng dò xét để khui ra những sự việc động trời.
Trong bức ảnh được New York Times dùng để đăng tải thông điệp, những nữ binh sĩ thuộc doanh trại Lejeune, North Carolina, bị chụp lén từ phía sau trong tư thế cúi gập người, khi không có một mảnh vải trên thân. Hình ảnh này được nhóm kín Marines United chia sẻ chóng mặt và nhận vô số lời bình luận khiếm nhã.
“Tôi thấy đau lòng và phẫn nộ vì hành động này”, Erika Butner, 24 tuổi, một trong số các nữ quân nhân bị chia sẻ ảnh nhạy cảm phát biểu. Cô cũng cho rằng “không có từ ngữ nào có thể giải thích được hành vi sai trái này”.
Gloria Allred, luật sư của Butner, lên án mạnh mẽ hành động này và cho rằng đó là mầm mống của nhiều tội ác khác. “Một số kẻ đã bình luận và gợi ý về những chuyện đại loại như hãm hiếp hoặc tấn công tình dục. Điều ấy thật đê tiện và hèn hạ”.
Erika Butner và luật sư Gloria Allred trong một buổi họp báo |
Marines United được thành lập ban đầu, để các binh sĩ nam xả stress và nói chuyện phiếm. Nhưng dần dà, nó trở thành nơi đề họ đề cập và trao đổi các vấn đề tình dục. Một trong những câu nói được thành viên nhóm này yêu thích, đó là “Nếu không có được cô ấy, hãy cho cô ta nổi tiếng”. Chính từ “lời kêu gọi” không chính thức này, việc chia sẻ những tấm ảnh có nội dung đồi truỵ trở nên tràn lan.
Kelsie Stone, phục vụ quầy rượu tại một thị trấn có nhiều binh lính, vốn chia tay bạn trai là lính thủy quân lục chiến vào năm 2016. Sau đó một năm, cô được bạn gửi cho ảnh chụp hình khoả thân của cô đăng trong nhóm Marines United. “Tôi bị gọi là gái điếm, và sợ hãi đến mức không dám ra khỏi nhà một bước”, Stone rùng mình nhớ lại.