Ốc bươu đen còn có tên gọi là ốc lác, ốc nhồi, là động vật thân mềm chân bụng có vỏ tròn màu nâu đen cho đến đen tuyền. Ốc là món ăn ưa thích của người Việt, phương thức chế biến đa dạng như nướng, luộc, xào, nấu lẩu… nên đầu ra tương đối ổn định, giá bán khá cao. Nhận thấy điều đó, anh Đặng Công Hảo ở thôn Tây Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tận dụng ao nuôi cá trước đây của gia đình để thả bèo nuôi ốc bươu đen.
Vạn sự khởi đầu nan, năm 2016 là năm anh quyết định đầu tư nuôi ốc bươu đen. Là người đầu tiên trong xã thực hiện mô hình nuôi ốc này nên anh Hảo chưa có kinh nghiệm nhiều. Anh đã thu gom ốc bươu đen bằng nguồn ốc có sẵn tại các ao, hồ xung quanh nhà. Số ốc bươu đen năm ấy do không được lựa chọn kỹ lưỡng nên rất chậm lớn và cứ thế chết dần. Vụ nuôi đầu tiên anh đã thất bại.
Thất bại năm đó không làm anh Hảo nản chí, anh xem đó là một kinh nghiệm lớn để nuôi tiếp vụ năm sau. Sang vụ nuôi năm 2017, anh Hảo lựa chọn cẩn thận những con ốc to, khỏe để đưa vào thả nuôi. Cùng với đó, anh tăng cường tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi trên mạng Internet. Anh ghi chép cẩn thận lại các giai đoạn phát triển của ốc, loại thức ăn được ốc ưa thích trong quá trình nuôi…
Sự cố gắng của anh đã được ghi nhận bằng việc năm đó đàn ốc bươu đen nhà anh phát triển tốt, cho thu hoạch với số lượng lớn. Nắm chắc được kỹ thuật trong tay, anh Hảo quyết định chuyển đổi toàn bộ 7 sào (3.500 m2) ao ruộng của gia đình để tập trung nuôi ốc bươu đen.
Từ đó đến nay, năm nào gia đình anh Hảo cũng nuôi ốc bươu đen và cho thu nhập ổn định. Nuôi sau khoảng 5 tháng tuổi, ốc bươu đen trưởng thành có thể thu hoạch với kích cỡ 30 - 40 con/kg. Mỗi năm anh Hảo thu hoạch khoảng 2 đến 2,5 tấn ốc bươu đen với giá 80.000 đồng/kg, doanh thu đạt 160 – 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Hảo thu về lãi ròng hơn 100 triệu đồng.
Ngoài việc tập trung nuôi ốc bươu đen thương phẩm, anh Hảo còn kết hợp với việc cho ấp trứng nở bán ốc giống. Ốc bươu đen có thời gian sinh sản bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Trứng ốc mới đẻ có màu trắng trong và chuyển sang trắng đục khi sắp nở.
Để tỷ lệ ốc nở đạt cao hơn, anh thu trứng ốc đẻ ngoài ao để vào thùng ấp, tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên và thành công khi cho nở theo ý muốn. Khi ốc đã nở đạt yêu cầu thì đem thả xuống vèo rồi nuôi dưỡng khoảng vài tuần.
Là người trẻ và năng động nên anh Hảo đã thông qua các hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội facebook để kết nối với thị trường tiêu thụ ốc bươu đen trong và ngoài tỉnh. Ốc giống do anh Hảo sản xuất được thị trường đánh giá chất lượng, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh nên lượng ốc giống sản xuất ra bao nhiêu cũng được khách đặt mua hết. Với giá con giống 300 – 400 đồng/con, mỗi năm bán ốc giống như vậy anh Hảo lại cộng thêm vào doanh thu của gia đình mình thêm vài trăm triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm sau 5 năm nuôi ốc bươi đen thành công, anh Hảo cho biết: “Loài ốc bươu đen tuy sống ở dưới bùn nhưng lại rất ưa sạch. Vì vậy người nuôi cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh. Cho ốc ăn cũng cần đầy đủ, đều đặn với các loại thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên như lá khoai, sắn, bèo cám… Ngoài ra, giai đoạn ốc bươu đen giống được từ 3 - 4 tuần tuổi cần cho ăn bằng cám gạo, cám ngô để ốc phát triển tốt hơn".
Dự định trong thời gian tới, anh Hảo sẽ mở rộng diện tích, tìm kiếm những hộ trong xã có ao hồ rộng để hợp tác, liên kết phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc bươu đen, để cùng tạo dựng thương hiệu cơ sở nuôi và nâng cao thu nhập cho bà con xã nhà.
Theo chị Phạm Thị Hằng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Lưu Vĩnh Sơn cho biết: Anh Đặng Công Hảo là người đầu tiên của xã nuôi thành công mô hình ốc bươu đen. Nhận thấy đây là mô hình khá nhàn rỗi; không cần nhiều công lao động; không cần vốn nhiều; thức ăn chủ yếu là các loại thức ăn có sẵn như bèo, các loại rau, củ tự nhiên... nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định nên thời gian tới, chị sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương để mô hình này được nhân rộng.