Sạch côn trùng gây hại
Ông Nguyễn Phong Phú thực hiện mô hình nông nghiệp hướng hữu cơ trên tổng diện tích 5ha vườn ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Trong diện tích này, gia đình ông dùng 2ha thiết kế trang trại, vườn cỏ chăn nuôi bò sữa, 2ha nhà kính và 1ha nhà lưới trồng các loại rau củ quả.
“Mô hình chăn nuôi, trồng trọt được thực hiện gần như khép kín theo hướng hữu cơ. Phân bò được dùng để bón cho vườn cỏ và các loại cây trồng khác trong vườn và cây rất tươi tốt ”, ông Nguyễn Phong Phú thổ lộ.
Trong số diện tích nhà kính trồng rau củ quả, gia đình ông Phú dùng 4.500 m3 để trồng ớt chuông công nghệ cao. Điều đặc biệt, để chống lại các côn trùng gây hại, ông không dùng thuốc bảo vệ thực vật như các nhà vườn khác mà sử dụng loài nhện nhỏ li ti để làm thiên địch.
Ông cho hay, gia đình đang sử dụng nhện Ambly để khống chế các loại nhện hút nhựa cây, bọ trĩ, bọ phấn và dùng nhện Phyto để khống chế loài nhện đỏ gây hại. Ngoài ra, gia đình cũng dùng một loài côn trùng thiên địch để loài này sống ký sinh trên rầy thân mềm và tiêu diệt loài rầy này.
“Mô hình dùng nhện thiên địch ở vườn ớt của gia đình được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ thực hiện. Đến nay, việc áp dụng thiên địch đã bước qua tháng thứ 4 và tôi thấy rằng lượng côn trùng gây hại trên cây trồng đã giảm đến 80%. Lá cây bóng mượt, cây phát triển tốt và cho trái rất đều đặn”, ông Nguyễn Phong Phú chia sẻ.
Theo chủ vườn, cây ớt chuông thường xuất hiện các côn trùng gây hại khó phòng ngừa như nhện đỏ, bọ trĩ, bọ phấn. Hơn nữa, đây là những côn trùng có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, mức độ gây hại cho cây trồng rất lớn. Trường hợp cây bị nhện đỏ chích hút sẽ dẫn đến suy kiệt rất nhanh và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản.
Ông phân tích: Nếu không có thiên địch, người làm vườn phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật mới có thể phòng trừ được các côn trùng gây hại. Đặc biệt, các côn trùng này nhỏ, mắt thường khó thấy nên chỉ đến khi cây bị hư hỏng thì mới phát hiện nên việc khống chế rất khó khăn, tốn tiền của”.
Đối với cây ớt chuông, ông Phú bắt đầu thả thiên địch từ khi cây ra hoa và để thiên địch tự phát triển. Tuy nhiên, để thiên địch phát triển được ở vườn, gia đình ông Phong Phú phải tuân thủ quy tắc không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật nào khác.
Tiết kiệm chi phí, an toàn sức khỏe
Bà Nguyễn Thị Thùy, Kỹ sư nông nghiệp, Phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, mô hình dùng nhện thiên địch trên vườn ớt chuông của gia đình ông Nguyễn Phong Phú bước đầu cho hiệu quả cao. Côn trùng gây hại trên lá, hoa thậm chí cả rễ cây đều được khống chế đến 80%. Đây là mô hình phù hợp với xu hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ.
Theo bà Thùy, các loài côn trùng thiên địch phát triển rất tốt và khống chế được nhiều côn trùng gây hại khó phòng trừ như bọ trĩ, nhện đỏ, bọ phấn, các loại rệp và một số côn trùng ở dưới đất. Thả thiên địch nên chủ vườn không phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Cũng theo bà Thùy, sử dụng các thiên địch này, nhà vườn giảm được 40-50% so với chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Nếu tính trên đơn vị diện tích 1.000m2 thì bà con tiết kiệm được 10 triệu đồng. Việc thả thiên địch trên 1.000m2 ớt chuông là khoảng 8 triệu đồng/đợt và một vụ ớt 9 tháng sẽ chỉ thả thiên địch 4 đợt. Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì 1.000 m2 thì mỗi tháng chủ vườn phải chi gần 5,5 triệu đồng.
Hơn nữa, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể để lại dư lượng thuốc trên sản phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến môi trường.
Nhện Ambly là nhện bắt mồi có khả năng kiểm soát bọ trĩ. Nó cũng có thể ăn phấn hoa, nhện hai chấm và các loại nhện khác. Con trưởng thành có màu nâu đỏ, dài dưới 0,5 mm, trứng tròn, trong suốt, đường kính 0,14 mm. Chu kỳ sống hoàn chỉnh mất 10-12 ngày ở nhiệt độ 20-25 độ C. Nhện Ambly sẽ tìm và bắt, sau đó hút kiệt con mồi.
Nhện Phyto trưởng thành có màu cam đỏ, con non có màu cam nhạt, chân dài, thân hình quả lê. Điều kiện tối ưu trong việc áp dụng là ở nhiệt độ 20-27 độ C, độ ẩm 60-90%. Con trưởng thành sẽ tìm kiếm một cách tích cực con mồi như nhện hai chấm rồi bắt và hút kiệt con mồi.