Không phá vỡ mặt bằng đất lúa
Những năm gần đây, ngoài phát triển nuôi thủy sản trong ao nuôi truyền thống, người dân Thái Bình đã và đang hình thành một số mô hình nuôi cá trong ao bán nổi, hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan.
Anh Lại Văn Hòa, thôn Tường An, xã Tân Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) sau thời gian bôn ba làm đủ nghề mưu sinh, nhận thấy đồng đất gần nhà người dân trồng lúa kém hiệu quả, nhiều hộ không còn lao động nông nghiệp vì đã chuyển hướng đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp; số diện tích ruộng cho mượn, không canh tác cũng dần tăng lên, anh đã mạnh dạn nhận thầu 8ha để trồng lúa kết hợp nuôi cá.
Đến năm 2017, anh dừng việc canh tác lúa, cải tạo toàn bộ diện tích, xây ao bán nổi tập trung nuôi cá theo hướng công nghiệp.
Anh Hòa cho biết, nuôi cá trong ao bán nổi có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi cá trong ao chìm truyền thống. Cụ thể, ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng nên giúp giảm chi phí làm ao khoảng 40%. Bởi lẽ, ao chìm sâu hơn nên tốn công đào, tốn diện tích chứa đất, trong khi ao nổi chỉ cần đào từ 30 - 50cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5 - 2m là có thể đưa vào sử dụng, thuận lợi cho việc cơi nới, mở rộng diện tích khi cần.
Việc không đào sâu cũng giúp ao nuôi giữ được mặt nền đáy ao cứng cáp, bằng phẳng, ít phải nạo vét bùn, rất thuận lợi cho việc thu hoạch và vệ sinh đáy ao.
Anh Hòa chia sẻ: Nuôi công nghiệp với mật độ cao, lượng thức ăn sử dụng cho 1 lứa rất lớn nên thức ăn dư thừa, phân thải của cá nhiều. Do đó, khi mặt đáy ao cứng cáp, bằng phẳng, việc rút nước được triệt để, sau đó phơi ải là có thể triệt tiêu được toàn bộ số tàn dư trong ao nuôi. Từ đó, giảm mầm bệnh, tiết kiệm chi phí nhân công, cá sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt, ao nổi giữ được nguyên hiện trạng của đất nên khi cần thiết có thể phục hồi lại được mặt bằng trồng lúa theo quy định.
Một lợi thế khác của ao bán nổi theo anh Hòa là diện tích mặt nước được mở rộng, khả năng đón ánh sáng, gió cao hơn ao chìm; sóng nhiều, thoát khí tốt, phù hợp với việc nuôi mật độ cao.
Ngoài ra, phương thức nuôi cá trong ao bán nổi đơn giản, có thể tận dụng hệ thống kênh cấp, thoát nước sản xuất lúa để phục vụ nuôi thủy sản, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, kiểm soát tốt dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, khắc phục được tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hoặc tự phát chuyển đổi, manh mún, phá vỡ mặt bằng canh tác.
"Nói không" với kháng sinh
Anh Lại Văn Hòa cho rằng: Lợi thế của ao bán nổi đã rõ, tuy nhiên để nuôi cá thành công thì các yếu tố về con giống, thức ăn, phòng trị bệnh... vẫn phải được đảm bảo.
Về con giống, đây là yếu tố then chốt, chiếm tới 70% thành công khi nuôi cá. Do đó, thay vì nhập giống như lúc đầu, hiện tại anh Hòa đã giành 2 ao để ương giống, vừa giúp chủ động được nguồn cung, vừa kiểm soát được chất lượng con giống.
“Trước đây, mua con giống ở xa nên trong quá trình vận chuyển cá bị trầy xước, tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập, khi thả nuôi tỷ lệ mắc bệnh, chết nhiều, thất thoát rất lớn. Bây giờ, tự ương được con giống, chuyển sang ao nuôi mất rất ít thời gian là xong một lứa, tiết kiệm được chi phí nhân công, giá mua. Cá giống được đảm bảo an toàn, thích ứng nhanh với ao nuôi”, anh Hòa chia sẻ.
Về phòng trị bệnh cho cá, nguồn nước được anh Hòa xử lý kỹ lưỡng bằng chế phẩm sinh học trước khi cấp vào ao nuôi. Sau khi thu hoạch cá, ao nuôi được rút cạn nước, phơi ải trong khoảng 20 ngày để diệt mầm bệnh. Bên cạnh đó, việc xử lý vệ sinh ao nuôi được thực hiện thường xuyên bằng cách sử dụng vôi bột đánh định kỳ 15 ngày/lần với lượng 2kg/100m2.
Đặc biệt, toàn bộ ao nuôi của anh Hòa không sử dụng kháng sinh, thay vào đó, anh xay tỏi, ngâm ủ với đường, dấm (theo công thức 10kg tỏi, 16 lít nước, 1kg đường, 1 lít dấm), dùng máy trộn đều với thức ăn công nghiệp cho ăn 2 - 3 lần/tuần để tăng sức đề kháng cho cá.
“Nói về phòng trị bệnh cho cá thì việc cho thêm tỏi vào thức ăn để tăng sức đề kháng còn tốt hơn nhiều so với dùng thuốc, vì nếu dùng quá nhiều kháng sinh cá sẽ chậm lớn, tồn dư nhiều trên sản phẩm”, anh Hòa khẳng định.
Về hiệu quả kinh tế, anh Hòa cho hay: Nuôi cá rô phi công nghiệp chi phí đầu tư rất lớn, nhất là thức ăn. Nếu tính trên 100 tấn cá, đến lúc thu hoạch hết khoảng 2,4 tỷ đồng tiền thức ăn (25.000 đồng/kg). Tuy nhiên, với lợi thế nuôi được mật độ cao nên hiệu quả kinh tế mang lại cũng không hề thấp.
Trung bình một năm anh xuất bán ra thị trường 2 lứa cá thịt với sản lượng 160 tấn và cá giống. Gần đây nhất, anh vừa xuất bán 70 tấn rô phi với giá bán 33.000 - 34.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh có lãi 7.000 đồng/kg.