Nằm gần tuyến đường dẫn nối lên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, những năm qua, tại khu dân cư số 14 (thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) mọc lên nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống cho tài xế kèm dịch vụ tắm heo. Vậy nhưng, các cơ sở này lại không đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường. Một số cơ sở còn nối ống cho nước thải chảy thẳng xuống kênh mương tiêu nước dọc khu dân cư và cánh đồng Gò Mã gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
Ghi nhận khoảng 300m dọc theo tuyến đường này có đến 7 cơ sở kinh doanh, hàng ngày đều tấp nập phương tiện ra vào. Sau khi dừng nghỉ tại đây, các chủ xe đều tranh thủ sử dụng vòi phun nước tắm cho gia súc, rửa xe. Nước thải kèm theo phân gia súc sau đó chảy lênh láng khắp nền đường, tràn ra kênh mương thủy lợi, đồng ruộng khiến cho đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Huỳnh Đỗ Thành (khu dân cư số 14) bức xúc cho biết, nước thải từ các cơ sở dịch vụ tắm cho heo thải ra môi trường đã lấp hết hệ thống kênh mương thủy lợi chạy dọc khu dân cư. Nhiều năm qua, người dân nơi đây phải sống chung với nước thải đen ngòm, sủi bọt, ruồi nhặng, hàng ngày đều bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Không chỉ ô nhiễm môi trường mà chính nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa hết, cứ vào sáng sớm, trưa và tối, tại khu dân cư của chúng tôi luôn tấp nập các loại xe đậu, đỗ không theo trật tự, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho phương tiện khác lưu thông trên đường”, ông Thành nói.
Không chỉ cuộc sống mà hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con cũng bị ảnh hưởng. Gia đình bà Võ Kim Khanh (trú khu dân cư số 14) có 3 sào lúa ở gần khu vực này. Do nguồn nước thải từ các cơ sở dịch vụ tắm heo tràn vào đồng ruộng nên cây lúa sau một thời gian nảy mầm đều bị chết hoặc ngập úng. Vậy nên, suốt 7 năm qua, bà Khanh đành chấp nhận phải bỏ hoang.
Qua tìm hiểu, tại thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận hiện nay có 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sống dọc đường dẫn cao tốc bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do dịch vụ tắm heo. Trước thực tế này, trong các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri, người dân đều lên tiếng kiến nghị chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục, giúp người dân ổn định lại cuộc sống, sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo ông Phạm Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Hành Thuận, qua kiểm tra tại khu dân cư số 14 hiện nay mới chỉ có 1 cơ sở dịch vụ tắm cho heo xây dựng hệ thống thu lắng nước thải (nhưng không đảm bảo chất lượng); còn lại các cơ sở khác với lượng nước thải mỗi ngày khá lớn đều chảy trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
“Sau khi kiểm tra, UBND xã Hành Thuận đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với một trường hợp có hành vi vi phạm. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục chỉ đạo Công an và công chức môi trường kiểm tra các hộ làm dịch vụ tắm cho heo xả thải trực tiếp môi trường; đồng thời có biện pháp mở rộng, khơi thông lại hệ thống tiêu nước, phục vụ sản xuất của người dân...”, ông Tâm thông tin.